Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - HỒI GIÁO

Phương Tây bảo vệ quyền châm biếm của Charlie Hebdo, các nước Hồi giáo ôn hòa Châu Á lo ngại

Các nước Hồi giáo ôn hòa tại Châu Á, như Malaysia, Indonesia, lo ngại là việc các nước phương Tây bảo vệ quyền của tạp chí Charlie Hebdo đăng các tranh biếm họa, có nguy cơ làm gia tăng trào lưu cực đoan ngay trên lãnh thổ các nước này, với sự cổ vũ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Cảnh trong một cuộc biểu tình phản đối biếm họa của Charlie Hebdo trước  Đại sứ quán Pháp tại  Jakarta, ngày  20/01/2015.
Cảnh trong một cuộc biểu tình phản đối biếm họa của Charlie Hebdo trước Đại sứ quán Pháp tại Jakarta, ngày 20/01/2015. REUTERS/Ismar Patrizki/Antara Foto
Quảng cáo

Sự kiện Charlie Hebdo, trong số ra ngày 14/01, đăng trên trang nhất bức biếm họa nhà tiên tri Mohamet – trong lúc đạo Hồi cấm đăng hình người- chỉ làm dấy lên một vài phản ứng công khai tại Malaysia và Indonesia, cho thấy rõ sự khác biệt về văn hóa và tư duy giữa hai nước này với nhiều quốc gia Hồi giáo khác, nơi đã xẩy ra nhiều vụ biểu tình bạo động chết người, phản đối Charlie đã đăng hình nhà tiên tri.

Tuy nhiên, các tín đồ Hồi giáo ôn hòa tại Malaysia, Indonesia cũng bày tỏ sự bực bội, khó chịu về việc đăng tranh biến họa nhà tiên tri, đồng thời họ lên án vụ thảm sát các nhà báo, họa sĩ của tạp chí này, ở Paris, hồi đầu tháng Giêng.

Ông Zamfris Anuar, theo đạo Hồi, giảng dạy trong một trường tiểu học ở Kuala Lumpur, nói với AFP : « Không ai có thể biện minh cho các hành động giết người, tôn giáo của chúng tôi không cho phép làm việc đó. Thế nhưng, phản ứng tại các nước phương Tây làm cho người Hồi giáo phải tự hỏi : Ai là bạn của chúng tôi ».

Theo giới quan sát, vụ thảm sát và việc đăng các biếm họa xẩy ra vào thời điểm rất tế nhị đối với Malaysia và Indonesia, nước đông dân Hồi giáo nhất thế giới (gần 90% trong tổng số 250 triệu dân Indonesia theo đạo Hồi). Cả hai nước đang ở trong tình trạng báo động, phải đối mặt với ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cũng như khả năng của nhóm khủng bố này lôi kéo hàng trăm công dân hai nước tham gia thánh chiến.

Ông Noorhaidi Hasan, giảng viên thuộc đại học Sunan Kalijajga, Indonesia giải thích, nhiều người theo đạo Hồi ở Đông Nam Á có cùng suy nghĩ như các người Hồi giáo ở các nước khác, là tại phương Tây, có một chương trình chống đạo Hồi và « sự cố Charlie Hebdo, trong một chừng mực nào đó, lại càng làm cho họ tin vào thuyết âm mưu » và nếu niềm tin này đi kèm với tình trạng kinh tế tồi tệ, thì có thể càng thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan phát triển.

Malaysia và Indonesia, hai nền kinh tế ổn định, có truyền thống Hồi giáo ôn hòa từ nhiều thế kỷ qua và giới chuyên gia cho rằng điều này sẽ không thay đổi trong tương lai.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều vụ khủng bố đẫm máu đã xẩy ra tại Indonesia, như vụ tấn công Bali năm 2002 làm 202 người thiệt mạng, đa số là du khách ngoại quốc, đó là chưa kể các vụ khủng bố nhỏ, lẻ tẻ.

Các biện pháp chống khủng bố tại hai nước đã làm suy yếu đáng kể mạng lưới cực đoan, nhưng việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tuyển mộ được hàng trăm công dân Indonesia và Malaysia đã gây nhiều lo ngại về nguy cơ bạo lực bùng phát khi những kẻ tham gia thánh chiến hồi hương.

Năm ngoái, Brunei, vương quốc nhỏ với nguồn thu nhập chính là dầu lửa, nằm ở phía bắc Malaysia, đã trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên, áp dụng luật Hồi giáo hà khắc – charia – như tử hình ném đá với một loạt tội danh, trong đó có tội ngoại tình, quan hệ đồng tính. Hậu quả là tại Malaysia, một chính đảng Hồi giáo bảo thủ đã kêu gọi tái lập một thể chế tương tự như ở Brunei.

Ông Joseph Liow, chuyên gia về Đông Nam Á, nhận định : Những đảng phái theo đường lối cứng rắn trong vùng chắc chắn ủng hộ vụ tấn công Charlie Hebdo và cho rằng tuần báo châm biếm của Pháp đã đi quá xa. Bối cảnh này trở nên tế nhị đối với giới lãnh đạo ở Jakarta và Kualar Lumpur. Chính vì thế, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã cực lực lên án vụ giết hại các nhà báo Pháp, nhưng đồng thời nhấn mạnh là không nên « thóa mạ » hoặc « giễu cợt » các tôn giáo. Trước đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak có những phát biểu tương tự. Malaysia là một nước đa sắc tộc và đa số dân theo đạo Hồi. Bộ trưởng phụ trách Thanh niên, ông Khairy Jamaluddin, một chính khách trẻ được lòng dân, đã thẳng thừng chỉ trích cuộc tuần hành chống khủng bố tại Paris, ngày 11/01 và coi đó là hiện tượng « đáng buồn nôn ».

Ông Mohamard Asri Zainal Abidin, nguyên là giáo sĩ ở bang Perlis, miền bắc Malaysia, được AFP trích dẫn, cho biết : « Người Hồi giáo không nói đến vụ tấn công (Charlie Hebdo) nữa, mà chỉ nói đến sự thù hằn của phương Tây (đối với đạo Hồi), điều này có thể làm gia tăng các tư tưởng cực đoan ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.