Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU ÂU

Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt đi thẳng vào trung tâm Châu Âu

Trung Quốc hôm nay 18/12/2014 đã ký kết với Hungary và Serbia hợp đồng xây dựng một tuyến đường xe lửa cao tốc, là nền tảng cho một hành lang chiến lược từ Hy Lạp dẫn đến trung tâm Châu Âu. Dự án chủ chốt nhân hội nghị Thượng đỉnh lần thứ ba giữa Trung Quốc với Trung và Đông Âu sẽ giúp Bắc Kinh tăng cao trao đổi thương mại với các nước Châu Âu.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Hội nghị những người đứng đầu chính phủ Trung Quốc - Trung và Đông Âu, Belgrade, Serbia, 16/12/2014
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Hội nghị những người đứng đầu chính phủ Trung Quốc - Trung và Đông Âu, Belgrade, Serbia, 16/12/2014 REUTERS
Quảng cáo

Bắc Kinh có tham vọng nối liền cảng Pirée của Hy Lạp với trái tim Châu Âu bằng một tuyến đường sắt đi qua vùng Balkan. Cách đây sáu năm, tập đoàn hàng hải Cosco của Trung Quốc đã mua được hai bến cảng quan trọng của Pirée, trong khi 80% lượng hàng hóa của nước này trao đổi với Châu Âu được thực hiện bằng đường biển. Bên cạnh việc mua cảng biển, Bắc Kinh còn hợp tác với công ty đường sắt Trainose của Hy Lạp trong việc vận chuyển hàng. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố: « Dự án được mở rộng đến Macedonia. Hỏa xa và cảng biển Hy Lạp đã tham gia trước rồi, giúp chúng tôi có thể cùng xây dựng một tuyến đường vận chuyển nhanh chóng cả trên biển lẫn trên bộ giữa Trung Quốc và Châu Âu. Tuyến xe lửa cao tốc nối liền Belgrade với Budapest sẽ có lợi cho cả Hungary và Serbia, và sẽ khép kín việc thiết lập hành lang chiến lược này ». 

Các chi tiết của hợp đồng hiện chưa được tiết lộ, nhưng theo báo chí địa phương, chi phí cho tuyến tàu cao tốc trên lên đến 1,5 tỉ euro. 

Ông Lý Khắc Cường khẳng định việc xây dựng sẽ hoàn tất trong hai năm, từ nay đến 2017, « giúp đưa vận tốc chạy tàu từ 40 km/h lên 200 km/h. Tuyến đường cao tốc sẽ cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với Châu Âu, được xây dựng theo tiêu chuẩn Châu Âu ». 

Thủ tướng Hungary hoan nghênh Macedoine, nước nằm trên hành lang chiến lược này, đã tự nguyện tham gia dự án. Còn Thủ tướng Serbia cho biết một khi hoàn thành, hành trình các đoàn tàu chỉ mất 2 giờ rưỡi thay vì 8 tiếng đồng hồ như hiện nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.