Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

LHQ kêu gọi Miến Điện cấp quốc tịch cho người Rohingya

Người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi tại Miến Điện được coi là một trong những sắc tộc bị truy bức nhất trên thế giới. Hôm qua, 21/11/2014, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa thông qua một nghị quyết yêu cầu chính quyền Miến Điện công nhận quyền công dân “đầy đủ và toàn diện” đối với người Rohingya.

Sau các đợt bạo động, hiện có hơn 140.000 người Rohingya sống trong các trại tỵ nạn - Reuters /Andrew Biraj
Sau các đợt bạo động, hiện có hơn 140.000 người Rohingya sống trong các trại tỵ nạn - Reuters /Andrew Biraj
Quảng cáo

Cộng đồng Rohingya với gần một triệu người sống tại bang Rakhine (hay Arakan), miền tây Miến Điện, thường bị coi là một cộng đồng vô tổ quốc. Chính quyền gọi họ là người “Bengalis”, một tên gọi mang hàm nghĩa xấu để chỉ những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh, cho dù người Rohingya đã sinh sống tại mảnh đất này từ nhiều đời nay. 

Trong nghị quyết nói trên, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ “nỗi lo ngại sâu sắc” về số phận của người Rohingya nói chung tại bang Rakhine, nơi có đến 140.000 người phải sống trong các trại tỵ nạn. Nghị quyết kêu gọi Miến Điện tôn trọng các quyền lợi của tất cả các cư dân bang Rakhine, thừa nhận “quyền công dân đầy đủ và toàn diện cho người thiểu số Rohingya”, để họ được chăm sóc y tế, có việc làm hay con em được đi học. 

Về phần mình, đại diện Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc phản đối việc sử dụng từ “Rohingya” được sử dụng trong nghị quyết và cảnh báo những lời lẽ như vậy có thể “gây phẫn nộ tại Miến Điện và làm cho nỗ lực giải quyết vấn đề của chính quyền gặp nhiều khó khăn”.

Giới phật tử cực đoan tại Miến Điện tuyên truyền quan điểm, coi các cư dân theo đạo Hồi là một mối đe dọa. Trong cuộc tổng điều tra dân số Miến Điện hồi đầu năm nay (lần đầu tiên kể từ 30 năm qua), chính quyền Miến Điện – dưới sức ép của phe Phật giáo cực đoan, đe dọa tẩy chay cuộc điều tra - loan báo những người Hồi giáo không được phép kê khai như người thuộc dân tộc « Rohingya », mà phải tự nhận là người “Bengalis”. Nhiều gia đình Rohingya đã tẩy chay cuộc điều tra.

Các xung đột giữa hai cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo tại bang Rakhine mùa hè năm 2012 khiến khoảng 200 người thiệt mạng và hơn một trăm nghìn người Rohingya phải tỵ nạn. Cuối năm ngoái, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền tại Miến Điện cảnh báo bạo động nhằm vào người thiểu số Rohingya ở Miến Điện đe dọa những cải cách chính trị và kinh tế được chính quyền Thein Sein tiến hành, sau nửa thế kỷ thống trị của chế độ độc tài quân sự. 

Nghị quyết về người Rohingya được thông qua tại Ủy ban Nhân quyền, bất chấp sự dè dặt của Tổ chức hợp tác Hồi giáo, gồm 57 thành viên. Tổ chức này muốn có một văn bản cứng rắn hơn. Nghị quyết do Liên Hiệp Châu Âu soạn thảo sẽ tiếp tục được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.