Vào nội dung chính
ĐÀI LOAN - BẦU CỬ

Trung Quốc và ý đồ lũng đoạn các địa phương Đài Loan

Vào hôm nay, 29/211/2014, như vậy là Quốc Dân Đảng đương quyền thân Bắc Kinh tại Đài Loan đã bị thảm bại trong cuộc bầu cử địa phương. Dù không phải là một cuộc bầu cử cấp toàn quốc, nhưng sự kiện này đã được Trung Quốc hết sức chú ý, và theo nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh trong thời gian gần đây, ngoài việc hữu hảo với chính quyền Đài Bắc, còn ra sức thuần phục các cấp chính quyền địa phương Đài Loan.

Phe thân Bắc Kinh thua lớn nhân kỳ bầu cử địa phương Đài Loan - Reuters
Phe thân Bắc Kinh thua lớn nhân kỳ bầu cử địa phương Đài Loan - Reuters
Quảng cáo

Trong một bài phân tích đăng trên trang web chuyên san Foreign Policy ngày 19/11/2014, Mark Fuchs, một nhà báo chuyên về Đài Loan đã vạch trần một số thủ đoạn đã được Bắc Kinh thực hiện để gây thiện cảm, thậm chí mua chuộc các quan chức dân cử địa phương Đài Loan, theo sách lược có thể gọi là « Dưới hòa thì trên thuận ».

Ngay từ đầu tháng 4 năm 2012, Trung Quốc đã lên kế hoạch để mời các « giao liên » của họ tại nhiều cấp chính quyền thành phố và quận huyện Đài Loan đến Trung Quốc dự hội thảo.

Tờ báo phổ thông đại chúng Apple Daily ở Hồng Kông và Đài Loan theo xu hướng phê phán Trung Quốc, trong số ra ngày 04/07 vừa qua, đã tiết lộ rằng nhân các sự kiện đó, các khách mời Đài Loan đã nhận được các khoản trợ cấp của chính quyền Đại lục.

Theo bài báo này, các nguồn tin tình báo đã ghi nhận tình trạng như sau là nếu trước đó, giao lưu giữa Đài Loan và Đại lục chủ yếu là giữa các thành phố lớn hoặc giữa giới lãnh đạo cao cấp trong địa hạt chính trị và kinh doanh, thì từ năm 2012, giao lưu với quan chức địa phương tại các ngôi làng và thị trấn nhỏ đã trở thành xu hướng chính. Theo tờ Apple Daily, đã có ít nhất 75 ngôi làng và thị trấn ở Đài Loan đã được nhận một cách trực tiếp hay gián tiếp trợ cấp từ Bắc Kinh.

Gần đây hơn, ngày 25/06 vừa qua, khi ông , Khi ông Trương Chí Quân (Zhang Zhijun), Bộ trưởng Trung Quốc đặc trách quan hệ với Đài Loan qua công du đảo quốc này và tiếp xúc với các đại biểu dân cử, mạng Internet của Đài Loan đã xôn xao về vai trò của một hiệp hội tập hợp nhiều đại biểu cấp thị xã và thị trấn trong việc sắp xếp các cuộc họp giữa vị khách Trung Quốc với Thị trưởng ba thành phố chính là Tân Đài Bắc, Đài Trung và Cao Hùng.

Hiệp hội Đài Loan này đã được hãng tin chính thức Trung Quốc hết sức ưu ái ngay từ khi được thành lập vào tháng năm 2011 tại Đài Trung, nơi được ông Trương Chí Quân đến thăm vào ngày 28/06.

Theo giới quan sát, chiến lược chiêu dụ này có thể sẽ rất có lợi cho Trung Quốc. Theo chuyên gia Jacques de Lisle, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ), việc thu phục được nấc thang đầu tiên của bậc thang chính trị của Đài Loan, có thể « làm cho hình ảnh của Trung Quốc trở nên thân thiện hơn và ít đáng sợ hơn với các quan chức cấp thấp » và xóa nhòa tâm lý quan ngại về mối đe dọa đến từ Bắc Kinh.

Mặt khác, khi đầu tư vào các nhà lãnh đạo tương lai tại Đài Loan, đa số thuộc Quốc Dân Đảng có thiện cảm với Bắc Kinh, điều đó sẽ giúp đẩy mạnh tiến trình xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Có đi thì cũng có lại. Một số thị trưởng Đài Loan cũng bị Trung Quốc quyến rũ, trong số này, có ông ông Hồ Chí Cường (Jason Hu) thị trưởng của Đài Trung, thuộc Quốc Dân Đảng, và bà Trần Cúc, thị trưởng thành phố Cao Hùng, thuộc Đảng Dân tiến, đều đã bày tỏ thái độ hứng thú với đề án biến thành phố họ thành một vùng Thí điểm Tự do Mâu dịch, điều rất có lợi cho Trung Quốc, đối tác thương mại chủ yếu của Đài Loan.

Phải chăng là thái độ thân Trung Quốc này đã có hại cho các thị trưởng trong cuộc bầu cử lần nảy ? Ít ra đối với ông Hồ Chí Cường thì đúng là như vậy. Ông đã bị thua ngay tại Đài Trung, một lãnh địa của Quốc Dân Đảng.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.