Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Kinh tế Nhật : "Đừng vội chôn vùi Abenomics"

Đăng ngày:

Nhật Bản lại rơi vào suy thoái : gáo nước lạnh đối với nội các Shinzo Abe. Chính sách vực dậy kinh tế mang tên thủ tướng Nhật phải chăng bất lực trong sứ mệnh đem lại tăng trưởng cho nền kinh tế thứ ba trên thế giới ?

60 % GDP Nhật Bản có được nhờ tiêu thụ nội địa.
60 % GDP Nhật Bản có được nhờ tiêu thụ nội địa. Reuters
Quảng cáo

Thống kê được công bố tuần trước cho thấy Nhật Bản bất ngờ lại lâm vào suy thoái sau khi hai mũi tên đầu tiên trong thuyết Abenomics đã « bắn trúng đích » . Tăng trưởng kinh tế đi xuống trong hai quý liên tiếp. Báo chí xem đây là một dấu hiệu báo trước hồi kết của chính sách kinh tế mang tên thủ tướng Shinzo Abe.

GDP Nhật Bản trong quý 2/2014 giảm 1,6 % tính theo tỷ lệ cho toàn năm, sau khi đã rơi mạnh hơn 7 % trong quý 1. Đối với quý 1, Tokyo giải thích GDP giảm mạnh do thuế TVA tăng đang từ 5 lên thành 8 % và đè nặng lên các khoản chi tiêu của các hộ gia đình. Nhưng cả chính phủ lẫn các cơ quan nghiên cứu đều chờ đợi tình hình được cải thiện trong quý hai tức là từ tháng 7 đến hết tháng 9.

Khi lên cầm quyền vào tháng 12/2012 lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do thuộc khuynh hướng bảo thủ, Shinzo Abe coi nhiệm vụ vực dậy kinh tế Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu. Từng bước ông Abe đắp xây chủ thuyết kinh tế mang tên mình. « Abenomics » gồm với ba mũi tên :

Mũi tên thứ nhất là sử dụng dùng ngân sách Nhà nước để bơm thêm hơn 10 ngàn tỷ yen – khoảng 80 tỷ euro - vào guồng máy kinh tế. 40 % khoản tiền nói trên nhằm tài trợ cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ chi tiêu công so với GDP Nhật Bản tăng thêm 2 %, thâm hụt ngân sách Nhà nước tương đương với hơn 11 % tổng sản phẩm nội địa.

Để tài trợ cho chương trình chi tiêu 10 ngàn tỷ yen kể trên, Thủ tướng Abe dựa vào một loạt các biện pháp tăng thuế. Trong đó phải kể tới thuế trị giá gia tăng TVA đang từ 5 % sẽ được nâng lên thành 8 % vào năm 2014 và 10 % vào năm 2015.

Mũi tên thứ nhì là hính quyền buộc Ngân hàng Trung ương cũng phải bơm thêm 10 ngàn tỷ yen hàng năm vào khu vực kinh tế. Chiến lược này nhằm hạ tỷ giá đồng yen so với các đơn vị tiền tệ quốc tế chính, chủ yếu là so với đồng đô la Mỹ, qua đó kích thích khu vực xuất khẩu, tiếp sức cho cả tiêu thụ nội địa lẫn đầu tư.

Biện pháp bơm tiền vào các hoạt động kinh tế như vậy còn theo đuổi một mục tiêu khác nữa đó là chấm dứt vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm phát đã đè nặng lên con tàu kinh tế Nhật Bản từ nhiều năm qua.

Mũi tên thứ ba toàn diện hơn nhắm vào việc « cởi trói cho nền kinh tế » để qua đó nâng cao thu nhập đầu người cho toàn dân trong suốt 10 năm sắp tới và nhân lên gấp đôi tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản, mở rộng sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân.

Khác với hai vế đầu của chương trình vực dậy kinh tế do ông Abe chủ xướng, mũi tên thứ ba chủ yếu là một chương trình cải tổ dài hơi và tác động đến toàn bộ cơ cấu của nền kinh tế Nhật Bản.

Trả lời ban Việt ngữ đài RFI chuyên gia về kinh tế Nhật Bản, Evelyne Dourille Feer thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng Kinh tế và Quốc tế CEPII nói tới một sự chựng lại của chương trình Abenomics. Nhưng theo chuyên gia này, các phương tiện truyền thông đã quá bi quan về định hướng kinh tế do thủ tướng Abe đã khởi xướng cách nay hai năm.

Dù chậm gặt hái được những thành quả mong đợi nhưng theo chuyên gia của trung tâm nghiên cứu Pháp CEPII thì ông Shinzo Abe đã đi đúng hướng và có nhiều khả năng ông tiếp tục được tín nhiệm để hoàn thành nốt nhiệm vụ đem lại tăng trưởng và thình vượng cho đất nước.

11:51

Chuyên gia kinh tế E. Dourille Feer- CEPII

Dư âm của việc tăng TVA

RFI : Kính chào bà Dourille Feer. Thưa bà vì sao kinh tế Nhật Bản lại rơi vào suy thoái, tức là tỷ lệ tăng trưởng bị giảm trong hai quý liên tiếp ?

Evelyne Dourille Feer : « Trước hết là do tác động của việc thuế trị giá gia tăng đã được nâng lên từ 5 thành 8 % kể từ ngày 01/04/2014. Quyết định này thực ra đã đẩy tiêu thụ của tư nhân lên cao một cách bất thường trong trong ba tháng đầu năm. Đương nhiên là một khí thuế TVA tăng lên thành 8 % thì người dân tạm ngưng mua sắm. Mức tiêu thụ của các hộ gia đình do vậy đã giảm mạnh trong quý 1 tức là trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2014. Hậu quả là tổng sản phẩm nội địa của Nhật Bản tính theo cả năm giảm tới 7 %.

Chính quyền Tokyo chờ đợi là sau khi đã giảm mạnh như vậy thì tăng trưởng trong quý 2/2014 phải tăng lên trở lại và tỷ lệ tăng trưởng sẽ phải đạt khoảng từ 2 cho tới 2,5 %. Nhưng kịch bản đó đã không xảy ra.

Tệ hơn nữa, là GDP của Nhật Bản đã sụt mất 1,6 % trong vỏn vẹn ba tháng, tính từ tháng 7 đến tháng 9/2014. Điều này đã khiến mọi người hết sức ngạc nhiên nhất là trong thời gian qua kinh tế Nhật không bị xáo trộn vì những yếu tố bên ngoài. Các chuyên gia chờ đợi là sau một chu kỳ 15 năm, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư ồ ạt trở lại. Dù vậy đầu tư và tiêu thụ của tư nhân trong quý 2 chỉ tăng có 0,4 % tức là đã tăng rất ít và không đủ sức để tiếp sức cho tăng trưởng chung của nền kinh tế đứng thứ ba trên thế giới. Trong khi đó đầu tư vào địa ốc vẫn tiếp tục giảm.

Vấn đề đặt ra là Nhật Bản bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn : tiêu thụ nội địa mà yếu kém thì làm sao các doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư ? Tóm lại Nhật Bản cần có thêm thời gian để khắc phục hậu quả từ việc thuế TVA tăng lên ».

Abenomics chưa cáo chung

RFI : Báo chí Pháp cho là kinh tế Nhật Bản đã « tuột dốc mạnh » và thậm chí cho rằng, thủ tướng Shinzo Abe đã « đi nhầm đường ». Bà có đồng ý với những phân tích đó hay không ?

Evelyne Dourille Feer :« Ở đây chúng ta nói tới một sự suy thoái, hiểu theo nghĩa là tổng sản phẩm nội địa của Nhật giảm trong hai quý liên tiếp - tức là trong quý 1 và quý 2. Nhưng các phương tiện truyền thông đi quá xa và quá vội vã khi cho rằng cần dẹp bỏ hẳn chính sách vực dậy kinh tế mang tên thủ tướng Abe – Abenomics.

Đành rằng chính sách kinh tế đó chưa đem lại những thành quả hằng mong đợi và thuế TVA tăng thêm 3 % đã làm suy yếu thêm một đà tăng trưởng vốn hãy còn mong manh. Bản thân tôi, tôi nghĩ thuế TVA tăng đến 3 % là quá mạnh tay, quá sức chịu đựng của người dân. Nhẽ ra thủ tướng Nhật nên đợi cho hai mũi tên đầu trong chương trình Abenomics của ông thực sự đem lại những thành quả mong đợi, rồi hãy tăng thuế TVA.

Tokyo tăng thuế TVA với mục đích gì ? Một trong những chủ đích của Tokyo là để tài trợ cho các quỹ an sinh xã hội ngày càng bị thâm hụt nhiều hơn khi mà dân số trên đà lão hóa. Nhưng theo tôi, đó không phải là điều cấp bách nhất. Ưu tiên hàng đầu phải dồn là phải nỗ lực để kích thích tăng trưởng.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản từ mùa thu năm 2013 đã bơm thêm tiền, nới lỏng chính sách tiền tệ để chặn giảm phát. Đó là một nỗ lực rất lớn và rất đáng khích lệ. Nhưng kèm theo đó thì kinh tế Nhật Bản cũng tăng trưởng một cách ổn định và tỏ ra năng động. Hai yếu tố đó phải bổ sung cho nhau, phải đi cùng với nhau để kéo Nhật Bản ra khỏi tình trạng đình đốn. Thế rồi chỉ ở giai đoạn sau, mới cần chú ý đến vấn đề cân bằng ngân sách của nhà nước, của các quỹ an sinh xã hội »

Reuters

Triển vọng đẩy mạnh Abenomics

RFI : Giờ đây, đâu là những hậu quả, trước hết là kinh tế và đương nhiên là cả chính trị, đối với Nhật Bản, đối với nội các của ông Abe  ?

Evelyne Dourille Feer : « Hậu quả tức thời của việc kinh tế lại rơi vào suy thoái, là thủ tướng Shinzo Abe quyết định hoãn tăng thuế trị giá gia tăng đang từ 8 lên thành 10% vào đầu tháng 10/2015 như đã dự kiến. Thời điểm để tăng thuế TVA như vậy được nội các Abe dời lại đến tháng 4/2017. Hậu quả thứ nhì là về mặt chính trị, thủ tướng Nhật Bản giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử vào giữa tháng 12 năm nay.

Tính toán đó của ông Abe là khôn ngoan vì ông vẫn còn được dân chúng tín nhiệm và tổ chức bầu cử trước thời hạn như vậy, đảng đối lập không có thời gian để chuẩn bị. Theo thăm dò dư luận gần đây nhất, đảng Dân chủ Tự do đang cầm quyền được gần 50 % cử tri ủng hộ, hơn xa đảng đối lập (27 %).

Cũng đừng quên rằng, người dân Nhật phần lớn đồng ý với chính sách vực dậy kinh tế của ông Abe. Có điều là biện pháp tăng TVA thì làm nản lòng những người muốn mua sắm. 70 % người Nhật chống đối tăng TVA nhưng một khi mà Tokyo hoãn tăng thuế trị giá gia tăng, thì dân chúng tán đồng quyết định đó thôi.

Nếu như được cử tri tiếp tục tín nhiệm thì thủ tướng Abe sẽ nhanh chóng bắn đi mũi tên thứ ba trong chính sách Abenomics của ông. Đó là giai đoạn để Tokyo tiến hành cải tổ về cơ cấu. Đó cũng chính là nền tảng để đem lại tăng trưởng cho Nhật Bản trong một thời gian dài.

Tuy vậy cái mũi tên thứ ba đó không dễ dàng thuyết phục được công luận. Bở đây là một « mũi tên » hết sức phức tạp, bao hàm rất nhiều thứ trong đó. Ông Abe vừa muốn đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, vừa muốn phụ nữ phải tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, vào đời sống của các cơ sở sản xuất, vừa muốn mở của thị trường lao động đón các chuyên viên có tay nghề cao vào Nhật Bản làm việc.

Muốn đem lại một làn gió mới cho nước Nhật, thì ông Abe đã chủ trương tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn, thành lập những quỹ hỗ trợ và khuyến khích các doanh nhân lao vào thị trường. Bên cạnh đó, Tokyo không ngừng đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ chế tạo robot. Chính vì phức tạp như vậy cho nên các biện pháp này không thể đem lại kết quả trong ngắn hạn.

Cần từ 4 đến 5 năm thì mũi tên thứ ba của ông Abe mới có hiệu quả rõ rệt. Đó là những chiến lược phát triển lâu dài và chính mũi tên thứ ba này mới là chìa khóa đem lại tăng trưởng dài hơi cho nước Nhật.

Ở đây tôi cũng xin lưu ý là biện phap nới lỏng chính sách tiền tệ của Nhật Bản đã « đơm hoa kết trái », Ngân hàng trung ương đã làm đúng vai trò của mình, tức là chặn đứng giảm phát, và thậm chí là đẩy vật giá leo thang. Khi biết là giá cả sẽ gia tăng thì tư nhân và doanh nghiệp mua sắm, đầu tư. Có như vậy mới khởi động trở lại được cỗ máy sản xuất. Chính vì thế, tôi cho rằng, trong những tuần lễ sắp tới Tokyo sẽ thông báo một kế hoạch kích cầu quy mô, dùng ngân sách Nhà nước để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Mục đích là để tiếp tay với Ngân hàng trung ương, bài trừ tận gốc rễ nạn giảm phát.

Với tác động của hai liều thuốc cùng một lúc, tức là chính sách tiền tệ nới rộng của Ngân hàng Trung ương và các kế hoạch kích cầu tôi nghĩ là người dân Nhật Bản sẽ mua sắm trở lại. Đừng quên rằng tiêu thụ của các hộ gia đình là động cơ chính của kinh tế Nhật, chiếm tỷ trọng hơn 30 % GDP !

Tôi cũng xin nói thêm là có nhiều dấu hiệu cho thấy tiêu thụ nội địa ở Nhật Bản sẽ tăng lên trong quý 3 và 4/2014.  Bởi các hộ gia đình sắp lãnh tiền thưởng cuối năm và trên nguyên tắc vào mùa xuân năm tới, các doanh nghiệp sẽ tăng lương cho công nhân viên. Đặc biệt là trong ngành xuất khẩu. Phải nói là trong 12 tháng qua, nhờ đồng yen giảm giá, lợi nhuận của các hãng Nhật đã tăng lên. Giờ đây các tập đoàn hay doanh nghiệp này có thể chia lời cho nhân viên thêm được một chút »

RFI : Nhưng khu vực xuất khẩu của Nhật Bản đã không khởi sắc đúng mức mong đợi, bởi vì quá nhiều các doanh nghiệp đã di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài ?

Evelyne Dourille Feer :« Đúng là tới nay xuất khẩu của Nhật đã không tăng vọt như mong đợi, trong lúc đồng yen đã mất giá gần 30 %  so với đô la kể từ tháng 9/2012 tới nay. So với đồng won của Hàn Quốc thì tỷ lệ đó là 35 %. Đơn giản là vì vào đầu thập niên 1990 khi đồng yen tăng giá so với các ngoại tệ, khác, thì đã có rất nhiều hãng di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài, chủ yếu trong ngành công nghệ xe hơi và điện tử. Do vậy tổng kim ngạch của Nhật không tăng nhiều như mong đợi. Tuy nhiên, cho tới tháng 10/2014  thì các hàng Nhật bắt đầu mền giá hơn, và chỉ số xuất khẩu của Nhật Bản có khuynh hướng tăng thêm ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.