Vào nội dung chính
CHÂU Á - HÀNG KHÔNG

Tai nạn AirAsia : Mối nguy hiểm do không lưu dày đặc tại Châu Á.

Vụ chiếc Airbus 320-200 mang số hiệu QZ 8510 của AirAsia bị rơi ở ngoài khơi Indonesia hồi cuối tháng 10/2014, theo các nhà phân tích, đã làm lộ rõ nhiều vấn đề như sử dụg hệ thống radar không phù hợp, thiếu nhân viên có kinh nghiệm để quản lý, điều dẫn trong một không gian có lưu thông hàng không dày đặc ở Đông Nam Á.

(ICAO)
Quảng cáo

Trong hành trình bay từ thành phố Surabaya, Indonesia tới Singapore, chiếc máy bay gặp thời tiết xấu và phi công đã đề nghị trạm hướng dẫn không lưu cho phép bay cao hơn để tránh những đám mây đen dầy đặc, nguy hiểm. Thế nhưng, hướng dẫn không lưu không cho phép vì tầng trên có mật độ lưu thông dày đặc. Chỉ vài phút sau, chiếc máy bay bị rơi xuống vùng biển Java, Indonesia.

Không một ai sống sót trong số 162 người trên máy bay. Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ mới vớt được hơn năm chục thi thể nạn nhân và hai hộp đen. Việc phân tích các thông số được ghi trong các hộp đen sẽ giúp xác định được nguyên nhân xẩy ra tai nạn.

Trong những năm gần đây, các hãng hàng không Indonesia đã phát triển nhanh chóng, nhờ có tăng trưởng kinh tế mạnh và sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu.

Giới chuyên gia nhấn mạnh, trong lúc đa số các hãng hàng không đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực an toàn, thì vẫn còn nhiều vấn đề gây quan ngại như cơ sở hạ tầng không phù hợp, thiếu nhân sự được huấn luyện và có đủ khả năng, kinh nghiệm quản lý mật độ không lưu ngày càng gia tăng.

Nếu như các hãng hàng không của Malaysia, Singapore đã có nhiều đầu tư, thích ứng, thì nhiều hãng khác lại không quan tâm đúng mức, đặc biệt là tại Indonesia.

Theo ông Suhkor Yusof, chuyên gia về hàng không, được AFP trích dẫn, « các hãng này phải thực sự gia tăng nỗ lực phát triển năng lực nghề nghiệp để quản lý », như đào tạo nhân sự, đầu tư hạ tầng và phải đặc biệt chú ý tới vấn đề an toàn.

Các chuyên gia khác thì tỏ ra hoài nghi về hệ thống kiểm soát không lưu của nhiều nước Châu Á không thích ứng với mật độ không lưu không ngừng tăng, mặc dù cho đến lúc này, do chưa có kết luận điều tra, nên không thể coi đó là nguyên nhân gây tai nạn.

Ông Greg Waldron, trưởng ban biên tập Flightglobal, tạp chí chuyên ngành công nghiệp hàng không không gian, giải thích, « vấn đề thực sự là trình độ chuyên nghiệp của các kiểm soát viên không lưu ».

Hồi tháng 05/2012, áp lực không lưu đã góp phần gây ra vụ một chiếc máy bay hàng không dân dụng Nga bị rơi trên đảo Java, đảo đông dân nhất Indonesia, làm 45 người thiệt mạng.

Mặc dù một phần lớn trách nhiệm là do việc viên phi công không quan tâm đến các báo động của hệ thống cảnh báo trên máy bay, nhưng, báo cáo điều tra vụ tai nạn cũng lưu ý tới một thực tế là kiểm soát viên không lưu trực tại Jakarta, cùng một lúc, phải liên lạc và quản lý 14 máy bay.

Hơn nữa, hệ thống radar, do không phù hợp, đã không cảnh báo viên phi công bay quá thấp.

Tình trạng thiếu quan tâm đến vấn đề an toàn hàng không trong vùng Đông Nam Á cũng thể hiện qua một sự cố xẩy ra ở đài kiểm soát không lưu tại Việt Nam hồi năm ngoái. Hai máy bay suýt đâm vào nhau trên không phận một sân bay tại Đà Nẵng, vì vào lúc đó, việc quản lý không lưu dầy đặc lại được giao cho một nhân viên tập sự trẻ.

Một vấn đề khác là phi công không được đào tạo, huấn luyện liên tục trong lúc các hãng hàng không phát triển nhanh. Nếu như cơ trưởng chuyến bay QZ 8510 của AirAsia là phi công có nhiều kinh nghiệp và đã từng là phi công máy bay quân sự, thì trong nhiều trường hợp tai nạn khác, các phi công không được huấn luyện đầy đủ.

AFP nêu ra trường hợp hãng hàng không giá rẻ Lion Air của Indonesia. Năm ngoái, một phi công của hãng này đã không làm chủ được máy bay, khi hạ cánh xuống sân bay Denpasar, ở Bali. Máy bay đâm xuống biển và gẫy làm đôi. Tất may là 108 hành khách và phi hành đoàn đều sống sót.

Tuy còn nhiều chủ đề lo ngại, nhưng giới chuyên gia cũng thừa nhận là vấn đề an toàn của các hãng hàng không Indonesia đã được cải thiện rất nhiều trong những năm vừa qu, sau một loạt các vụ tai nạn chết người.

Năm 2007, tất cả các hãng hàng không của Indonesia bị cấm bay tới Liên Châu Âu, thì hiện nay, danh sách cấm chỉ còn rất ít.

Liên quan đến việc điều tra nguyên nhân tai nạn chuyến bay QZ 8510, sau khi vớt được hai hộp đen và khai thác các thông tin được ghi lại trong đó, giới điều tra, hôm nay, cho biết tập trung vào việc xem xét khả năng sai lầm của phi công.

Các nhà điều tra thuộc Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia đã nghe phần âm thanh, tiếng nói trên máy bay, được ghi trong một chiếc hộp đen của chiếc máy bay, nhưng không cho biết nội dung. Họ nói rằng không có một chỉ dấu nào liên quan đến việc chiếc máy bay bị khủng bố.

Ông Nurcahyo Utomo, thuộc nhóm điều tra tuyên bố với các nhà báo : « Chúng tôi không nghe thấy tiếng một người nào khác, ngoài hai phi công, không hề nghe thấy tiếng nổ ».

Theo chuyên gia này, giờ đây, các nhà điều tra sẽ tập trung xem xét giả thuyết sai lầm của con người dẫn đến tai nạn. Tuần tới, giới điều tra sẽ công bố bản báo cáo sơ bộ về những nguyên nhân của vụ tai nạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.