Vào nội dung chính
NAM Á

Hiềm khích Ấn Độ - Pakistan đe dọa thượng đỉnh Nam Á

Thượng đỉnh Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á SAARC lần thứ 18 mở ra tại Katmandu, Nepal trong hai ngày 26 và 27/11/2014. Tham dự lần đầu tiên, thủ tướng Ấn Narendra Modi củng cố vai trò của New Delhi trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh, nhưng căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đe dọa thượng đỉnh Nam Á.

Des soldats des Forces de sécurité des frontières indiennes (BSF) patrouillent au Cachemire, le long de la frontière entre l'Inde et le Pakistan. La région coupée en deux est revendiquée par les deux pays dans son intégralité.
Des soldats des Forces de sécurité des frontières indiennes (BSF) patrouillent au Cachemire, le long de la frontière entre l'Inde et le Pakistan. La région coupée en deux est revendiquée par les deux pays dans son intégralité. REUTERS/Mukesh
Quảng cáo

Bạo động bùng lên tại vùng Cachemire, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan, trong những tuần lễ qua đang gây lo ngại cho 8 thành viên Hiệp hội SAARC. Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 5/2014, thủ tướng Ấn Narendra Modi liên tục cải thiện bang giao với các nước láng giềng, kể cả với đối thủ quan trọng nhất của New Delhi tại Nam Á là Pakistan.

Ấn Độ không che giấu tham vọng đẩy mạnh hợp tác trong vùng, tạo đà cho Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, bạo động leo thang trong những tuần lễ gần đây ở biên giới giữa Ấn Độ với Pakistan đã là « gáo nước lạnh dội lên những nỗ lực » của thủ tướng Modi. Trong quá khứ, hai quốc gia Nam Á này đã từng ba lần giao tranh kể từ khi giành được độc lập. Hai trong ba cuộc xung đột vũ trang đó liên quan trực tiếp đến chủ quyền Cachemire.

Ngoài tranh chấp lãnh thổ, New Delhi và Islamabad còn đang tranh giành ảnh hưởng lên Afghanistan, vào lúc mà liên quân quốc tế chuẩn bị rút khỏi vùng đất này. Hiện tại Ấn Độ là quốc gia đầu tư số 1 vào Afghanistan, trong lúc Islamabad vẫn coi quốc gia này là sân sau của riêng mình.

Thủ tướng Ấn Độ ý thức được là cần cấp bách đẩy mạnh hợp tác trong khu vực Nam Á, vì chính sự lơ là của New Delhi đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng trong vùng qua hàng loạt các dự án đầu tư tại Sri Lanka, hay Nepal. Thế nhưng theo giới phân tích, thành công hay thất bại của thượng đỉnh Nam Á sắp tới đây tùy thuộc nhiều vào quan hệ giữa hai nước lớn trong vùng là Ấn Độ và Pakistan.

Chương trình nghị sự của thượng đỉnh Katmandu chưa được công bố, nhưng theo bộ Ngoại giao Nepal, 8 thành viên trong khối sẽ đặc biệt chú ý đến công cuộc chống khủng bố. Gần đây, Al Qaeda khẳng định đã mở rộng địa bàn hoạt động tại Nam Á.

Tám thành viên của Hiệp hội SAARC gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan, và Sri Lanka.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.