Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Năm 2013 Trung Quốc gia tăng bắt người vì tội danh chính trị

Vừa có thêm một thông tin khẳng định tình trạng bắt bớ gia tăng mạnh tại Trung Quốc trong thời gian gần đây. Hôm qua 09/01/2014, AFP dẫn thống kê của một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, theo đó chính quyền Trung Quốc đã truy tố gần 1.400 người vì tội danh chính trị riêng trong năm 2013.

Biểu tình tại Bắc Kinh đòi trả tự do cho một nhà đấu tranh nhân quyền bị bắt giữ từ cuối năm 2013.
Biểu tình tại Bắc Kinh đòi trả tự do cho một nhà đấu tranh nhân quyền bị bắt giữ từ cuối năm 2013. DR
Quảng cáo

Hôm thứ Năm, 07/01, Quỹ Đối thoại/Fondation Dui Hua (tên gọi tắt của « Trung Mỹ đối thoại cơ kim hội ») ra thông báo xác nhận có 1.384 người bị cáo buộc tội danh « đe dọa an ninh quốc gia ». Số liệu nói trên được đưa ra dựa trên các số thống kê chính thức của văn phòng Viện Công tố trung ương tại Bắc Kinh. Các tên họ trong danh sách cho thấy phần lớn những người bị truy tố gốc các vùng Tây Tạng hay Tân Cương. 

Theo số liệu riêng của hiệp hội Đối thoại, trong năm 2013 có 937 người bị bắt giữ cũng với tội danh trên, nhưng tổ chức phi chính phủ này không cho biết rõ bao nhiêu người trong số họ bị đưa ra tòa sau đó. 

« Đe dọa an ninh quốc gia » là tội danh mà chính quyền Trung Quốc thường sử dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là các cộng đồng sắc tộc thiểu số, như ghi nhận của giới bảo vệ nhân quyền. 

Vẫn theo Fondation Đối thoại, năm 2013 – năm đầu tiên ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lực tối cao – là năm có số lượng người bị truy tố vì lý do chính trị cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, chỉ đứng sau năm 2008. 2008 là năm phong trào phản kháng chống chính sách đàn áp của chính quyền bùng phát tại vùng « tự trị » Tây Tạng. 

Nhiều nhà quan sát ghi nhận, chính quyền Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình, đã gia tăng đàn áp nhằm đè bẹp các tiếng nói công khai phê phán chế độ. Ngoài các nhà tranh đấu thuộc các sắc tộc thiểu số, còn nhiều luật sư, nhà báo, giảng viên – nhà nghiên cứu hay người đấu tranh cho quyền công dân bị bắt. Rất nhiều người trong số họ bị giam giữ tại những nơi bí mật. 

Fondation Dui Hua : Hiệp hội chủ trương tăng cường đối thoại pháp lý Mỹ-Trung 

Fondation Dui Hua, do thương gia John Kamm thành lập từ năm 1999, là một tổ chức chủ trương khuyến khích các đối thoại về nhân quyền Mỹ-Trung, mở ra cho sự tham gia của nhiều giới chức trong chính quyền Trung Quốc. 

Theo trang mạng của hiệp hội, trong những năm gần đây một số hoạt động song phương Trung-Mỹ đã được tổ chức nhằm gia tăng sự hiểu biết của hai bên về thực tế xét xử và giam giữ tại hai quốc gia, cũng như trên thế giới. Hiệp hội Đối thoại đặc biệt chú ý đến việc cải thiện hệ thống tư pháp liên quan đến các bị cáo vị thành niên và điều kiện lao tù của phụ nữ. 

Theo một thống kê của hiệp hội vào tháng 6/2011, dựa trên các nguồn chính thức và không chính thức, chính quyền Trung Quốc giam giữ tổng cộng hơn 24.000 tù chính trị. Cơ sở dữ liệu của Quỹ Đối thoại Mỹ-Trung được coi là một trong những nguồn tư liệu đầy đủ nhất về tù nhân chính trị tại Trung Quốc. Bài “Thiên An Môn đã thay đổi Trung Quốc như thế nào” (How Tiananmen Changed China, năm 2009), của nhà sáng lập Fondation Dui Hua, cho biết kể từ sau biến cố Thiên An Môn, khoảng 15.000 người Trung Quốc bị giam cầm vì lý do chính trị, và con số này có thể cao hơn. 

Năm 2005, Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc (Economic and Social Council of the United Nations/ECOSOC) dành cho Quỹ Đối thoại “quy chế tham vấn đặc biệt”. Với cương vị này, Fondation Dui Hua có thể tham gia các hoạt động của Liên Hiệp Quốc và đưa ra Liên Hiệp Quốc các thông tin và nhận định về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.