Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Kim Jong Un và mưu toan phá vây

Thời sự quốc tế có vẻ lấn át thời sự Pháp trên trang nhất các báo ngày 05/01/2015, với bầu cử sắp diễn ra ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, nơi cánh tả triệt để được dự đoán thắng cử - Libération dành hàng tít lớn nói đến « Mùa Xuân của cánh tả đỏ (ở) Nam Âu » - và với làn sóng người tỵ nạn Syria mà Châu Âu và Liban phải đối phó như nhận định của Le Monde. Nhưng một hồ sơ lý thú lại ở trang trong báo Le Figaro dưới hàng tựa : « Bình Nhưỡng cố phá thế cô lập của mình ».

Hãng thông tấn chính thức KCNA liên tục tung ra hình ảnh của Kim Jong Un tươi tắn ''ôn hoà'' - Reuters
Hãng thông tấn chính thức KCNA liên tục tung ra hình ảnh của Kim Jong Un tươi tắn ''ôn hoà'' - Reuters
Quảng cáo

Le Figaro nhắc lại bối cảnh là trong lúc quan hệ với Mỹ ở mức tồi tệ nhất, lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un vừa qua, tuyên bố sẵn sàng nói chuyện với Seoul với một số điều kiện. Tác giả bài báo - Sébastien Faletti - nhìn thấy đây quả là thời điểm của những quyết định tốt lành ở bán đảo Triều Tiên. 

Nhân dịp đầu năm 2015 này, Bình Nhưỡng và Seoul đều đưa ra những lời kêu gọi đối thoại, với hy vọng làm tan băng giá. Tuy nhiên chuỗi ý định tốt này, che đậy những tính toán chiến lược có nguy cơ dẫn đến một sự đối đầu mới giữa hai miền Bắc – Nam, với Hoa Kỳ nằm trong tầm nhắm. 

Bài báo trở lại phát biểu nhân đầu năm của lãnh đạo Bình Nhưỡng, cho rằng Kim Jung Un đã bắn phát súng trước tiên, mở cửa cho một cuộc họp thượng đỉnh với Seoul khi tuyên bố « không thấy lý do gì mà không thảo luận ở cấp cao nhất ... » Giọng điệu khác thường này là lời nhắn nhủ gởi đến bà Park Geun Hye luôn tỏ thái độ cứng rắn từ khi nắm quyền vào năm 2012. 

Tác giả bài báo trích dẫn phân tích của trang thông tin của những người đã trốn khỏi Bắc Triều Tiên, DailyNK, với những thông tín viên hoạt động bí mật tại miền Bắc, cho rằng sự thay đổi thái độ của Bình Nhưỡng là để đáp ứng với ván bài mới trong khu vực và phá vỡ thế cô lập ngoại giao ngày càng lớn mà Bắc Triều Tiên đang phải chịu : Từ lệnh trừng phạt trả đũa của Washignton sau vụ Sony Pictures, cho đến sức ép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trên vấn đề nhân quyền. 

Quan hệ với Bắc Kinh, đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng cũng không còn nồng ấm từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Trung Quốc. Hai nước chưa đi đến mức đoạn giao, nhưng quan hệ bị bào mòn thấy rõ. Ông Tập Cận Bình cho thấy giờ đây muốn đặt quan hệ vững chắc với Hàn Quốc, ông đã đến Seoul trong lúc vẫn chưa gặp Kim Jong Un. 

Bối cảnh không mấy thuận lợi đó đã khiến lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên có những tính toán chiến lược khác : xích lại gần Nga, thương lượng với đối thủ Nhật Bản và dịu giọng với Seoul. 

Tuy nhiên theo Le Figaro, tính toán của Bình Nhưỡng có lẽ sẽ không được như ý muốn. Một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc có thể giúp phá vỡ gọng kềm và Bình Nhưỡng được trợ giúp kinh tế, có điều Kim Jong Un đã đưa ra điều kiện, trong đó có việc ngưng tập trận chung với Mỹ, điều mà Seoul khó thể chấp nhận. 

Le Figaro trích dẫn giới chuyên gia e ngại là cuộc tập trận mùa đông được dự kiến sẽ lại khuấy lên căng thẳng và sức ép quốc tế hiện nay sẽ là cái cớ để Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới. 

Cuba đổi cách bóp nghẹt tự do ngôn luận 

Le Figaro cũng nhìn sang một nước thù nghịch với Mỹ nhưng đã có một bước xích lại gần nhau ngoạn mục : « Cuba, tuy làm tan băng với Washington nhưng vẫn tiếp tục khóa miệng giới ly khai », tít lớn bài viết trang Quốc tế. 

Bài báo nêu bật phương thức kiểm duyệt, bóp nghẹt tự do ngôn luân mới ở Cuba, cho phép giữ được bộ mặt tốt đối với quốc tế, đồng thời làm nản chí những người muốn chỉ trich chế độ. 

Le Figaro nêu ví dụ vào tuần qua, nghệ sĩ Tanía Bruguera muốn tổ chức một buổi nói chuyện ngoài trời ở La Habana, đặt một micro ở Quảng trường Cách Mạng để người dân phát biểu, cho ý kiến. 

Nghệ sĩ đã xin phép chính quyền nhưng bị buộc tổ chức sự kiện bên trong viện bảo tàng Nghệ thuật, chứ không được ở bên ngoài. Lý do rất đơn giản, theo nghệ sĩ Tania, bên trong thì chính quyền dễ dàng kiểm soát. 

Không đuợc phép, nhưng vẫn tập hợp, cho nên 60 người đã bị bắt ngày 30/12. Cái khác với trước đây là thời gian bị cầm giữ rất ngắn : một số người được trả tự do sau vài tiếng đồng hồ, một số ở lại hai, ba ngày trong tay công an văn hóa. Theo Le Figaro, trong tháng 12 vừa qua có đến 500 nhà ly khai bị bắt và chỉ bị giam giữ trong thời gian ngắn nói trên. 

Phương thức mới này theo các nhà ly khai, rất là độc hại, vì vừa tập hợp là bị câu lưu dễ gây nản lòng, giam cầm không lâu lại tránh được chỉ trích, chính quyền tạo được bộ mặt "đúng đắn". 

Theo Le Figaro, cho dù Washignton tiếp tục hỗ trợ giới ly khai Cuba qua quỹ của USAID, nhưng không cho là họ có khả năng thay thế chính quyền cộng sản Cuba. Các nhà ngoại giao Mỹ, như các tài liệu của WikiLeaks cho thấy, đánh giá là giới ly khai không có "tiếng vang" lớn trong dân chúng. Chính người trong guồng máy mới có thể thay thế lớp lãnh đạo gia đi, và làm cho Cuba thay đổi. 

Le Figaro còn nhận thấy ngay cả Giáo hội Công giáo Cuba cũng không tin vào vai trò của giới ly khai, cho nên đã chọn thảo luận với chính quyền về cải tổ kinh tế, thúc đẩy việc xích lại gần nhau với Washington. 

Fidel Castro ở đâu ? 

Về sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Cuba nói trên, Le Figaro ghi nhận một yếu tố làm cho người Cuba thắc mắc : « Sự im lặng của Fidel Castro », một tựa trang quốc tế. 

Bài viết của Hector Lemieux bắt đầu bằng câu hỏi "Fidel Castro ở đâu ?". Đây là câu mà người dân Cuba đang tự hỏi từ khi La Habana và Washington thông báo việc làm lành với nhau ngày 17/12.

Fidel Castro biệt tăm hơi, không thấy cho đăng "suy nghĩ" trên tờ Granma hay Juventud Rebelde, hai nhật báo lớn Cuba. Tháng 7 vừa qua Fidel còn tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng đã biến mất từ khi ấy. 

Theo bài báo chưa thấy Fidel Castro lên tiếng về vụ quan hệ Cuba-Hoa Kỳ, cũng không lạ lắm vị cựu chủ tịch Cuba thường dành bất ngờ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là việc xích lại gần nhau Cuba-Hoa Kỳ được thực hiện lúc Fidel vẫn còn tồn tại. 

Đối với giới chuyên gia, không có gì quan trọng diễn ra ở Cuba mà không có sự chấp thuận của Fidel Castro, nhất là trong bang giao với kẻ thù Hoa Kỳ. Có người không tin là nếu Fidel Castro còn tỉnh táo mà chấp nhận việc nối lại bang giao. 

Le Figaro nhắc lại là trong phát biểu loan báo tin hệ trọng ngày 17/12, chủ tịch Raul Castro đã cám ơn Vatican và Canada, nhưng không một lời nói đến người anh Fidel trong vụ này. Sự im lặng của Fidel rất gây thắc mắc, dẫn đến nhiều tin đồn điên rồ : ông qua đời rồi chăng ? Quá yếu để đưa ra quyết định ? Để đọc báo ? 

Trong phần kết luận, Le Figaro trích lời một nhà ngoại giao ở La Habana, cho là « sức khỏe của Fidel là bí mật quốc gia. Chỉ người thân cận mới biết được. Nhưng sẽ không có ai tiết lộ gì cả. » Tất cả những tin khác là điều đồn nhảm. 

"Tàu ma" : chiến lược mới của giới buôn người 

Báo chí Pháp hôm nay trở lại vụ các chiếc "tàu ma" chở hàng trăm người lênh đênh ngoài khơi nước Ý và được Hải quân Ý cứu giúp trong mấy ngày qua. Đặc phái viên tờ Le Monde đến cảng Gallipoli, gặp thuyền nhân trên chiếc Blue Sky M, chở gần 800 người, bị bỏ trên biển trong khi thủy thủ đoàn biến mất, và trích thành tít lời một thuyền nhân : « Không ai nghĩ là sẽ sống sót ».

Một thuyền nhân Mohamed Abdelkarim, người Syria kể lại là suốt 7 ngày trước khi được cứu vào ngày 31/12, anh cùng những người khác sống trong hầm tàu tối đen, biển động, nước chảy vào bên trong. Người quá đông, quá chật không thể nằm nghỉ, sợ hãi đến nỗi không ngủ được và trong những ngày cuối không còn thức ăn nước uống... Người bị bệnh không ít. Trên tàu họ không được ra ngoài, không được lên boong tàu. 

Để có được một chỗ trên chiếc Blue Sky M, họ phải trả từ 4.000 đến 6.000 đô la, để đi vào một hành trình như là một cơn ác mộng, họ cũng không biết là bị thủy thủ đoàn bỏ mặc trên biển. 

Báo Les Echos và La Croix thì chú ý đến chiếc Ezadeen được Hải quân Ý cứu sau chiếc Blue Sky M và được đưa đến cảng Ý Corgliano, miền Nam, với 450 thuyền nhân. 

Les Echos đếm lại trong vòng 15 ngày đã có 3 chiếc tàu bị bỏ trên biển, chở tổng cộng gần 2000 người. Số "hành khách" này phần đông là người Syria. Đối với giới buôn người họ là một ‘thị trường mới’, vừa có tiền, vừa có học thức. 

Les Echos rất phẫn nộ trước cách hành xử vô lương tâm của những kẻ buôn người, bỏ tàu và người lênh đênh trên biển, một thái độ khiến người ta phải "buồn nôn". Tờ báo còn nhắc lại là chiếc Ezadeen dài 73 mét ban đầu là để chở súc vật. Hải quân Ý sử dụng trực thăng và cùng một chiếc tàu Island đến nơi mới tránh được thàm họa cho chiếc Ezadeen đang trôi dạt. 

Báo La Croix cũng rất phẫn nộ trước điều mà tờ báo gọi là "chiến lược mới" của những kẻ buôn người. Cũng như đồng nghiệp Les Echos, La Croix phân tích là làn sóng tỵ nạn người Syria đã mở ra một thị trường mới. 

Và ở các cảng miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nối liền bằng phà với cảng Syria Lattaquié, các đường dây chuyển người này thuê những chiếc tàu chở hàng lớn, chiều dài độ 75 mét, cũ kỹ độ 40 năm, với giá từ 100.000 đến 150.000 đô la.

Chỉ cần tàu đi một lượt thôi, từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Châu Âu. Người đi trả từ 4.000 đến 8.000 đô la, đủ để họ lời to và bỏ tàu khi đến gần bờ biển. 

Với số người trên tàu Blue Sky M, họ thu về hơn 1 triệu đô la, đủ trả tiền thuê tàu, thuê thủy thủ đoàn, trong đó là những người đến từ nhiều nơi, như từ Nga chẳng hạn. Với chiến lược mới này thì "tàu ma" có lẽ sẽ tiếp tục xuất hiện ngoài khơi bờ biển Ý.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.