Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG

Lãnh đạo Hồng Kông tuyên bố đã giải tỏa hết các địa điểm chiếm đóng

Sau khi điều cảnh sát đến giải tỏa nốt khu lều trại cuối cùng của người biểu tình, hôm nay 15/12/2014, lãnh đạo Hồng Kông tuyên bố các hoạt động chiếm đóng thành phố của phong trào đòi dân chủ kéo dài hơn 11 tuần đã chấm dứt.

Cảnh giải tán người chiếm đóng khu thương mại Causeway Bay, ngày 15/12/2014.
Cảnh giải tán người chiếm đóng khu thương mại Causeway Bay, ngày 15/12/2014. Reuters
Quảng cáo

Sáng hôm nay, cảnh sát đã vào giải tỏa khu trại còn lại trong khu Causeway Bay và cưỡng chế khoảng gần hai chục người biểu tình lớn tuổi còn chốt giữ tại đây mà không gặp sự kháng cự nào. Đây là điểm chiếm đóng nhỏ nhất trong số các vị trí mà người biểu tình chiếm đóng tại Hồng Kông từ hôm 28/9, nằm trong khu thương mại ở phía đông của hòn đảo.

Lãnh đạo Hồng Kông, Lương Chấn Anh đã tuyên bố với báo chí : « sau khi giải tỏa địa điểm chiếm đóng Causeway Bay, như vậy là hoạt động chiếm đóng bất hợp pháp trong hơn hai tháng qua đã chấm dứt ». Ông Lương cũng nhắc lại các cuộc biểu tình vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng trong các lĩnh vực du lịch và bán lẻ của thành phố. Ông nói thêm là : « Ngoài những tổn thất về kinh tế thì thiệt hại lớn nhất mà xã hội Hồng Kông phải hứng chịu đó là thiệt hại về mặt kỷ cương pháp luật do một nhóm người gây ra ».

Trong phong trào biểu tình đòi bầu cử tự do dân chủ cho Hồng Kông vừa qua, người biểu tình đã nhiều lần đòi ông Lương Chấn Anh phải từ chức.

Tuy nhiên trong suốt thời gian nổ ra phóng trào chiếm đóng, Bắc Kinh vẫn ủng hộ chính quyền đặc khu.

Trong cuộc giải tỏa sáng nay, một số người chiếm đóng đã tự dọn dẹp đồ đạc lều trại, nhưng có một ông cụ tên Won, 90 tuổi ngồi trên xe lăn nói, « tôi để cho họ đến bắt tôi ». Trong lúc nhân viên công lực tiến hành giải tỏa, nhiều nhà hoạt động tụ tập xung quanh khu vực giương các khẩu hiệu « chúng tôi muốn có bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự ».

Tuần trước chính quyền đã cho giải tỏa địa điểm chiếm đóng chính trong khu Admiralty, nằm gần khu vực trụ sở chính quyền. Hơn 200 người đã bị câu lưu. Cuối tháng 11 khu Mongkok, nơi trước đó đã xảy ra nhiều vụ xô xát bạo lực, cũng bị cưỡng chế giải tỏa.

Lên đến đỉnh điểm hôm 28/9, phong trào phản kháng Hồng Kông đã lôi cuốn được hàng trăm nghìn người xuống đường đòi dân chủ. Đây là cuộc khủng hoảng chính trị nghiệm trọng nhất tại vùng đất thuộc địa cũ của Anh kể từ khi được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.