Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Ba vấn đề mới phát sinh trong nền kinh tế Trung Quốc

Nhật báo Les Echos quan tâm đến vấn đề tăng trưởng, trong đó có năm lĩnh vực sẽ cất cánh trong năm 2015, nhân sự kiện diễn đàn kinh tế Davos khai mạc vào hôm nay 21/01/2015 .

Một nhân viên bán hàng đang đợi khách trong một thương xá ở Bắc Kinh, 19/01/2015.
Một nhân viên bán hàng đang đợi khách trong một thương xá ở Bắc Kinh, 19/01/2015. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Quảng cáo

Tăng trưởng Trung Quốc thấp nhất từ 25 năm nay

Tờ báo kinh tế cũng không quên báo động : nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ kéo theo những hệ lụy cho hoạt động kinh tế toàn cầu. Les Echos cho biết, tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 7,4% vào năm 2014, thấp hơn so với mục tiêu mà chính phủ đề ra.

Nền kinh tế thứ hai thế giới đang phải đối đầu với nạn khủng hoảng địa ốc, lĩnh vực chiếm đến 15% kinh tế Trung Quốc. Cùng lúc ấy, nhiều ngành công nghiệp sản xuất dư thừa, ảnh hưởng đến giá cả và gây ra nạn giảm phát. Về phía giới đầu tư nước ngoài, họ tỏ ra khá thận trọng hơn trước : vốn đầu tư vào Trung Quốc trong những dự án công nghiệp chỉ tăng 1,7% vào năm ngoái, một sự sụt giảm rõ nét. 

Ba vấn đề nảy sinh

Từ đó, tờ báo có bài viết phân tích : « Ba vấn đề mới phát sinh trong nền kinh tế Trung Quốc ». Theo bài viết, thứ nhất, chiến dịch bài trừ tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Các nhà đầu tư toàn cầu đều lo ngại trước nguồn tài chính của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc. Kaisa hay một số tập đoàn môi giới nhà đất đã bị sập bẫy trong chiến dịch bàn tay sạch của ông Tập Cận Bình. Theo đánh giá của một kinh tế gia làm việc cho Bank of America, chiến dịch chống tham nhũng cướp đi từ 0,6 đến 1,5 điểm tăng trưởng GDP của nước này.

Thứ hai là Trung Quốc đang đau đầu về ngân sách. Theo một nghiên cứu của Deutsche Bank, thu nhập từ thuế khóa sẽ tăng vào năm 2015 nhưng chỉ là 1%, một kết quả tệ nhất từ năm 1981 đến nay. Chính quyền địa phương thì cho rằng, nguồn thu từ thuế giảm đi 2%. Đối với tác giả của bản báo cáo trên, « đây chính là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc ».

Khủng hoảng bất động sản phần nào là nguyên nhân của tình trạng u ám trên. Từ giữa những thập niên 2000, các vụ bán đất chiếm khoảng 1/3 ngân sách của các chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ngày nay giá đất giảm kéo theo việc các địa phương thất thu đến 20% vào năm 2015, trong khi các đơn vị này vốn đã mang nợ chồng chất. Ngân sách mà Bắc Kinh dùng để hỗ trợ kinh tế cũng không quá lớn.

Theo Les Echos, vấn đề thứ ba là vốn lần lượt bị tuồn đi nơi khác. Mới đây, các kinh tế gia của ngân hàng Goldman Sachs đã tính toán số chênh lệch giữa vốn vào và vốn ra lên tới 300 tỉ đô la từ năm 2010. Hiện tượng này là kết quả một phần từ chiến dịch chống tham nhũng khiến một số thành phần lo tuồn khối tài sản bất chính đi nơi khác. Đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư ngoại quốc bớt hào hứng đầu tư vào Hoa lục. Nếu tình trạng trên kéo dài từ năm này qua năm khác thì Trung Quốc sẽ thất thu và không còn lượng tiền mặt dự trữ dồi dào trong tương lai. 

Cuba : Hồi kết của chuỗi ngày ác mộng

Ngày 17/12/2014 là ngày đáng ghi nhớ đối với người dân Cuba, sau khi lãnh đạo hai nước Cuba và Mỹ tuyên bố xích lại gần nhau. Nhật báo Le Monde trong mục điều tra thuật lại những kỳ vọng của người dân Cuba qua lời kể của nhà văn Cuba Leonardo Padura sau khi hai quốc gia vốn thù địch trong vòng 50 năm bắt tay làm hòa.

Nhà văn Padura cho biết, ngày 17/12 còn trùng hợp là ngày bổn mạng của thánh Lazaro, vị thánh vốn rất được tôn sùng tại hòn đảo và chuyên làm phép lạ. Do đó, người dân tại đây nghĩ rằng, chính vị thánh khó nghèo này đã tạo nên điều kỳ diệu cho Cuba.

Hiện kinh tế Cuba tăng trưởng gần như ở con số không, chính phủ không có khả năng tăng lương cho viên chức và dân chúng cần có một tia hy vọng sau chuỗi ngày dài sống trong thiếu thốn. Tin vui trên khiến không ít người Cuba từ khắp nơi trên thế giới phấn chấn.

Việc Hoa Kỳ nới lỏng việc cho phép công dân Mỹ sang thăm Cuba có thể mang lại lợi ích kinh tế tức khắc cho hòn đảo, tuy nhiên cũng gây không ít khó khăn cho Cuba trong việc đón tiếp lượng du khách vì hiện tại Cuba chỉ xây dựng nhà ở vừa đủ cho dân chúng địa phương. Do đó, nhiều câu hỏi đặt ra liệu Cuba có thể đón tiếp được khoảng từ 3-5 triệu người hay không…Không chỉ dừng ở đó, các vấn đề nổi cộm khác như khâu cung ứng hay cơ sở hạ tầng lạc hậu, không đáng tin cậy, chất lượng ngành viễn thông, giao thông, sân bay, hệ thống cống thoát và nước sạch, bãi đậu xe hơi, dịch vụ dọn rác…

Cuba đã dự tính phát triển cho tương lai, đặc biệt là trong ngành công nghiệp không khói như đầu tư xây dựng các bến du thuyền lớn kèm với những phòng khách sạn xa xỉ tại bãi biển Varadero. Nếu lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Cuba có thể vay tín dụng quốc tế và giới đầu tư có thể đến hòn đảo làm ăn mà không sợ bị Mỹ trả đũa như vụ ngân hàng BNP của Pháp. 

Bài học Pháp rút ra sau ngày 11/01

Đã 15 ngày trôi qua từ khi xảy ra loạt khủng bố gây chấn động Paris, nhật báo La Croix nhìn lại những bài học mà Pháp đã rút ra được sau buổi tuần hành ngày 11 tháng Giêng để thể hiện tinh thần liên đới với các nạn nhân bị khủng bố và đấu tranh vì tự do ngôn luận.

Trong 15 ngày qua, người Pháp đã trải qua nhiều cảm xúc trái chiều. Sau nỗi sợ hãi, rụng rời là sự giật mình, quật khởi, đoàn kết cùng nhau đấu tranh bảo vệ các giá trị của nền cộng hòa. Tuy nhiên, những rạn nứt xã hội cũng chớm thấy rất nhanh. Đó là những người không đến tham dự buổi tuần hành. Họ là người Hồi giáo, sống tại những vùng ngoại ô, cảm thấy niềm tin tôn giáo của họ bị bôi nhọ. Có cả người Do Thái vì họ cảm thấy an toàn tính mạng bị đe dọa.

Nhật báo Công giáo nhận định, cuộc tuần hành hôm 11/01 là dịp để giới chính khách nối lại quan hệ với dân chúng Pháp. Đặc biệt, trong sự kiện này, uy tín của Tổng thống và Thủ tướng Pháp cũng được cải thiện rõ rệt vì họ được xem như những vị lãnh đạo có trách nhiệm. Tuy giây phút được dân Pháp yêu mến có thể không kéo dài lâu nhưng ít ra cũng đủ lóe lên tia hy vọng trong hoàn cảnh dân Pháp vô cùng ngờ vực giới chính trị.

La Croix nhận thấy, xã hội Pháp đang bị chia rẽ sâu sắc qua lời phát biểu của Thủ tướng Manuel Vall vào hôm qua : « Tại Pháp có một sự phân biệt (apartheid) về lãnh thổ, xã hội và chủng tộc ». Kamal Hachkar, giáo viên vùng Seine-Saint-Denis nhận xét, một thế hệ trẻ lớn lên ngoài lề những giá trị của nền cộng hòa. Trong 15 ngày qua, ông nhận thấy không ai dám lui tới những khu phố bình dân và chúng trở thành nơi dành riêng cho những người cùng sắc tộc hoặc tôn giáo chung sống. Thêm vào đó là căng thẳng giữa Israel và Palestine cũng làm ảnh hưởng đến một số học sinh. Chúng không biết chỉ trên bản đồ Cisjordanie và dải Gaza. Theo giáo viên Kamal Hachkar, chúng cảm thấy mình bị áp bức. 

Những bất ngờ quanh một cuộc thăm dò quốc tế

Qua nhiều biến động gần đây, một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trên hơn 30.000 thanh niên trên 31 quốc gia, kết quả nêu lên những khác biệt rõ nét giữa các quốc gia. Đó là nội dung được nhật báo Le Figaro đăng tải trong chuyên mục xã hội.

Chủ đề được nêu trong cuộc thăm dò tập trung vào lịch sử thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Đa số thanh niên đều công kích mãnh liệt chế độ cộng sản và Đức quốc xã, đồng thời thể hiện thái độ ngờ vực trước mô hình chính trị dân chủ. 56% người Pháp cho rằng Đại chiến thế giới thứ ba có thể xảy ra (trong độ tuổi 16-29). Đối với người Mỹ và Nhật, trận chiến Trân Châu Cảng được nhắc đến nhiều nhất. Sự kiện quân Đồng minh đổ bộ tại vùng Normandie được dân Pháp nêu lên nhiều (77%), người Anh (47%), Mỹ chỉ là (29%) trong khi quân đội nước này đóng vai trò quan trọng trong sự kiện này.

Một ngạc nhiên khác là nếu hỏi thanh niên nhận xét thế nào về chế độ dân chủ thì kết quả cho thấy đa số tán thành chế độ trên hơn là cộng sản hay Đức quốc xã. Hơn 1/3 số người được hỏi đồng ý với việc chế độ dân chủ đã gây ra cái chết của hàng triệu người. Le Figaro cho rằng, những người có câu trả lời như vậy chắc hẳn đang nghĩ về những nạn nhân của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima hay qua các cuộc chiến thuộc địa. 

Trang nhất báo Pháp

Thời sự xuất hiện trên các trang báo Pháp hôm nay khá phong phú. Trang nhất nhật báo Le Monde chạy tựa : « Người Do Thái tại Pháp đang tìm cách ra đi ». Sau hàng loạt các vụ khủng bố đẫm máu, người Do Thái cảm thấy bất an và họ muốn sang Israel sinh sống. Về thời sự quốc tế, Le Monde quan tâm đến sự xích lại lịch sử giữa Cuba và Mỹ qua hàng tựa : « Hồi kết của một chuỗi ác mộng ». Theo đó, nhà văn Cuba Leonardo Padura tường thuật lại những kỳ vọng của người dân Cuba sau khi lãnh đạo hai nước tuyên bố sưởi ấm quan hệ ngoại giao.

Các nhận định về hậu khủng bố tại Pháp vẫn còn khá nhiều dư âm trên các trang báo Pháp. Nhật báo La Croix chạy tựa : « Những bài học từ ngày 11/01 », ngày diễn ra buổi tuần hành toàn quốc trên đường phố Paris. Tuy nhiên, trên mạng internet, đặc biệt là ở giới trẻ lại rộ lên ý kiến cho rằng người Hồi giáo bị hại. Loạt khủng bố vừa qua là do một thế lực thù địch nào đó trong bóng tối ra tay để làm bại hoại thanh danh của người Hồi giáo. Đó là chủ đề lớn được nhật báo Libération phân tích trong hồ sơ khá dài. Le Figaro lo ngại khi nhìn thấy nhiều thanh niên Pháp gia nhập hàng ngũ thánh chiến djihad.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.