Vào nội dung chính
MỸ - BẮC TRIỀU TIÊN

Bình Nhưỡng chưa chắc gì là thủ phạm vụ tin tặc đánh phá Sony

Báo Pháp ngày đầu tuần hôm nay, thứ Hai 29/12/2014, bám sát thời sự quốc tế, nhưng chủ đề quan tâm nêu trong các hàng tựa lớn trên trang nhất lại khá khác biệt. Le Figaro chú ý đến khủng hoảng chính trị ở Hy Lạp trong khi Le Monde lại lo ngại cho Afghanistan. Riêng Libération trở lại hồ sơ tin tặc tấn công Sony với nghi vấn nêu bật thành tựa : "Tin tặc - Lỗi về ai ?", bên trên hình một bàn phím dưới dạng một quả lựu đạn.

Bộ phim "The Interview" thu về 18 triệu đô la trong những ngày đầu tiên qua mạng trực tuyến hay nhờ vào việc bán vé nhờ - REUTERS /Kevork Djansezian
Bộ phim "The Interview" thu về 18 triệu đô la trong những ngày đầu tiên qua mạng trực tuyến hay nhờ vào việc bán vé nhờ - REUTERS /Kevork Djansezian
Quảng cáo

Báo Libération ghi nhận ngay bên cạnh là nếu Bắc Triều Tiên đã bị nhanh chóng tố cáo là đã thiết kế, dàn dựng cuộc tấn công vào Sony Pictures, thì nhiều tiếng nói khác trái chiều cũng đã vang lên. Theo tờ báo, đây là một tấm màn bí mật sẽ không bao giờ được vén lên. 

Bắc Triều Tiên : Thủ phạm quá hoàn hảo ? 

Libération đã dành đến 5 trang cho sự kiện này, và ở trang trong, đã nêu rõ sự hoài nghi với một câu hỏi khác : "Phải chăng Bình Nhưỡng, một thủ phạm hơi quá hoàn hảo ?". 

Tờ báo tóm lược lại bối cảnh : Ai đã cắt internet của Bắc Triều Tiên ? Ai đã tấn công vào Sony ? Các chuyên gia về tin tặc đang bị lạc trong những phỏng đoán. Điều đáng ngại là các vụ tấn công tin học có thể đến từ các Nhà nước, các nhóm có mưu đồ xấu. 

Libération ghi nhận là cho dù Bắc Triều Tiên bị chính thức nêu tên là thủ phạm vụ tin tặc tấn công Sony Pictures ngày 24/11/2014, nhiều chuyên gia vẫn tiếp tục hoài nghi. Trong không gian mạng không có gì là chắc chắn cả. 

Mạng Internet của Bắc Triều Tiên đã bị gián đoạn vào hai ngày 21 và 27/12, công ty Mỹ Dyn Research cho là có thể do sự cố kỹ thuật, nhưng cũng có thể là do bị tin tặc phá hoại. Còn vụ PlayStation của Sony và Xbox của Microsoft bị tấn công vào dịp Noel, thì bị cho là hành động của một nhóm tin tặc mang tên "Lizard Squad" mà không ai biết gì nhiều. 

Theo Libération, về vụ tấn công vào Sony Pictures, cơ quan Mỹ FBI khẳng định là đã có đầy đủ thông tin để quy trách nhiệm cho Bình Nhưỡng, nhưng điều này đã không thuyết phục được mấy ai. Tờ báo Pháp trích trang web Mỹ Gawker đã nói một cách mỉa mai : "Những người thông minh nghĩ là Bắc Triều Tiên không có tấn công Sony". 

Bóng ma của vụ "Irak có vũ khí hủy diệt hàng loạt" 

Libération ghi nhận sự kiện có nhiều người cho rằng không nên vội vã kết luận. Trong số những người hoài nghi, có nhà báo Kim Zetter, giáo sư Goldsmith ở đại học Harvard, hay Bruce Schneider, người đã chứng thực một phần tài liệu của NSA mà Edward Snowden đã tiết lộ. 

Họ hoài nghi không phải chỉ là vì quy trách nhiệm cho Bắc Triều Tiên mà đối với họ là quá dễ dàng tiện lợi, mà còn là vì đã từng có những thông báo được đưa ra chính thức, nhưng không bao giờ kiểm chứng được như vụ ‘vũ khí hủy diêt hàng loạt của Irak’ đưa ra từ năm 2003 nhưng chưa bao giờ tìm thấy. Tiền lệ đó đã khiến họ thận trọng, hoài nghi. 

Libération trích lời Marc Rogers, kỹ sư về an ninh mạng thuộc hãng CloudFlare, trả lời tờ báo, cho là : "Quy trách nhiệm một cuộc tấn công không khác gì lột một củ hành : Phải tìm những gì ẩn khuất ở phía sau những dữ liệu điều tra". 

Đối với chuyên gia này thì các dữ liệu mà FBI đưa ra, như địa chỉ IP giống nhau, sự tương đồng giữa logiciel sử dụng tấn công Sony và những yếu tố tìm thấy trong vụ tấn công vào tập đoàn dầu hỏa Ả Rập Xê Út Aramco năm 2012, và vụ tấn công vào các ngân hàng và truyền hình Hàn Quốc năm 2013 - mà Bình Nhưỡng là nghi phạm số một - các yếu tố đó chưa đủ để kết luận thủ phạm là Bắc Triều Tiên. Theo ông, điều đầu tiên mà một tin tặc phải học là che giấu đường kết nối của mình, những người giỏi thì tìm cách để lại những bằng chứng giả. 

Nhà báo Martyn Williams, một người am tường mạng tin học của Bắc Triều Tiên và đã lập ra trang blog về công nghệ Bắc Triều Tiên North Korea Tech, cũng không mấy tin vào lời tố cáo Bình Nhưỡng là thủ phạm. Ông nêu ra lý do là điều đó không khớp với hành động của Bắc Triều Tiên, mà theo nhà báo này, "chưa bao giờ gởi e mail cho báo giới, và cũng không quen có những thông báo chính thức như trong vụ Sony". 

Đối với Libération, ngoài vấn đề kỹ thuật, chính phương thức hoạt động trong vụ tấn công vào Sony đã làm giới chuyên gia nghi ngờ. 

Phim The Interview chống Mỹ hơn là chống Bắc Triều Tiên 

Riêng về cuốn phim ‘The Interview’, nguồn gốc gây ra các sự cố, Libération nhận xét rằng cuốn phim hài này rốt cuộc ít tấn công vào Bắc Triều Tiên hơn là phơi bày sự ngu xuẩn của Mỹ. 

Tờ báo cho là thực ra chủ đề chính của phim không phải là Bắc Triều Tiên mà là chính nước Mỹ, giống như tất cả các phim hài của Hollywood, tự chế nhạo mình và mượn cảnh Bắc Triều Tiên. Phim The Interview cũng có thể lấy bối cảnh khác, Nga, Ấn Độ, hay lấy người từ Sao Hỏa thay vào Bắc Triều Tiên thì cũng sẽ không có gì khác nhiều. 

Tóm lại, tờ báo cho là bị vạch mặt chỉ tên vì một bộ phim mà mình chỉ là cảnh thôi, thì quả là điều đáng giận. 

Máy bay AirAsia mất tích : Lại những lời đồn đoán  

Vụ phi cơ của hãng hàng không Malaysia AirAsia bị mất tích ngày 28/12 cũng rất được báo Pháp theo dõi. Trong một hàng tựa trang nhất Le Figaro nêu lên "Những câu hỏi chung quanh việc máy bay AirAsia mất tích". Les Echos cũng trong một hàng tựa trang đầu nêu giả thuyết là máy bay có thể đang nằm "dưới đáy biển". Libération trong hàng tít ở trang trong nói đến vị trí lúc máy bay biến dạng : "Máy bay mất tích bên trên Indonesia". 

Cũng như trong trường hợp chuyến bay MH370, vụ chiếc Airbus 320 của AirAsia xảy ra hôm qua cũng được một màn bí ẩn bao trùm. Le Figaro và các đồng nghiệp nêu bật là phi công có nhiều kinh nghiệm, phi hành đoàn cũng không nêu lên vấn đề kỹ thuật nào. 

Một lần nữa, theo Le Figaro, Đông Nam Á lại bám vào những tin đồn điên rồ và trái ngược nhau. Có tin như gia đình một hành khách cho là đã nhận được, cho biết rằng máy bay trên đường đi từ Surabaya, Java, đến Singapore, đã đáp xuống bình an ở đảo Timor, trong lúc nhật báo Indonesia Jakarta Post lại cho biết là những mảnh của máy bay A320 đã được tìm thấy ngoài khơi đảo Belitung. Tin này đã được các mạng xã hội truyền đi, nhưng ít lâu sau đó lại được cải chính. 

Tình hình xôn xao đến mức mà trên mạng Twitter của mình, Chủ tịch Tổng giám đốc người Malaysia của hãng AirAsia, đã phải khẩn thiết yêu cầu : "Xin đừng suy diễn nữa !" 

Le Figaro cũng nêu lại những thông tin của hãng hàng không, cho biết là phi công đã thông báo thay đổi kế hoạch bay vì thời tiết xấu. Máy bay tốt nhưng vì thời tiết xấu, phi công dường như quyết định bay lên độ cao 11.000 mét trước khi biến mất khỏi các màn ảnh radar không xa đảo Belitung. 

Các chuyên gia rất thắc mắc, vì chưa có yếu tố để giải thích sự mất tích của chiếc máy bay AirAsia, một hãng được đánh giá là an toàn, chưa bao giờ có tai nạn nghiêm trọng trong suốt 13 năm tồn tại. 

Thảm kịch cháy phà trên biển vùng Nam Âu 

Ngoài vụ mất tích bí ẩn của chiếc phi cơ ở vùng Đông Nam Á, báo giới Pháp hôm nay cũng tập trung trên một tai nạn khác nhưng trên biển ở miền Nam châu Âu. Đó là vụ hỏa hoạn trên chiếc phà Ý Norman Atlantic trên tuyên đường Ý-Hy Lạp. 

La Croix trong hàng tựa thông báo là chỉ có một người chết, trong lúc Le Figaro và Les Echos thì quan tâm đến vấn đề di tản hành khách, mà Le Figaro cho là "kinh khủng". Les Echos thông báo trong hàng tựa "2/3 hành khách được di tản" (tính đến sáng sớm hôm nay). 

Tờ báo trích lời một hành khách, cho biết là hỏa hoạn đã xuất phát từ nơi đậu xe, nhưng chẳng mấy chốc đã lan ra khắp nơi, tàu nóng hực đến nỗi người này có cảm giác là giầy của mình bắt đầu "mềm đi và tan chảy". 

Les Echos cũng nêu bật lực lượng được huy động để di tản số 478 tản hành khách có 26 quốc tịch khác nhau trên phà, mà đến sáng nay vẫn còn 260 người còn bị kẹt. Việc di tản quả là trần thân khổ ải do thời tiết xấu : Trực thăng huy động chỉ chuyển được mỗi lần tối đa 7 người, biển dậy sóng khiến cho tàu thuyền đến cứu giúp như chiếc thương thuyền Spirit ở Piraeus, với 49 người được cứu, đã không về bến được mà đã phải thay đổi hướng đi. 

Lý do hỏa hoạn chưa được các báo đề cập. 

Afghanistan : Tương lai sẽ ra sao ? 

Cũng về châu Âu, Le Figaro chú ý đến sự kiện : "Cuộc khủng hoảng chính trị ỏ Hy Lạp khiến Châu Âu lo ngại". Tuy nhiên, một hồ sơ lớn lại là Afghanistan, với nỗi lo ngại cho tương lai nước này sau khi lực lượng quốc tế triệt thoái.

Một hàng tựa của Libération trên trang nhất nói đến một cuộc triệt thoái đầy hiểm nguy cho chính quyền Kabul vì Taliban đe dọa trở lại nắm Afghanistan, trong lúc Le Monde nhìn về Afghanistan - nơi mà lực lượng quốc tế đã rút đi theo kế hoạch dự kiến - với vẻ không mấy lạc quan trong hàng tít : "Afghanistan bị phó mặc cho người Afghanistan".

Tờ báo nhìn thấy là vào ngày 01/01/2015 tới đây, Tổng thống Ashraf Ghani sẽ phải một mình trơ trọi trước phiến quân Taliban và nêu câu hỏi là liệu quân đội Afghanistan có cầm cự được không ? Đối với tờ báo quân đội Afghanistan chưa đủ sức.

Le Monde trích dẫn lời của một sĩ quan Afghanistan, đại úy Haidary ở một vùng tuyến đầu Sarkar-e-Bagh, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm chiến đấu, tin tưởng vào tương lai nhưng đã phải công nhận : Quân đội Mỹ rút đi nhưng đã để lại thiết bị, có điều thiết bị bắt đầu rệu rã, quân đội Afghanistan, như bản thân ông, chưa được đào tạo về cách sửa chữa và cũng không có thiết bị thay thế cần thiết.

Theo Le Monde chỉ "chi tiết" này thôi cũng có cho thấy những gì đang chờ đợi quân đội Afghanistan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.