Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Obama thất thế, Trung Quốc hả hê nhưng có nguy cơ tưởng bở

Bắt đầu từ cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đi một vòng Châu Á, đến Miến Điện dự các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, ghé Trung Quốc tham gia Thượng đỉnh APEC, đến Úc họp với các đồng cấp trong Nhóm G20. Thế nhưng thất bại của đảng Dân chủ của ông Obama trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ hôm thứ Ba vừa qua được cho là sẽ khiến uy thế của ông bị sút giảm trên trường quốc tế, đặc biệt trong các cuộc thương thảo với Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng tại Châu Á.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày  5 /11/20214
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 5 /11/20214 REUTERS/Larry Downing
Quảng cáo

Theo ghi nhận của Thông tin viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, thái độ của Trung Quốc đối với ông Obama như đã thay đổi hẳn sau khi thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ được chính thức xác nhận. Trong hai ngày Thứ Hai và Thứ Ba tuần tới, Barack Obama sẽ ghé Bắc Kinh tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC, và viếng thăm Trung Quốc. Nếu trước đây Bắc Kinh vẫn úy kỵ Washington, thì lần này giới lãnh đạo Trung Quốc như đã bắt đầu xem nhẹ một Tổng thống Mỹ đang trong thế yếu.

Báo Đảng Trung Quốc không ngần ngại chê bai Obama

Theo Heike Schmidt, điều này có thể thấy qua phản ứng của báo chí Trung Quốc vào hôm qua về kết quả bầu cử tại Mỹ, với những lời lẽ đầy ngạo mạn, chê bai đối với vị thượng khách mà họ sắp đón tiếp :

« Vài ngày trước chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Obama, lời lẽ gay gắt trên tờ Nhân dân nhật báo quả là đáng ngạc nhiên : « Obama luôn luôn nói ‘Vâng, chúng ta có thể - Yes we can’ tạo nên một kỳ vọng lớn lao trong dân Mỹ. Thế nhưng ông ta đã làm một công việc vô vị và gần như không mang lại được gì cho những người ủng hộ ông. Xã hội Mỹ đã mệt mỏi trước sự tầm thường của ông ta ».

Bình luận của tờ báo vốn là cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã được quảng bá rộng rãi trên toàn bộ báo chí chính thức.

Bài xã luận đã đánh giá rất thấp chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ : « Ông ta đã rút được quân Mỹ ra khỏi Irak và Afghanistan, nhưng không để lại một tình trạng hòa bình. Tại Châu Âu, chiến tranh lạnh đã trở lại với cuộc khủng hoảng Ukraina, và chiến lược tái cân bằng lực lượng của Washington qua Châu Á chỉ làm gia tăng sự mất lòng tin giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ».

Tờ báo Trung Quốc đã kết luận với một giọng điệu không phải là không ngạo mạn : « Với sự vươn lên của Trung Quốc, chúng ta đã hiểu rõ hơn về Hoa Kỳ - một đất nước quá lười biếng để cải cách. Xã hội Mỹ đã chọn Obama, nhưng trong thời đại hiện nay, không hề có Tổng thống Mỹ vĩ đại nào. »

Điều mà Trung Quốc căm ghét nhất là chính sách xoay trục qua Châu Á Thái Bình Dương mà Tổng thống Obama đã tiến hành từ khi ông nhậm chức.

Đừng tưởng bở vì chiến lược xoay trục có thể có thêm động lực

Theo một số nhà phân tích, với việc ông Obama bi suy yếu trong nước, Trung Quốc có nguy cơ quyết đoán thêm đối với các đồng minh của Mỹ tại Châu Á như Nhật Bản hay Philippines, hay đối với các nước như Việt Nam, đang hy vọng là sự can dự của Hoa Kỳ có thể cản bớt tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh không nên lầm tưởng là họ có thể lấn lướt được Mỹ và bẻ gãy được chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ.

Trước hết, trên bình diện quốc phòng, đảng Cộng hòa cho đến nay luôn luôn ủng hộ việc nước Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự. Do đó, khả năng ngân sách quốc phòng bị kềm hãm dưới thời ông Obama có thể được giải tỏa bớt. Thành tố quân sự của chiến lược tái cân bằng lực lượng qua Châu Á do đó vẫn vững chắc.

Một chi tiết đáng chú ý : Bắc Kinh không mấy thích việc Mỹ sẵn sàng bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tại Mỹ, một trong những người ủng hộ việc này là Thượng nghị sĩ John McCain có khả năng lên nắm Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đầy quyền lực trong lãnh vực này.

Cho đến nay, chiến lược xoay trục còn yếu trên vế kinh tế là hiệp định thương mại TPP. Với đảng Cộng hòa nắm Quốc hội lưỡng viện Mỹ, nhiều nhà phân tích cho rằng hiệp định này có thể nhận được một cú hích tích cực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.