Vào nội dung chính
VIÊT NAM - NHÂN QUYỀN

Một blogger Việt kiều hồi hương bị bắt theo điều 258

Hôm qua, 29/11/2014, theo tin từ trong nước, ông Hồng Lê Thọ, một trí thức Việt kiều tại Nhật Bản, về Việt Nam sinh sống từ nhiều năm nay, bất ngờ bị công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ, với cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình sự. Vụ bắt giữ gây nhiều ngạc nhiên trong dư luận, vì ông Hồng Lê Thọ được biết đến như một trí thức có quan điểm gần gũi với chính quyền.

Ảnh chụp trang web Bộ Công an Việt Nam loan tin vụ bắt giữ ông Hồng Lê Thọ ngày 29/11/2014.
Ảnh chụp trang web Bộ Công an Việt Nam loan tin vụ bắt giữ ông Hồng Lê Thọ ngày 29/11/2014. DR
Quảng cáo

Trang mạng của Công an Sài Gòn đưa tin, « theo tin tố giác của quần chúng, hồi 10 giờ 30 phút, ngày 29/11, cơ quan An ninh điều tra thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành bắt quả tang, sau đó ra lệnh khám xét khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối tượng Hồng Lê Thọ, sinh năm 1949 (…) đối tượng Hồng Lê Thọ đã có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet có nội dung xấu, thông tin sai lệnh làm giảm uy tín, mất lòng tin của nhân dân với Nhà nước (…) quy định tại điều 258-BLHS ».

Một số thông tin khác cho biết, ông Hồng Lê Thọ bị bắt vào lúc 22 giờ 30, tức gần nửa đêm. Trang mạng « Người lót gạch » mà ông chủ trì hiện không còn truy cập được. « Người Lót Gạch » được nhiều cư dân mạng đánh giá là trang blog đăng tải nhiều bài bình luận về thời sự Việt Nam.

Hiện tại phía chính quyền thành phố Hồ Chí Minh chưa giải thích cụ thể vì sao ông Hồng Lê Thọ bị bắt. Điều 258 - Bộ Luật Hình sự Việt Nam - thường bị giới bảo vệ nhân quyền lên án như một phương tiện mà chính quyền thường sử dụng để trấn áp quyền tự do ngôn luận.

Về thân thế ông Hồng Lê Thọ và những phản ứng tại Nhật về việc bắt giữ ông, mời quý vị nghe phần tường trình của thông tín viên Đỗ Thông Minh (từ Tokyo) :

02:36

Thông tín viên Đỗ Thông Minh - Tokyo

« …Trước năm 1975, anh Hồng Lê Thọ đã từng tham gia tổ chức đấu tranh hòa bình thống nhất cho Việt Nam, tiếng Nhật gọi là Beheito (thành lập ngày 22/6/1969) (anh Hồng Lê Thọ từng là Tổng thư ký của tổ chức này – ông Đỗ Thông Minh cho biết thêm), chống lại chính quyền miền Nam lúc bấy giờ..., tham gia cùng các phong trào phản chiến, chống Mỹ….

Sau này, anh Thọ về Việt Nam. Qua thăm hỏi bạn bè, những buổi sinh hoạt ở Việt Nam, anh Thọ cũng rất ít tham gia. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, anh ấy làm trang nhà “Người lót gạch”. Qua một số bài, mà thỉnh thoảng chúng tôi cũng theo dõi, chúng tôi thấy là trang này đăng rất nhiều bài phản biện. Có lẽ sau thời gian sống ở Việt Nam, anh ấy cũng nhận ra có nhiều điều không hợp lý, với kinh nghiệm học hỏi ở Nhật như vậy, thì anh ấy cũng có một cái nhìn so sánh, và anh ấy đã đăng tải những bài phản biện.

Việc bắt anh Hồng Lê Thọ mới có một ngày, nhưng thông tin đã được đưa lên trang nhà của Bộ Công an, nên có thể nói là người Việt nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt những cựu sinh viên (tại Nhật) như chúng tôi đều biết. Đây là một tin sốc, bởi vì anh Hồng Lê Thọ trong thời chiến tranh đã góp phần cho phong trào phản chiến góp phần suy yếu miền Nam (Việt Nam Cộng hòa). Nhưng bây giờ khi về nước thì... Có lẽ trên trang nhà, anh ấy viết ít thôi, nhưng anh ấy lấy chủ yếu thông tin từ nơi khác, những tiêu cực xảy ra ở Việt Nam, và vì điều này anh ấy bị bắt.

Ngày xưa, ở miền Nam, anh ấy bị xếp vào hàng ngũ đối lập nhưng chưa bị bắt, còn bây giờ anh ấy cũng bị bắt giống như trường hợp ta có thể liên tưởng tới như Tiến sĩ luyện kim Nguyễn An Trung, nguyên giám đốc Công ty Sài Gòn ô tô. Ông từng lãnh đạo phong trào Beheito, nhưng cuối cùng cũng bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt (Ông Đỗ Thông Minh cho biết thêm, Tiến sĩ Nguyễn An Trung là một người đã có công hỗ trợ Việt Nam phát triển xe buýt trong thời gian đầu mở cửa. Xem thêm bài : “118 Ôtô Tay Lái Nghịch Và Số Phận Của Việt Kiều Nguyễn An Trung”, báo Dân trí).

Trong hàng ngũ cựu sinh viên chúng tôi, như mọi người biết, phân ra làm hai. Một số người ủng hộ nhà cầm quyền hiện nay, và một số người chống đối. Vụ anh Hồng Lê Thọ bị bắt này đối với chúng tôi cũng là một cú sốc. Có lẽ nó cũng sẽ lan rộng ra cộng đồng người Việt nói chung, chứ không riêng cựu sinh viên chúng tôi. Ngay một người tranh đấu cho phía cộng sản, mà bây giờ về phục vụ ngay trong nước, nhưng khi có ý kiến phản biện, hoặc tiếp tay đăng tải các ý kiến phản biện, thì đã bị bắt, do vậy những người ‘‘ủng hộ’’, hay ‘‘chống đối’’, sẽ phải đi đến một đường hướng, hoặc chỉ biết cúi đầu thôi, hoặc sẽ mạnh mẽ hơn nữa… ».

Một chi tiết khác cũng được nhiều người ghi nhận là vụ bắt giữ ông Hồng Lê Thọ tại Sài Gòn diễn ra chỉ ít ngày sau cuộc tọa đàm tại Hà Nội (ngày 26/11) với chủ đề « Cơ chế của Liên Hiệp Quốc về Bảo vệ Người bảo vệ Nhân quyền », với sự tham gia của nhiều đại diện ngoại giao quốc tế và thành viên nhiều nhóm bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, trong đó một số phát biểu khẳng định tình trạng nhân quyền hiện tại ở Việt Nam đang có xu hướng trở nên tồi tệ hơn, sau kỳ kiểm định Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) giữa năm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.