Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc : Một nhà tranh đấu được thả sau 19 năm tù

Một trong các tù nhân chính trị bị giam giữ lâu nhất tại Trung Quốc vừa được chính quyền trả tự do hôm qua, 09/12/2014. Năm 1996, nhà tranh đấu Hada bị kết án 15 năm tù giam, vì bị khép vào các tội ly khai, gián điệp và tham gia vào một tổ chức đấu tranh cho dân chủ tại vùng tự trị Nội Mông, Trung Quốc.

Nhà đấu tranh Hada - rsf
Nhà đấu tranh Hada - rsf
Quảng cáo

Được trả tự do vào năm 2010, ông Hada đột ngột bị bắt đi mất tích ít lâu sau, để rồi bị giam giữ thêm bốn năm nữa. Sau 19 năm bị đày ải trong tù, sức khỏe ông suy yếu nghiêm trọng. Thông tín viên Heike Schmidt tường trình từ Bắc Kinh :  

Ông Hada bị hơn mười chứng bệnh, tất cả là do các tra tấn mà ông phải chịu trong tù. Bị cô lập, bị mất ngủ, bị cưỡng bức lao động và buộc phải dùng ma túy : những đối xử tàn tệ như vậy khiến sức khỏe ông trở nên tồi tệ. Nhưng cho dù thể chất suy kiệt, Hada vẫn muốn tiếp tục đấu tranh. « Tôi muốn đưa họ ra tòa », ông nói như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài Châu Á Tự do – RFA, « những bằng chứng (mà họ đưa ra để) chống lại tôi đã được ngụy tạo ».  

Sinh tại vùng tự trị Nội Mông, Hada đã đấu tranh cho quyền của cộng đồng thiểu số Mông Cổ từ thập niên 1980. Năm 1992, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Văn hóa Mông Cổ, được đổi tên thành « Liên minh dân chủ Nam Mông Cổ » sau đó.

Cùng với những nhà tranh đấu khác, nhà hoạt động này đã thảo ra một Lời kêu gọi « chống lại làn sóng thực dân hóa của người Hán và tranh đấu để bảo vệ quyền tự quyết, tự do và nền dân chủ Nam Mông Cổ ». Chính quyền Trung Quốc, vốn lo sợ các dân tộc thiểu số vùng lên, đã không khoan thứ cho hành động của ông.  

« Tôi không làm gì bất hợp pháp », nhà tranh đấu Hada nói, ngay sau khi vừa ra khỏi tù. Ông khẳng định : « sự phân biệt sắc tộc hiện hữu ở Nội Mông, và đây chính là điều tôi muốn chống lại ».  

Theo Trung tâm thông tin nhân quyền Nam Mông Cổ (SMHRIC), ông Hada là tác giả cuốn « Lối thoát cho người Nam Mông Cổ » (The Way Out of Southern Mongols), cuốn sách khẳng định lối thoát duy nhất đối với cư dân khu tự trị Nội Mông là đứng lên tranh đấu cho các quyền căn bản, cho sự sống còn của nền văn hóa-tôn giáo Mông Cổ truyền thống, bảo vệ môi trường, những điều đã được khẳng định trong Hiến pháp Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.