Vào nội dung chính
NGA - TRUNG

Nga-Trung tranh thủ cơ hội xích lại gần nhau

Chủ đề Tổng thống Nga Putin bị cô lập tại Thượng đỉnh G20 ở Úc vừa qua giành vị trí trung tâm trên các tờ nhật báo Pháp hôm nay. Các bài viết cho thấy, trong bối cảnh bị các nước phương Tây cô lập, Nga ngày càng xích lại gần hơn với Trung Quốc, Tuy nhiên, mối bang giao này thực chất không quá mặn nồng như người ta tưởng.

Tổng thống Putin và chủ tịch Tập Cận Bình, Nga xích lại gần Trung Quốc do bị phương Tây cô lập - Reuters /Carlos Barria
Tổng thống Putin và chủ tịch Tập Cận Bình, Nga xích lại gần Trung Quốc do bị phương Tây cô lập - Reuters /Carlos Barria
Quảng cáo

Dường như hai phe tả hữu tại Pháp dù đang chia rẻ sâu sắc nhưng vẫn cùng ủng hộ đường lối của Tổng thống Hollande trong căng thẳng với Nga trên hồ sơ Ukraina. Các tờ báo đều chạy tựa lớn trên trang nhất về chủ đề Tổng thống Putin bị cô lập tại G20. Nhật báo cánh tả Libération đăng ảnh Tổng thống Nga đứng có vẻ riêng lẻ bên cạnh các nguyên thủ khác tham dự hội nghị với dòng tựa: “Ukraina: Putin, người cùng khổ”.

Tờ Le Monde cũng chạy tựa lớn trên trang nhất: “G20: chủ đề tăng trưởng kinh tế và căng thẳng với Nga”. Trên trang nhất nhật báo cánh hữu Le Figaro cũng đăng ảnh ông Putin đi trong cô đơn trong hội nghị với hàng tựa: “Bị cô lập tại G20, Putin tiếp tục thách thức phương Tây”. Nhật báo kinh tế Les Echos cũng có tựa trên trang nhất: “G20, Putin dưới bão lửa của phương Tây”.

Putin bị cô lập tại G20

Các tờ báo đặc biệt chú ý đến việc Tổng thống Nga Putin vừa qua đã rời khỏi Úc trước khi diễn ra phiên bế mạc và trước khi các nước ra thông cáo chung của Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại thành phố Brisbane. Các tờ báo đều cho rằng, ông Vladimir Putin làm như vậy là do ông chịu sức ép quá lớn bởi ông đã bị cô lập và chỉ trích gay gắt tại hội nghị.

Tuy nhiên, các tờ báo nói rõ là chủ đề Ukraina chỉ được nêu ra trong các cuộc hội kiến giữa các nguyên thủ bên lề hội nghị, chứ không được nêu ra ở phiên họp tổng thể chính thức vì ở đó hồ sơ kinh tế chiếm trọng tâm. Các tờ báo dẫn một số lời chỉ trích của các nguyên thủ dành cho Tổng thống Putin. Như Thủ tướng nước chủ nhà hội nghị là ông Tony Abbott đã lên tiếng cáo buộc Tổng thống Nga Putin xâm phạm lãnh thổ Ukraina và muốn phục hưng cái “thời huy hoàng đã bị đánh mất” của thời đại Sa Hoàng và của thời Liên Xô.

Thủ tướng Canada cũng không ngần ngại nói thẳng khi hội kiến với Tổng thống Putin rằng: “Tôi nghĩ là tôi phải bắt tay ngài. Nhưng tôi có một điều muốn nói cho ngài biết, đó là: ngài hãy rút khỏi Ukraina”. Tuy nhiên đáp lại lời này thì Tổng thống Putin nói: “Điều đó là không thể, vì người Nga không có mặt ở Ukraina”. Một cuộc lời qua tiếng lại trực diện giữa hai vị nguyên thủ cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự căng thẳng.

Còn Tổng thống Mỹ Obama cũng không ngại hăm dọa Nga rằng : “Nếu ông Putin tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế, thì Nga sẽ tiếp tục bị cô lập”. Thủ tướng Anh David Cameron thì cho rằng tại G20 lần này, các nước phương Tây đã có “thông điệp rõ ràng” với Nga.

Về phần mình, Tổng thống Nga giải thích cho việc rời hội nghị sớm là vì quảng đường trở về Nga khá xa và vì phái đoàn của ông đang …thiếu ngủ. Lấy việc thiếu ngủ để tổn hại đến nghi thức ngoại giao như vậy, thì Le Figaro cho rằng: “Dưới đợt chỉ trích ở G20, ông Putin tỏ ra xem thường các nước phương Tây”. Các tờ báo nhìn trong không khí căng thẳng đó có bóng dáng ngày càng rõ của một cuộc Chiến tranh lạnh.

Về phần mình, Tổng thống Pháp François Hollande được các tờ báo cho rằng đã có thái độ cư xử “ôn hòa” với Tổng thống Putin. Cụ thể là ông Hollande không nói thẳng với ông Putin về việc sẽ không giao các tàu chở trực thăng Mistral cho Nga, mà chỉ lập lờ là sẽ xem xét việc đó tùy theo tình hình cụ thể sắp tới. Trong bối cảnh đó, tờ Libération có vẻ sốt ruột khi đăng bài xã luận kêu gọi chính phủ Pháp không giao Mistral cho Nga.

Nga xích lại gần Trung Quốc

Cuộc "chiến tranh lạnh” đang thành hình đó lại có lợi cho quan hệ Trung-Nga. Tuy nhiên, đi sâu vào mối quan hệ này, nhật báo La Croix đăng bài nhận định: “Không phải ai cũng hài lòng về chiến lược xích lại gần Trung Quốc của Putin”. Tờ báo nhắc lại việc hai bên tăng cường quan hệ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế trong thời gian qua.

Vừa rồi, Tổng thống Nga Putin đã hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh APEC. Đây là cuộc gặp lần thứ hai giữa hai vị nguyên thủ trong thời gian chưa tới hai năm, một động thái thân thiện khá rõ ràng. Hai ông cũng vừa kêu gọi hai nước “xích lại gần nhau trong mọi lĩnh vực”.

Tờ báo cho biết, vừa qua hai bên liên tiếp ký nhiều thỏa thuận kinh tế, trong đó đặc biệt nhất là hợp đồng có giá lên đến 300 tỷ euro được ký vào tháng Năm rồi giữa tập đoàn khí đốt số một của Nga là Gazprom với Trung Quốc, dự kiến sẽ xuất đến Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. La Croix nhận định, dưới sức ép các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, Gazprom mới tăng cường làm ăn với Trung Quốc.

Bên cạnh lĩnh vực khí đốt, tài chính cũng là một trụ cột trong việc xích lại gần nhau giữa hai nước. Các ngân hàng lớn của Nga do chịu thiệt hại bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã quay về tìm nguồn vốn vay ở Trung Quốc. VTB, ngân hàng lớn thứ hai của Nga đang giảm dần sự hiện diện ở Mỹ để chuyển để Trung Quốc và Châu Á. Ngân hàng này cùng với các ngân hàng lớn khác của Nga cũng đang tìm cách vay tiền ở các ngân hàng Trung Quốc.

Đó là chưa kể hai bên đã và đang theo đuổi chính sách trao đổi thương mại bằng đồng nội tệ của nhau để giảm dần sự lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Tờ báo dẫn lời Tổng thống Nga ca ngợi hợp tác giữa hai nước là “hợp tác rất quan trọng để giữ cho thế giới được ổn định hơn”. Còn Chủ tịch Trung Quốc thì lấy làm mừng vui về sự phát triển tốt đẹp trong “nền tảng quan hệ Trung-Nga”.

Tuy nhiên, trong khi hai nước còn đang trong cái thời “xích lại gần nhau” thì những mầm mống của một cuộc chia ly đã lãng vãng đâu đó. Tờ báo cho rằng, Nga tìm đến Trung Quốc vì bị cô lập bởi phương Tây. Và dĩ nhiên Trung Quốc hiểu được điều đó. Từ đó, trong mối quan hệ song phương, dĩ nhiên Nga ở vị thế yếu hơn so với Trung Quốc.

Tờ báo dẫn lời một nhà kinh doanh Nga cho rằng: “Chúng tôi nghi ngờ về những ẩn ý của Trung Quốc bởi người Trung Quốc hiểu rằng chúng tôi đang ở thế yếu. Họ có thể lợi dụng điều đó, và trên thực tế, họ càng ngày càng tỏ ra cứng rắn trong các cuộc đàm phán”.

La Croix cũng dẫn lời của một giảng viên đại học Nga cho rằng: “Nhờ vào cuộc khủng hoảng Ukraina mà quan hệ hữu nghị trên bề mặt của chúng tôi hồi sinh. Thế nhưng, ngược lại với thời Liên Xô, người Nga không còn là “người anh em lớn” nữa. Do đó, chúng tôi có thể sẽ nhanh chóng trở thành những vệ tinh trong sự phát triển của Trung Quốc”.

Ông này nói thêm: “Nga mếch lòng với Mỹ và Châu Âu nên mới xích lại gần Trung Quốc. Thế nhưng, người Trung Quốc sẽ biết lợi dụng điều đó”. Như vậy, mối quan hệ Trung-Nga đang được sưởi ấm, và sưởi ấm đến mức nào ? La Croix kết luận: “Ngoài rất nhiều thỏa thuận kinh tế thì Trung Quốc vẫn còn bị người Nga nghi ngờ”.

Đế chế Trung Hoa hồi sinh ?

Hồi đầu thế kỷ XIX, Hoàng đế Napoléon của Pháp từng cảnh báo thế giới về sự “trở lại” trong tương lai của Đế chế Trung Hoa. Bài viết cũng nhấn mạnh đến ý đó khi cho rằng, vị thế Trung Quốc trên trường quốc tế đang không ngừng lớn mạnh. Và lần khẳng định “vai trò thế giới” gần đây nhất đó là thành công của Trung Quốc tại Thượng đỉnh APEC 2014 ở Bắc Kinh.

Tờ báo đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cho rằng, ông Tập đang biết tận dụng thời cơ rất có lợi cho Trung Quốc dựa trên bốn điểm sau đây : Thứ nhất vị thế về kinh tế khi Trung Quốc đang giữ vị trí số hai trong kinh tế thế giới. Thứ hai, Trung Quốc đang ở vị thế đầu tàu dẫn dắt quá trình hội nhập của Châu Á trong bối cảnh Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn nhất là về kinh tế, và trong bối cảnh Châu Á trở thành đầu tàu kéo sự tăng trưởng kinh tế thế giới.

Thứ ba, Trung Quốc tận dụng cơ hội nước Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, Tổng thống Obama thì vừa rơi vào thế hạ phong trong nước khi lưỡng viện quốc hội lọt cả vào tay phe Cộng Hòa, chính sách ngoại giao và chiến lược của Mỹ đang có vẻ không vững chắc. Thứ ba, dù muốn dù không thì Trung Quốc cũng đang ở vị trí là đối tác ưu tiên của các nước mới nổi lớn như Brazil, Nam Phi, hay các nước đang có vấn đề với phương Tây như Nga, Iran, hoặc thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ báo cho rằng, chiến lược của Trung Quốc là chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”. Một mặt, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi yêu sách chủ quyền bất chấp căng thẳng, tiếp tục tăng cường hiện đại hóa quân đội, và tiếp tục biết sử dụng sức mạnh kinh tế và tài chính trong các mối quan hệ; mặt khác Trung Quốc ra vẻ xoa dịu tình hình, trấn an các nước về tham vọng đó thông qua hỗ trợ kinh tế và tài chính dành cho các đồng minh, hoặc là ra vẻ dịu giọng trước những phản ứng quá phẫn nộ của các nước láng giềng có tranh chấp, chẳng hạn như việc vừa rồi có động thái thắt chặt lại quan hệ với Việt Nam sau giai đoạn căng thẳng về việc Trung Quốc cho đặt giàn khoan trong vùng nước nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thái độ ôn hòa đó, theo tờ báo, đi kèm với động thái cố tình tạo hình ảnh rằng Trung Quốc giữ vai trò vừa là người quyết định vừa là người trung gian, tức đối lập với hình ảnh một nước Mỹ là “nguồn gốc của bất ổn và xung đột” nhất là trong cuộc chiến tranh lạnh đang thành hình với Nga. Trung Quốc muốn tạo hình ảnh vừa là người tham gia vừa là người đảm bảo cho việc tái lập đối thoại giữa các siêu cường của thời Chiến tranh lạnh trước kia.

Bài viết cho rằng, Thượng đỉnh APEC vừa qua đánh dấu sự phục hưng của Trung Quốc trong vai trò Đế chế Trung Hoa. Thông qua việc nêu lên Giấc mơ Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã đánh dấu cho tham vọng của ông trong việc phục hưng Trung Quốc không chỉ về sức mạnh mà còn về văn minh. Mục tiêu là làm cho Trung Quốc có được vai trò đầu tàu dẫn dắt những cải cách và những chiến lược dài hạn, mà còn đầu tàu trong việc khẳng định giá trị, sức hấp dẫn và năng lực sáng tạo.

Tờ báo kết luận: Trong khi mà nước Nga đang hành động trong sự nhớ tiếc với cái thời thế kỷ XIX, trong khi nước Mỹ đang suy tư về dĩ vãng hùng mạnh hồi thế kỷ XX, thì ông Tập Cận Bình đang ra sức biến thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc.

Ý lại rơi vào suy thoái

Đến với kinh tế Châu Âu, trong khi nước từng lâm khủng hoảng là Tây Ban Nha hiện có mức tăng trưởng là 0,5%, thì nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài cho hay: “Ý rơi xuống mức tăng trưởng của năm 2000”. Tờ báo cho biết, theo số liệu vừa được công bố bởi Cơ quan thống kss quốc gia Ý (Instat), trong quý 3 năm 2014, GDP của Ý giảm 0,1%, tức là đã giảm đi 0,3% trong vòng 9 tháng. Tính từ năm 2008, thì Ý đã mất tăng trưởng đến 9,4%.

Như vậy, Ý đã rơi xuống mức tăng trưởng năm 2000 và hiện là nền kinh tế lớn duy nhất trong eurozone còn chìm trong suy thoái. Theo các chuyên gia, thì nguyên nhân chính là do sức mua trong nước vẫn còn yếu và lĩnh vực đầu tư cũng còn nhiều khó khăn. Về mặt kỹ thuật, đây là lần rơi vào khủng hoảng thứ ba trong vòng có 5 năm của Ý. Từ năm 2011, tăng trưởng của Y hầu như luôn ở mức âm.

Trong bối cảnh đó, biện pháp khắc khổ mà Châu Âu áp đặt cho Ý có lẽ không hữu hiệu. Bởi thế mà tại Thượng đỉnh G20 vừa qua ở Úc, Thủ tướng Ý ông Mattaeo Renzi đã phải kêu gọi mọi người đừng tập trung vào bàn chuyện khắc khổ mà hãy bàn chuyện tăng trưởng.

Hệ quả kinh tế đang đè nặng lên chính phủ Renzi. Các phản ứng xã hội như đình công hay biểu tình đã xuất hiện. Theo thăm dò công bố hôm qua, thì mức tín nhiệm của người dân dành cho Thủ tướng Renzi đã từ 62% khi nhậm chức xuống còn 52% trong hiện tại.

Dầu hỏa mất giá : ai thiệt, ai lợi ?

Cũng trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos chú ý đến việc dầu hỏa đang rơi giá tự do với bài chạy tựa khá hấp dẫn : “Dầu hỏa sụt giá có lợi cho ai?”. Tính từ tháng 6 đến nay, giá dầu hỏa tại Châu Âu đã giảm mất 35 đô la, tức giảm đến 30% so với giá 115 đô la/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu giảm nhanh như vậy kể từ 4 năm nay. Các chuyên gia dự báo, giá dầu năm 2015 cũng không khá gì cho lắm: 85 đô la/thùng cho quý 1 năm 2015 và 80 đô la/thùng cho quý 2 năm 2015.

Nguyên nhân được cho là do sự phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng đá phiến ở Mỹ, và sự tăng giá quá mạnh của đồng đô la Mỹ. Các nước hưởng lợi đầu tiên chính là những nước nhập khẩu dầu hỏa với lượng lớn mà dẫn đầu là Trung Quốc. Mức chi cũng giảm đi đáng kể cho các ngành công nghiệp có sử dụng dầu hỏa, ngành giao thông, và thậm chí là ngành hóa học có sử dụng những sản phẩm xuất phát từ dầu hỏa.

Chẳng hạn như tập đoàn sản xuất bánh xe hơi Michelin của Pháp, nếu giảm 1 đô la cho mỗi thùng dầu, thì tập đoàn này sẽ tiết kiệm được đến 12,5 triệu đô la mỗi năm. Như vậy, với mức giảm 35 đô như kể trên, thì tập đoàn này được lợi đến 400 triệu đô la.

Giá dầu giảm cũng có lợi cho các hộ gia đình, nhất là ở những nước có mức thuế khí đốt thấp như ở Mỹ. Tờ báo cho biết, theo một tính toán của các chuyên gia Mỹ, thì nếu giá dầu giảm 30 đô la/thùng các hộ gia đình Mỹ sẽ tiết kiệm được đến 30 tỷ đô la/năm.

Ngược lại, các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu hỏa sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Đối với nhiều nước, việc dự phóng ngân sách dựa vào giá dầu hỏa ước lượng. Chẳng hạn như, giá dầu hỏa ước lượng của Venezuela là 162 đô la/thùng, của Nigeria là 126 đô la/thùng, của Ả Rập Xê Út là 99 đô la/thùng, của Nga là 100 đô la/Thùng. Việc giá dầu hỏa lên xuống bất thường sẽ làm “chao đảo” ngân sách của những nước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.