Vào nội dung chính
CHÂU Á - THIÊN TAI

Bài học của thảm họa sóng thần 2004

Đúng ngày này cách đây 10 năm, ngay 26/12/2004, một trận sóng thần kinh hoàng đã quét qua 13 nước dọc theo Ấn Độ Dương làm thiệt mạng hơn 200 ngàn người. Báo chí Pháp hôm nay có cái nhìn tổng kết sau 10 năm nhìn lại. Nhật báo La Croix đăng bài : « Nhân loại rút kinh nghiệm từ trận sóng thần 2004 ». Tờ L’Humanité thì chạy tựa : « 10 năm sau, sự cảnh giác đang yếu dần ».

Lễ tưởng niệm các nạn nhân sóng thần, tại Khao Lak, Phang Nga, Thái Lan, 25/12/2014
Lễ tưởng niệm các nạn nhân sóng thần, tại Khao Lak, Phang Nga, Thái Lan, 25/12/2014 REUTERS
Quảng cáo

Hai tờ báo nhắc lại, ngày này cách đây 10 năm, một cơn địa chấn 9,3 độ Richter đã xảy đến ở ngoài khơi tỉnh Aceh của Indonesia. Hai mươi phút sau, sóng thần nổi lên, có khi đến 35m, ập xuống Aceh. Hai giờ sau, sóng thần lan đến Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanka…Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của 220000 người, thiệt hại vật chất lên đến 11 tỷ euro.

Trong thảm họa tình người đã được thể hiện. Cộng đồng quốc tế thi nhau quyên góp tiền bạc cứu trợ các vùng bị thảm họa tàn phá, với số tiền kỉ lục lên đến 5 tỷ euro. Chỉ tính riêng các tổ chức thiện nguyện của Pháp, thì trong vòng có vài tuần lễ, số tiền quyên góp đã lên đến 330 triệu euro. Trước « làn sóng » quyên góp này, đôi khi các tổ chức thiện nguyện phải yêu cầu người có nhã ý quyên góp tạm thời chờ đợi vì tiền quyên góp quá ồ ạt khiến các tổ chức này không biết sử dụng vào đâu cho kịp.

Kết quả là những vùng của thảm họa đã dần phục hồi nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Vùng trung tâm thảm họa là tỉnh Aceh đã dần hồi phục, dấu vết của thảm họa hầu như biến mất, trường học, bệnh viện, đường xá, nhà cửa…được sửa chữa kịp thời.

Còn ở Thái Lan, quá trình phục hồi cũng diễn ra nhanh chóng mà công lao lớn nhất là thuộc về các tổ chức thiện nguyện địa phương. Tuy nhiên, chính phủ nước này khi ấy bị chỉ trích là ưu tiên phục hồi những khu du lịch mà bỏ bê những khu vực dân cư không sinh lợi về mặt kinh tế.

Tình hình ở Sri Lanka có vẽ phức tạp hơn. Nguyên nhân là do nạn tham nhũng lan tràn và chiến sự căng thẳng giữa quân chính phủ và quân nổi dậy. Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ cho sự tái thiết của đất nước này nếu tình hình bên trên không được cải thiện.

Đi sâu hơn vào các biện pháp cứu trợ, hai tờ báo chỉ ra một số điểm còn thiếu tính bền vững. Chẳng hạn như ở những vùng thảm họa, người ta đã xây dựng khẩn cấp nhiều nhà ở cho người dân mà nhà cửa bị tàn phá mà đôi khi nhà cửa xây dựng mang tính tạm thời không phù hợp với nhu cầu và phong tục tập quán của người địa phương.

Tờ L’Humanité ghi nhận nổ lực trong công tác phòng ngừa thảm họa, như việc sau thảm họa nhiều nước trong khu vực đã được hỗ trợ xây dựng các hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần hiện đại. Thế nhưng, thiết lập các hệ thống cảnh báo như vậy đã khó, mà duy trì cho chúng họat động tốt lại càng khó hơn. Đó là một công việc rất tốn kém. Chẳng hạn như, chỉ riêng cho các hệ thống cảnh báo dọc theo Ấn Độ Dương, thì chi phí bảo trì cho chúng họat động tốt trong những năm tới có thể lên đến gần 400 triệu euro.

Con số nói trên hoàn toàn bé nhỏ so với thiệt hại mà cơn sóng thần 2004 đã gây ra là 11 tỷ euro. Thế nhưng, thời gian càng trôi qua, thì bóng ma 2004 càng lùi vào dĩ vãng, nổ lực quyên góp cũng dần yếu đi. Đến mức mà, Liên Hiệp Quốc vừa lên tiếng kêu gọi các nước tăng cường đóng góp vào quỹ cảnh báo và phòng chóng động đất và sóng thần.

Một kinh nghiệm nữa cần rút ra từ công tác cứu trợ thảm họa 2004, đó là việc phải làm sao cung cấp thông tin đầy đủ và thường trực cho người dân các vùng có nguy cơ xảy ra thảm họa. Chẳng hạn như vào năm 2012, khi nghe cảnh báo động đất, thay vì chạy ngay đến các khu vực trú ẩn được nhà chức trách chuẩn bị từ trước, thì người dân tỉnh Aceh của Indonesia lại leo lên xe đổ ra đường thi nhau tháo chạy gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, khiến các lực lượng cứu hộ không thể nào di chuyển được.

Tóm lại, sau 10 năm nhìn lại thảm họa sóng thần 2004, L’Humanité dẫn lời chuyên gia cho rằng : « Tính bền vững của hệ thống cảnh báo và phòng ngừa là một thách thức lớn trong tương lai. Chúng ta đã làm được nhiều việc đến như vậy. Và vấn đề là chúng ta phải biết làm sao cho nó bền vững ».

Trung Quốc : Được trắng án sau khi chết gần 20 năm

Nhìn sang Trung Quốc, nhật báo Le Figaro quan tâm đến hồ sơ tư pháp của nước này với bài chạy tựa đáng chú ý : « Một sai lầm tư pháp đang làm mất uy tín chính quyền Trung Quốc ».

Tờ báo đề cập đến vụ việc một thanh niên Trung ở vùng Nội Mông đã bị tòa án tuyên án tử hình về tội hiếp dâm và giết người và bị tử hình vào năm 1996 ở tuổi 18. Gia đình bị cáo này tiếp tục kháng cáo dù rằng con họ đã bị tử hình. Kết quả là tuần rồi, nhà chức trách Trung Quốc đã lên tiếng thừa nhận rằng đó là một vụ oan sai.

Phó chủ tọa phiên xử khi ấy đã lên tiếng nhận trách nhiệm và bồi thường cho gia đình nạn nhân 30 000 nhân dân tệ (3800 euro). Cộng đồng mạng tại Trung Quốc đã nổi sóng vì số tiền bồi thường thiệt hại tượng trưng và ít ỏi này. Sinh mạng và nổi ức oan của một con người chỉ đáng 3800 euro thôi sao ?

Một vụ oan sai khác cũng đang thu hút dư luận tại Trung Quốc. Đó là trường hợp một thanh niên đã bị xử tử hình vào năm 1994 cũng với tội sát nhân và hiếp dâm ở tuổi 21. Tư pháp nước này đang lật lại hồ sơ vụ án, và rất có thể sẽ lại tuyên vô tội cho người quá cố.

Truyền hình nhà nước Trung Quốc bình luận rằng, việc cho lật lại hai hồ sơ đó cho thấy quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền và quyết tâm xây dựng một nền tư pháp « công minh » của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Thế nhưng, Le Figaro dẫn lời nhiều chuyên gia chính trị Trung Quốc nhận định rằng, vấn đề là hệ thống tư pháp của nước này không thật sự độc lập với chính quyền, công tác xét xử thì thiếu minh bạch, thường xuyên có chuyện tra tấn ép cung. Bởi thế mà oan sai đã trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc, thập chí là oan sai đối với tội tử hình, trong khi đó thì hiếm khi các nhà tư pháp chấp nhận lật lại vụ án hay thừa nhận oan sai.

Còn đối với hai trường hợp nói trên, tờ báo dẫn lời một nhà trí thức Trung Quốc cho rằng, hồ sơ được lật lại không phải là do cơ quan tư pháp tình nguyện, mà là do có sự can thiệp của các nhà lãnh đạo cấp cao. Bởi thế người này cho rằng, đó chưa phải là sự tiến bộ, mà sự tiến bộ thật sự phải là làm sao cho hệ thống tư pháp thật sự được độc lập, nếu không thảm họa oan sai sẽ vẫn là chuyện thường ngày.

Kinh Tế : Mỹ sáng tươi, Châu Âu u ám

Kinh tế Mỹ đang phục hồi rất tốt và sẽ giữ đà này trong những năm sắp tới. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế được đăng trên nhật báo La Croix với dòng tựa là một câu hỏi : « Tăng trưởng của Mỹ có lâu dài hay không ? ».

Bài viết cho biết, theo số liệu chính thức thì trong quý 3 vừa qua, GDP của Mỹ tăng 5%, mức cao nhất kể từ 11 năm qua. Còn nhớ hồi quý 1, tăng trưởng của Mỹ dưới mức 0%. Tuy nhiên, quý 2 bắt đầu cất cánh và quý ba đã đạt được kết quả cao như vậy.

Nguyên nhân đầu tiên cho sự thành công đó là sức tiêu thụ của các hộ gia đình tại Mỹ đã tăng lên nhờ vào giá xăng dầu giảm mạnh, lãi suất ngân hàng thấp, thất nghiệp giảm. Hiện tại thất nghiệp ở Mỹ ở mức 5,8% so với mức trên 10% của Pháp.

Dự phóng năm tới thất nghiệp tại Mỹ tiếp tục giảm, lương tiếp tục tăng. Nguyên nhân thứ hai đến từ sự năng động của các doanh nghiệp Mỹ. Bài viết cho biết, các doanh nghiệp Mỹ hiện ít nợ nằn và đã tìm lại được mức lãi của giai đoạn trước khủng hoảng 2008.

Như vậy là không có gì đáng lo ngại ? Bài viết trả lời cho câu hỏi này với hai điểm chưa chắn chắn. Sự không chắc chắn thứ nhất đến từ Cục dữ trự Liên Bang (FED). Trong năm 2015, nếu FED tăng lãi suất cho vay như dự định vào giữa năm, thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hai ngành chiến lược là bất động sản và ô tô, bởi hai ngành này chỉ vận hành tốt nếu như việc tiếp cận tín dụng được tạo thuận lợi. Sự không chắc chắn thứ hai nằm ở lưỡng viện quốc hội Mỹ. Số là lưỡng viện này đã lọt hết vào tay Đảng Cộng Hòa. Và như vậy, mọi chính sách tăng chi tiêu công để kích thích tăng trưởng của Tổng thống Obama thuộc Đảng Dân Chủ sẽ bị gây khó dễ.

Tuy nhiên, bài viết cho rằng, cái đà tái tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục. Năm 2014 có thể sẽ đạt 2,5%, còn năm 2015 là 2,9%.

Kinh tế Mỹ mà lên thì sẽ rất tốt cho kinh tế thế giới. Thế nhưng, bài viết cũng cảnh báo rằng, không nên kỳ vọng quá nhiều vào viễn cảnh đó, nhất là đối với các nền kinh tế Châu Âu, những nền kinh tế mà tăng trưởng chủ yếu dựa vào mức cầu nội địa và sự năng động của các nước láng giềng.

Pháp : Thất nghiệp tiếp tục tăng

Nhìn sang kinh tế nước Pháp, báo chí Pháp hôm nay, từ cánh tả đến cánh hữu, đều đăng bài tỏ ra lo ngại về tình hình thất nghiệp của nước này.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro dành một hồ sơ khá dài với dòng tựa đăng trên trang nhất theo kiểu mỉa mai : « Tổng thống Hollande tin vào triển vọng tốt đẹp trong năm 2015 ». Tờ báo đăng số liệu vừa được chính phủ Pháp công bố chính thức theo đó thất nghiệp trong tháng 11 đã tăng thêm 0,8% so với tháng trước đó. Như vậy, thất nghiệp tại Pháp hiện ở mức 10,6%, tăng hơn 5% so với năm ngoái.

Tờ báo cánh hữu này chỉ trích những chính sách thiếu hiệu quả trong giải quyết nạn thất nghiệp của chính phủ và mỉa mai rằng, trong bối cảnh như vậy mà chính phủ Tổng thống Hollande vẫn cố làm cho mọi người tin rằng những chính sách áp dụng trong hiện tại sẽ mang đến kết quả tươi sáng trong năm tới.

Trong khi đó, thì hai tờ báo cánh tả là Libération và L’Humanité cũng đăng số liệu thất nghiệp nói trên với những dòng tít tỏ vẻ quan ngại. Tờ Libération chạy tít báo động : « Pháp đang thiếu việc làm », tờ L’Humanité thì ra vẻ trách hờn với bài viết : «Chính phủ vẫn không thay đổi dù rằng bị thất bại trong hồ sơ việc làm ».Tờ nhật báo kinh tế Les Echos cũng đăng tựa báo tin buồn : « Năm 2014 kết thúc với việc thất nghiệp gia tăng ».

Ukraina : Nhặt xác trong thời chiến

Liên quan đến chiến sự tại Ukraina, nhật báo Libération đăng một dòng tựa đáng chú ý trên trang nhất : « Ukraina : tổ chức thiện nguyện trao đổi xác chết ».

Đó là một tổ chức thiện nguyện của những người Ukraina mang tên Hoa Tu Líp Đen, hiện đi khắp vùng chiến sự tại Donbass để tìm nhặt xác chết của các chiến binh bị thiệt mạng khi giao chiến. Tổ chức này tuyên bố là « trung lập » nên công việc của họ là không phân biệt người chết là của bên chính phủ Kiev hay của quân li khai, mà là thu gom xác chết để chôn cất, để đưa trả về với gia đình.

Tờ báo thuật lại rằng, nhóm này hiện tại có 5 thành viên, họ đi trên một chiếc xe chở hàng nhỏ, đến những nời vừa xảy ra giao chiến để tìm xác. Điều đáng chú ý là trên chiếc xe của họ, bên cạnh Chữ Thập Đỏ, còn có mã số của lực lượng chuyên chở xác của quân đội Nga.

Hoa Tu Líp Đen ra đời hồi Thế chiến thứ hai cũng với mục đích là đi thu gom xác chết để đưa họ về với gia đình. Tổ chức này bắt đầu hoạt động trở lại từ khi chiến sự bùng nổ giữa quân đội chính phủ Kiev và quân li khai ở vùng Donbass. Tờ báo cho biết, quân li khai cho phép tổ chức này hoạt động nhưng với điều kiện là có một đại viện của quân li khai đi theo kiểm soát.

Pháp : 584 triệu euro quà cáp cuối năm

Nhìn về lễ hội cuối năm tại Pháp, Les Echos có bài đáng chú ý : « Ngày hôm sau của Noel là ngày bán lại quà ».
Tại Pháp, Noel và dịp lễ hội cuối năm là thời gian mọi người chi tiền tặng quà cáp cho nhau. Theo số liệu thống kê, thì số tiền chi tiêu cuối năm của người Pháp bình quân là 518 euro/người, trong đó hơn phân nửa là dành cho quà cáp biếu người thân hoặc bạn bè. Trị giá bình quân cho mỗi món quà là gần 58 euro.

Tuy nhiên, có đến 27% người được hỏi cho biết không hài lòng về những món quà được tặng. Số tiền tương ứng cho 27% này là 584 triệu euro. Có nhiều người tặng lại cho người khác, nhưng có có nhiều người chọn cách bán lại quà. Và cách bán lại đang « ăn khách » nhất hiện nay là bán qua mạng và giá trị của quà bán lại theo kiểu đó có thể ở mức 133 triệu euro.

Hồng Kông : Tiền rơi đầy đường đêm Noel

Cuối cùng là một thông tin thú vị về đêm Noel của người Hồng Kông được đăng tải trên nhật báo Le Figaro với dòng tít bắt mắt : «Đêm Noel, mưa tiền trên đường phố Hồng Kông».

Số là vào đêm Noel, tại một khu mua bán sầm quất ở trung tâm Hồng Kông, bổng nhiên những tấm tiền mệnh giá 500 đô la Hồng Kông rơi như mưa xuống đường. Thế là mọi người chen nhau lượm tiền gây ách tắt giao thông cả một khu vực. Đến mức mà cảnh sát phải can thiệp mạnh mới ổn định được tình hình.

Những tưởng là quà do Ông già Noel mang tặng, nào ngờ là do một bác tài lái một chiếc xe bộc thép chở tiền mặt đã đóng cửa xe không chắc khiến nó bị mở tung khi xe đang chạy. Cảnh sát đã kêu gọi mọi người trả lại tiền, thế nhưng 24h sau khi xảy ra vụ việc, số tiền mọi người nộp lại cũng chỉ chiếm có 1/3 số tiền bị mất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.