Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Một sĩ quan Miến Điện bị tù vì ủng hộ Aung San Suu Kyi

Ký tên vào một kiến nghị ủng hộ lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, một sĩ quan quân đội Miến Điện bị kết án hai năm tù. Thông tin trên do đảng của bà Aung San Suu Kyi công bố hôm qua, 08/12/2014.

Đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi (giữa) tại Naypyitaw. Ảnh ngày 27/03/2013.
Đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi (giữa) tại Naypyitaw. Ảnh ngày 27/03/2013. REUTERS/Nyein Chan Naing/Pool
Quảng cáo

Ông Kyar Swar Win bị bắt hồi tháng 7/2014, sau khi các bức ảnh ông đang ký vào kiến nghị được lưu truyền trên mạng Internet. Thứ sáu tuần trước, một tòa án quân sự vùng Mandalay, miền trung Miến Điện, đã kết án tù ông, vì tội « không phục tùng mệnh lệnh và kỷ luật ».

Một dân biểu địa phương của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi, cho hay : vợ của người sĩ quan nói trên rất ngưỡng mộ nhà đối lập, và chồng bà không còn muốn phục vụ trong quân đội.

Cuộc lấy chữ ký cho kiến nghị, do chính Aung San Suu Kyi kêu gọi, đã thu được khoảng 5 triệu chữ ký trên khắp cả nước, tức gần 10% dân số Miến Điện. Bản kiến nghị phản đối nhiều điểm trong Hiến pháp, cụ thể là việc giới quân sự được Hiến pháp mặc định dành 25% số ghế trong Quốc hội, mà không qua bầu cử, hay việc Hiến pháp quy định những ai lấy vợ, chồng, hay có con có quốc tịch nước ngoài, đều không có quyền đứng đầu đất nước. Quy định ngặt nghèo này trên thực tế được đưa ra để ngăn cản bà Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thống Miến Điện.

Với số ghế được quy định nói trên trong Hiến pháp, giới quân sự nắm quyền phủ quyết mọi thay đổi. Họ loại trừ việc sửa đổi Hiến pháp hiện hành trước cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm 2015. Điều này không cho phép Aung San Suu Kyi ứng cử Tổng thống, cho dù đảng của bà có giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, sau sự kiện 5 triệu người Miến Điện tham gia vào bản kiến nghị yêu cầu sửa đối Hiến pháp, ngày 26/11/2014, Quốc hội Miến Điện đã thông qua một đề nghị mở đường cho các cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo chính trị nước này về việc sửa đổi Hiến pháp.

Trong chuyến công du Miến Điện giữa tháng 11/2014, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chỉ trích Miến Điện chậm cải cách, thậm chí thụt lùi về tự do báo chí, dân chủ hóa. Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi người đồng cấp Miến Điện không từ bỏ các cải cách dân chủ.

Hỗ trợ quá trình « chuyển tiếp nhiều mặt » của Miến Điện, Châu Âu tài trợ gần 700 triệu euro.

Hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu vừa thông báo sẽ tài trợ cho Miến Điện 688 triệu euro, từ đây đến 2020, để hỗ trợ quá trình « chuyển tiếp nhiều mặt » tại nước này. Số tiền nói trên sẽ được dùng « để phát triển các vùng nông thôn, nông nghiệp, cải thiện an toàn thực phẩm, hỗ trợ giáo dục, cải thiện năng lực điều hành và nhà nước pháp quyền ». Ủy ban Châu Âu khẳng định mục tiêu của EU cũng là giúp « tạo lập nền hòa bình » tại Miến Điện, chừng nào xung đột quân sự giữa chính quyền trung ương và một số sắc tộc thiểu số chưa chấm dứt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.