Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ

Modi muốn xây hàng triệu nhà vệ sinh để Ấn Độ bớt lạc hậu

Châu Á hôm nay, 15/11/2014 khá được báo chí Pháp quan tâm, với các bài về Miến Điện, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên. Nhìn sang Ân Độ, báo Libération nêu trong hàng tựa mối quan tâm của tân Thủ tướng Modi, nêu bật một khía cạnh còn rất lạc hậu của nước Ấn : « Với 130 triệu nhà vệ sinh, Modi lấy lại mơ ước của Gandhi ». Thực hiện mơ ước này, Thủ tướng Ấn đã đưa ra một kế hoạch đầy cao vọng trị giá 18 tỷ euro.

Một nhà vệ sinh tồi tàn cho thấy tình trạng lạc hậu trong xã hội Ấn - DR
Một nhà vệ sinh tồi tàn cho thấy tình trạng lạc hậu trong xã hội Ấn - DR
Quảng cáo

Đặc phái viên của Libération, Sébastien Farcis, mở đầu bài viết với lời kể của bà Gita Devi, 50 tuổi, ở một ngôi làng bang Haryana, không ngần ngại cho biết là mỗi ngày bà phải thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, đi bộ cả hai cây số để đi vệ sinh ngoài đồng. Trong ngày thì phải nhịn, rất khó chịu và bị bịnh. Bây giờ thì hết rồi. 

Theo bài báo, điều đã thay đổi cuộc sống của bà Devi và xem như là một cuộc cách mạng, là lần đầu tiên trong đời, bà có thể đi vệ sinh ngay tại nhà. 

Tổ chức phi chính phủ Sulabh, đã xây dựng những nơi vệ sinh cho số 146 nhà ở ngôi làng chỉ cách thủ đô New Delhi khoảng 80 cây số, và cách Gurgaon, một trong những khu kinh tế năng động nhất Ấn Độ khoảng 40 cây số. Nơi đây, có chi nhánh của các tập đoàn quốc tế như Google, Ericsson chẳng hạn. 

Xây dựng nhà vệ sinh như nói trên, Sulabh đã giúp giải quyết một tình trạng lạc hậu trong xã hội Ấn, ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe công cộng, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ 3 Châu Á 

Bài báo nêu tình hình khó thể chấp nhận là một nửa dân chúng Ấn - 600 triệu người - tiếp tục đi vệ sinh giữa trời, ngoài đồng, dọc đường rầy xe lửa. Tình trạng bẩn thỉu này dẫn đến bệnh hoạn, nhất là đối với trẻ em. Cái giá mà Ấn Độ phải trả không nhỏ, như Ngân hàng Thế giới từng nêu lên, tương đương với 6,4% GDP Ấn Độ. 

Thủ tướng Ấn Độ, một người rất thực tế, không thể nhắm mắt làm ngơ, và theo tờ báo : Tay cầm chổi ông đã lao vào chiến dịch "Làm sạch Ấn Độ - Clean India - xem đó như là một mục tiêu cá nhân của mình mà ông phải thực hiện". 

Kế hoạch làm sạch này, một kế hoạch to lớn nhằm xây dựng một số lượng không nhỏ : 130 triệu nhà vệ sinh trong nhà, 57.000 trong các trường học, trị giá 18 tỷ euro. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Ấn xắn tay áo như vậy. Chiến dịch bắt đầu với việc tham khảo ý kiến, vận động phụ nữ, nghiên cứu các loại nhà vệ sinh khác nhau, sạch và ít tốn kém. 

Bài báo trích lại lời Thủ tướng Modi ngày 02/10/2014 vừa qua, nhân kỷ niệm sinh nhật ông Gandhi : « Gandhi đã không bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh cho sự sạch sẽ. Ông đã mang lại tự do cho chúng ta. Chúng ta phải trả lại cho ông một Ấn Độ sạch sẽ. » 

Mục tiêu đầu tiên trong chiến dịch "Làm sạch Ấn Độ" là vấn đề vệ sinh, nhưng không chỉ thế mà còn vấn đè xử lý rác ..v.v Tuy nhiên tác giả bài báo tỏ vẻ hoài nghi về kết quả chiến dịch, trong một đất nước mà guồng máy nổi tiếng tham nhũng. Tờ báo cũng không tin là ông Modi có thể thành công chỉ trong 5 năm nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, trong lúc mà ông Gandhi đã cố gắng trong cả cuộc đời mà không làm được. 

Obama hậu thuẫn cho đối lập Miến Điện  

Báo le Monde nhìn về Châu Á, chú ý đến cuộc gặp Obama -Aung San Suu Kyi ở Rangoon, ngày 14/11/2014. Bên cạnh bức ảnh ông Obama choàng vai bà Aung san Suu Kyi chụp từ phía sau, tờ báo ghi nhận trong dòng tít trang quốc tế : « Obama bày tỏ lập trường ủng hộ phe đối lập Miến Điện ». 

Bài báo trích những câu nói của ông Obama một mặt công nhận "tiến trình dân chủ là có thật" mặc dù thay đổi có khó khăn, và ông cho là ông "vẫn lạc quan". Mặt khác thì Tổng thống Mỹ tỏ nỗi lo ngại về tình hình người Rohingya. 

Le Monde nhận định là từ Rohingya của ông Obama không khỏi làm nhiều người "nghiến răng" vì giới lãnh đạo Miến Điện vẫn không công nhận họ là dân tộc thiểu số mà cho là họ là những người nước ngoài đến từ Bangladesh. 

Điểm mà tác giả bài báo chú ý và nêu bật là sự kiện Phó Cố vấn An ninh Mỹ Ben Rhodes, vài giờ trước cuộc gặp Obama- Thein Sein đã đề cập đến vấn đề bầu cử "đáng tin cậy" và vấn đề tu chính hiến pháp Miến Điện. Le Monde cho là nếu Mỹ cho thấy rằng họ cảnh giác đối với Miến Điện có lẽ cũng là do kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, đảng Cộng hòa nắm cả hai viện.

Chính ông Mitch McConnell, chủ tịch Thượng viện Mỹ hiện nay, là người chủ trương các biện pháp trừng phạt tập đoàn quân sự Miến Điện mà Quốc hội Mỹ thông qua năm 2003. Bây giờ ông Obama không thể không để ý đến sự hoài nghi của đảng Cộng Hòa đối với một Miến Điện đi vào một con đường chuyển tiếp còn bấp bênh. 

Bí mật về dầu hỏa Bắc Triều Tiên 

Báo Kinh tế Les Echos chú đến Châu Á, quay sang Bắc Triều Tiên, thắc mắc về "các bí mật" của dầu hỏa Bắc Triều Tiên, hàng tựa ở mục Thế giới. Tờ báo ghi nhận sự kiện là Trung Quốc đã không xuất dầu hỏa sang Bắc Triều Tiên từ 9 tháng qua. Việc này đã gây ngạc nhiên, khiến cho Hàn Quốc đã phải điều tra. 

Les Echos cho biết là dựa theo số liệu chính thức của Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm nay, Bắc Kinh đã không hề xuất một giọt dầu hỏa nào sang Bắc Triều Tiên. 

Tờ báo diễn giải là với thái độ nghiêm khắc được phô bày công khai này, người đồng minh của chế độ độc tài trong vùng, muốn chứng minh với thế giới là mình cũng biết tỏ ra cứng rắn với một nước không ngừng thách thức cộng đồng quốc tế.   

Có điều, ngạc nhiên trước việc ngưng xuất khẩu dầu của Trung Quốc, có thể gây tác hại lớn đối với kinh tế Bắc Triều Tiên, ảnh hưởng đến quyền lực của phe cánh Kim Jong Un, Seoul đã cho điều tra về vụ việc và đi đến kết luận là thật ra Bắc Kinh không hề ngưng xuất khẩu dầu cho người đồng minh và láng giềng, mà đã thao túng các số liệu chính thức, nói cách khác, đã cố tình không đưa ra các số liệu xuất khẩu này. Lý do là Trung Quốc muốn giữ thể diện, cho thấy mình thực sự cứng rắn. 

Les Echos còn trích lại những bằng chứng cho thấy không có việc cắt nguồn cung cấp dầu : Các nhà máy vẫn hoạt động bình thường, xe hơi chạy với xăng Trung Quốc không thấy bị ảnh hưởng. Một nhà nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu kinh tế IBK ghi nhận tàu chở dầu Bắc Triều Tiên đã được nhìn thấy ở cảng Trung Quốc Đại Liên mới đây. Cảng này là nơi giao dịch dầu thô giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. 

Nga cảnh cáo Pháp về vụ chiến hạm Mistral 

Sân khấu chính trị Pháp không yên ả với các vụ "tai tiếng" trong cánh hữu, chính quyền ông Hollande bị cánh tả cực đoan chỉ trích không nương tay, căng thẳng Pháp Nga về việc giao chiến hạm Mistral... Nhìn chung đây là những hồ sơ lớn nổi bật trong các tựa đầu ngày cuối tuần này. 

Báo Pháp hôm nay dĩ nhiên không thể bỏ qua lời cảnh báo của Nga đối với Pháp về việc giao chiến hạm Mistral. 

Nếu Le Monde - trang quốc tế - chỉ nói đến việc « Nga gây sức ép lên Pháp để được giao Mistral », Les Echos cho là Matxcơva lại dọa đòi bồi thường tài chính. Le Figaro nhìn thấy trong tựa trang nhất : « Mistral: Nga dồn ông Hollande vào chân tường ». 

Tờ báo giải thích : Vladimir Putin đã kỳ hạn cho Pháp hai tuần để giao chiếc Vladivostok – tên Nga của chiếc Mistral đầu tiên phải giao - nếu không Pháp phải bồi thường nghiêm túc. Tối hậu thư này đưa ra ngay trước ngày Thượng đỉnh G20 khai mạc tại Úc, đặt Tổng thống Pháp trong tình thế rất tế nhị, trong khi cuộc chiến ở Ukraina không thấy lối thoát. 

Đối với Le Figaro, hành động của Nga không chỉ nhằm mục đích buộc Tổng thống Pháp lên tiếng mà còn nhằm gây chia rẽ giữa các nước Châu Âu. 

Le Figaro nhận thấy trước tiên là trong hồ sơ này ông Hollande chỉ có giải pháp tồi mà thôi. Tờ báo phân tích thế tiến thoái lưỡng nan của ông Hollande : Không giao tàu cho Nga thì Pháp bị phạt nặng cộng thêm việc phải bồi hoàn lại tiền chiếc tàu mà Nga đã trả. Về mặt uy tín thì cũng bị sứt mẻ trong lúc mà Pháp đang thương lượng một số hợp đồng với các nước khác. 

Còn nếu giao tàu trong lúc Putin bị tố cáo từ mọi phía trên hồ sơ Ukraina, thì Pháp sẽ mất đi uy tín đối với các nước Đông Âu, cũng như đối với Washington. 

Phía Pháp hiện nay theo Le Figaro, đã công nhận rằng vấn đề uy tín vô cùng quan trọng. Bồi thường cho Nga có thua thiệt nặng đó, nhưng nếu mất những hợp đồng đang thương lượng với các đối tác châu Âu, đặc biệt là với Ba Lan, thiệt hại tài chính sẽ cao hơn tiền của Mistral. Các nước Ba Lan và Baltic - hiện nay theo dõi rất sát vụ tàu Mistral - sẽ tức giận không ít nếu tàu được giao cho Nga. 

Philae bị rơi vào giấc ngủ đông 

Báo Pháp hôm nay tiếp tục theo dõi hoạt động của robot Philae trên sao chổi Tchouri. Le Monde, ra từ chiều hôm qua, chưa có tin sốt dẻo, chạy một tựa buồn bã ở trang khoa học : "Philae có lẽ đang sống những giờ phút cuối cùng". 

Le Figaro tỏ vẻ thán phục chú robot tuy tuy gần hết năng lượng nhưng vẵn hoạt động ráo riết, cố khoan một lần chót trước khi "ngủ đông", cho nên đã ghi nhận trong hàng tựa trên trang khoa học : « Nỗ lực cuối cùng vì danh dự của Philae ». 

Les Echos thì thông báo « Philae đã chìm vào giấc ngủ » trong khi chờ đợi đến gần mặt trời vào năm tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.