Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nhật Bản phải bảo đảm hòa bình trong khi Trung Quốc đe dọa

Bị Trung Quốc xem là diều hâu, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cần phải bảo đảm cho nền hòa bình tại châu Á. Con đường được chọn là xây dựng một nước Nhật hùng mạnh, một thách thức nói dễ nhưng làm khó cho quần đảo Phù tang trong năm 2015.

Thủ tướng Nhật trong buổi nói chuyện đầu năm 2015. Ảnh ngày 06/01/2015
Thủ tướng Nhật trong buổi nói chuyện đầu năm 2015. Ảnh ngày 06/01/2015 Reuters
Quảng cáo

Ngày 05/01/2015, trong cuộc họp báo đầu năm tại Tokyo, thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố : « Trong 70 năm qua, từ khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, nước Nhật tiến bộ như là quốc gia yêu chuộng hòa bình, góp phần vào nền hòa bình và phát triển dân chủ tại châu Á Thái Bình dương và thế giới (...) trong 100 năm tới đây, chúng ta sẽ đóng góp nhiều hơn dưới ngọn cờ hòa bình chủ động ».

Câu hỏi then chốt mà giới phân tích đặt ra là thủ tướng Nhật sẽ phải làm gì để thực hiện chính sách hòa bình này trong bối cảnh các nước Á châu không che dấu lo sợ trước chính sách bành trướng của Trung Quốc ?

Theo Nihon Keizai Shimbun, ông Shinzo Abe, sau khi vượt qua thử thách bầu cử với kết quả vẻ vang, phải nhanh chóng chấn hưng nước Nhật vào con đường hùng mạnh. Trong bài phân tích nhân cuối năm dương lịch, nhật báo kinh tế có uy tín và quan trọng hàng đầu thế giới, với ấn bản 4,5 triệu số mỗi ngày, giải thích : vấn đề tương lai Nhật Bản và an ninh toàn khu vực đã được đặt ra vào cuối tháng 11/2014 khi đại diện các chính phủ châu Á và chuyên gia quốc tế họp tại Singapore thảo luận suốt 8 tiếng đồng hồ liên tiếp về đề tài : đối phó thế nào với Bắc Kinh ?

Vì lo sợ Trung Quốc, các nước láng giềng tìm điểm tựa lá chắn của Mỹ. Nhưng vấn nạn của các nước châu Á là vừa là đối tác kinh tế với Trung Quốc vừa không đủ sức mạnh quân sự đối đầu với Bắc Kinh.

Họ chỉ trông mong Trung Quốc cư xử có trách nhiệm nhưng làm sao dám mạnh mẽ chỉ trích cường quốc số hai thế giới.

Trong bối cảnh này, vai trò của Nhật Bản sẽ vô cùng quan trọng, nếu biết thực hiện sẽ giúp số phận châu Á tươi sáng hơn

Được nhật báo Nihon Keizai Shimbun hỏi ý kiến, 13 chuyên gia Mỹ và Á châu cho rằng Tokyo phải nhanh chóng thực hiện hai phương án : Một là tăng cường liên minh Mỹ-Nhật để sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á không bị sút giảm trong lúc Washington còn bận tâm về tình hình Trung Đông. Hai là cải thiện quan hệ với Bắc Kinh để tạo thuận lợi cho hòa bình trong khu vực.

Nếu quan hệ Mỹ-Nhật vẫn tiếp tục bền vững thì trái lại bang giao Nhật-Trung vẫn đi xuống.

Về điểm thứ hai này, thủ tướng Shinzo Abe đã cố gắng tìm cơ hội cải tiến với Bắc Kinh và đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên hồi tháng 11/2014. Tuy nhiên theo một nguồn tin thân cận của chính phủ Trung Quốc « chủ tịch Trung Quốc, do bị chi phối vì cuộc đấu đá nội bộ, không thể tỏ thái độ mềm dẻo với Nhật Bản ».

Đổi lại Tokyo cũng không thể nhượng bộ trên vấn đề chủ quyền đất nước.

Nhật báo kinh tế Nhật hiến kế : Nhật Bản tập trung trao đổi thương mại với Trung Quốc và dùng kinh tế để hâm nóng quan hệ song phương trong lúc kênh ngoại giao bị đóng băng.

Song song với nỗ lực kinh tế, chính phủ Shinzo Abe sẽ phải nhanh chóng cải cách luật pháp để quân đội có thể cùng với đồng minh can thiệp trên các chiến trường hải ngoại mà thuật ngữ quân sự của Nhật gọi là quyền « tự vệ tập thể ».

Những thực hiện này sẽ là nền tảng « ổn định và hòa bình » khu vực.

Cho đến nay, đa số dân Nhật vẫn chưa ủng hộ hoàn toàn chiến lược này. Do vậy, thủ tướng Shinzo Abe càng phải vận động công luận nhiều hơn. Năm 2015 là đúng 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai. Trung Quốc sẽ thừa cơ hội khai thác yếu tố lịch sử này để công kích Nhật Bản tái lập quá khứ quân phiệt và lôi kéo Hàn Quốc chia sẻ quan điểm này.

Câu hỏi đặt ra là liệu giới lãnh đạo Nhật Bản, nhất là các bộ trưởng, có ý thức là Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch cô lập nước Nhật ?

Kịch bản tai hại nhất, theo Nihon Keizai Shimbun, là những lời tuyên bố bất cẩn của chính giới Nhật sẽ làm Tokyo, cột trụ của của liên minh Mỹ-Nhật, bảo vệ hòa bình tại Châu Á, bị cô đơn.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.