Vào nội dung chính
TRIỀU TIÊN

Bình Nhưỡng đòi Seoul bỏ trừng phạt nếu muốn thương lượng

Bắc Triều Tiên hôm nay 23/01/2015 tuyên bố Hàn Quốc phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kéo dài từ 5 năm qua nếu muốn thương thảo về việc hội ngộ các gia đình bị ly tán ở hai miền. Tuyên bố này được đưa ra trong lúc Seoul đang thúc đẩy một cuộc đối thoại cấp cao.

Cuộc gặp giữa người thân hai miền Triều Tiên, ở núi Kim Cương, 20/02/2014
Cuộc gặp giữa người thân hai miền Triều Tiên, ở núi Kim Cương, 20/02/2014 REUTERS/Korea Pool/News1
Quảng cáo

Theo Ủy ban Thống nhất Hòa bình của Bắc Triều Tiên (CPRK), nếu vấn đề trừng phạt không được giải quyết, thì « không có bất cứ cuộc đối thoại, tiếp xúc hay trao đổi nào có thể diễn ra giữa miền Bắc và miền Nam ». Thông cáo của Ủy ban này được hãng thông tấn KCNA trích dẫn nói : « Nếu chính quyền Hàn Quốc thành thật trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo, thì họ phải tháo dỡ các chướng ngại do chính họ đã tạo ra ».

Hàn Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên sau vụ chiến hạm Cheonan bị đánh đắm năm 2010. Việc này làm ngưng đọng mọi hoạt động thương mại và đầu tư giữa đôi bên, ngoại trừ khu công nghiệp Kaesong. Bình Nhưỡng luôn chối cãi cáo buộc của Seoul là một tàu ngầm Bắc Triều Tiên đã đánh chìm chiếc tàu Cheonan, và từ chối nhận trách nhiệm cũng như xin lỗi, theo đòi hỏi của Hàn Quốc để có thể bãi bỏ trừng phạt.

Tuyên bố của CPRK gắn liền việc trừng phạt với đề nghị đối thoại cấp cao của Hàn Quốc, nhằm tổ chức cho các gia đình bị ly tán sau chiến tranh Triều Tiên có thể gặp gỡ trong dịp Tết âm lịch năm nay, rơi vào ngày 19/2.

Thứ Sáu tuần trước, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã kêu gọi Bình Nhưỡng « không nên ngần ngại » đáp ứng lời đề nghị đối thoại. « Thời gian không còn nhiều nữa » - phát ngôn viên Lim Byeong Cheol nói với báo chí như trên.

Vòng đàm phán chính thức cấp cao cuối cùng giữa hai nước Triều Tiên vào tháng 2/2014 đã mang lại kết quả là một cuộc hội ngộ đầu tiên từ ba năm qua cho các gia đình bị chia cách đã diễn ra tại miền Bắc.

Hàng triệu người Triều Tiên không còn được gặp gia đình sau chiến tranh, đại đa số đã qua đời mà không có dịp liên lạc với những người thân còn sống. Khoảng 71.000 người, đa số đã trên 70 tuổi đang trong danh sách chờ được gặp gỡ thân nhân, trong khi mỗi cuộc gặp chỉ có 100 người của mỗi miền được tham dự.

Chương trình đoàn tụ gia đình bắt đầu được thực hiện sau một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền Nam Bắc vào năm 2000, nhưng thường xuyên gặp trắc trở.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.