Vào nội dung chính
CAM BỐT

Dân Cam Bốt biểu tình đòi thả các nhà tranh đấu chống cướp đất

Hôm nay 10/12/2014, nhân ngày Quốc tế Nhân quyền hàng nghìn người đã xuống đường tại thủ đô Phnom Penh, Cam Bốt, để yêu cầu trả tự do cho những người vừa bị phạt tù, vì đấu tranh chống cướp đất tại khu Boeung Kak.

Dân Cam Bốt biểu tình đòi trả tự do cho những người chống tịch thu đất đai - RFI @Vann Sokunthea
Dân Cam Bốt biểu tình đòi trả tự do cho những người chống tịch thu đất đai - RFI @Vann Sokunthea
Quảng cáo

Theo AFP, khoảng 3.000 người từ khắp cả nước - trong đó các sư tăng, những nhà tranh đấu cho quyền đất đai, hay công nhân ngành dệt may – đã tập hợp trước nhà Quốc hội. Những người biểu tình đưa ra một kiến nghị lấy chữ ký yêu cầu « Ngừng sử dụng bạo lực » chống lại những ai yêu cầu chấm dứt cưỡng chế đất. 

Nhiều người trong số họ giương các tấm hình những nhà tranh đấu vừa bị kết án một năm tù trong một phiên tòa diễn ra giữa tháng 11/2014. Những nhà tranh đấu nói trên bị bắt sau khi phản đối một dự án địa ốc rộng 130 ha tại khu Boeung Kak, phía bắc thủ đô Phnom Penh, của một nghị sĩ đảng Nhân Dân Cam Bốt của Thủ tướng Hun Sen. Hàng nghìn gia đình đã bị trục xuất khỏi khu vực này. 

Hiệp hội phi chính phủ Inclusive Development lên án dự án hồ Boeung Kak là « vụ cưỡng chế đất quan trọng nhất kể từ khi người dân Phnom Penh bị Khmer Đỏ trục xuất ». Cho đến nay, bất chấp các áp lực quốc tế, như việc Ngân hàng Thế giới ngưng cho Cam Bốt vay tiền từ năm 2011, chính quyền Hun Sen chưa có dấu hiệu ngưng lại các vụ cưỡng chế.

Tính cho đến tháng 4/2014, 3.500 dân cư Boeung Kak chấp nhận tiền bồi thường của dự án để ra đi, trong khi một nghìn người khác từ chối rời khỏi nhà mình. 

Theo AFP ngày 12/11, các nạn nhân bị cưỡng chế vùng hồ Boeung Kak mới đây đã đệ đơn kiện chính quyền Cam Bốt lên Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye.

Tại Cam Bốt, quyền sở hữu đất đai bị hủy bỏ dưới chế độ Khmer Đỏ, trong thời gian cai trị từ năm 1975 đến 1979. Rất nhiều giấy tờ sở hữu đất đã bị mất trong giai đoạn này. Tình trạng này để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với quyền sở hữu đất hiện nay.

Theo giới bảo vệ nhân quyền, từ khi lên nắm quyền, những nhân vật có thế lực trong chính quyền Hun Sen đã dùng nhiều biện pháp để thâu tóm quyền sở hữu đất. Theo AFP, kể từ năm 2000, khoảng 770.000 cư dân Cam Bốt – tương đương 6% dân số - đã bị tước đoạt đất đai. Liên đoàn nhân quyền quốc tế (FIDH), có trụ sở tại Paris, đưa ra con số hơn 4 triệu hecta đất bị trưng thu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.