Vào nội dung chính
INDONESIA

Joko Widodo nhậm chức Tổng thống Indonesia

Tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hôm nay 20/10/2014, chính thức nhậm chức, ba tháng sau cuộc bầu cử. Nhà lãnh đạo không xuất thân từ tầng lớp tinh hoa chính trị và quân sự này sẽ dẫn dắt nền dân chủ lớn thứ ba thế giới với 240 triệu cư dân trước những thách thức rất lớn trong khi ông không có được đa số tại Quốc hội.

Ông Joko Widodo nhân lễ tuyên thệ nhậm chức - REUTERS /Darren Whiteside
Ông Joko Widodo nhân lễ tuyên thệ nhậm chức - REUTERS /Darren Whiteside
Quảng cáo

Trong lễ tuyên thệ trước Quốc hội với sự tham gia của nhiều lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tân Tổng thống Joko Widodo tuyên bố : “Thời gian đã đến lúc để chúng ta đoàn kết lại (…) để xây dựng một đất nước Indonesia tự quyết về chính trị, độc lập về kinh tế và có bản sắc riêng về văn hóa”. 

Hơn 24.000 cảnh sát đã được triển khai tại Jakarta để bảo vệ cuộc chuyển giao quyền lực. Sau nghi thức tại Quốc hội, ông Joko Widodo tới Dinh tổng thống. Các hoạt động chào mừng tân Tổng thống dự kiến kết thúc trong buổi tối với một nhạc hội metal rock, mà “Jokowi” – biệt danh của ông Joko Widodo – là một người hâm mộ. 

Tân nguyên thủ của quốc gia quần đảo, với hơn 13.466 hòn đảo lớn nhỏ, xuất thân từ một doanh nhân tỉnh lẻ. Ông từng là thị trưởng Solo, một đô thị nửa triệu dân ở miền trung đảo lớn Java, thành phố quê hương ông, trước khi trở thành người đứng đầu thủ đô Djakarta. 

Lãnh đạo quốc gia không giống như lãnh đạo một thành phố, dù là thủ đô. Nhiều thách thức lớn đón đợi tân Tổng thống. Cơ sở hạ tầng giao thông là một trong các vấn nạn lớn nhất tại một đất nước mà hệ thống đường sắt là thừa hưởng từ thời thực dân, đường bộ rất xấu, còn hệ thống cảng biển thì “thảm hại”, như ghi nhận của một nhà nghiên cứu (Jean-Raphael Chaponnière, Asie 21).

Hệ thống giáo dục Indonesia cũng được đánh giá là không đủ sức tạo ra các nhân công chất lượng cao cho một nền kinh tế hiện đại. Để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trợ giúp những người nghèo nhất (theo một thống kê, gần 40% dân số sống với ít hơn 2 đô la/ngày), “Jokowi” dự kiến sẽ giảm các trợ giá để ghìm giá xăng, chiếm tới gần 9% ngân sách quốc gia, và tương đương 3% GDP. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến tầng lớp trung lưu và khá giả, mà cả những người nghèo. 

Việc ông Joko Widodo lên nắm quyền lãnh đạo Indonesia được nhìn nhận như một thay đổi lớn đến với nền kinh tế mới nổi đứng hàng đầu thế giới. Kể từ năm 1998 với sự ra đi của nhà độc tài Suharto sau 32 năm cầm quyền, các lãnh đạo Indonesia tiền nhiệm đều xuất thân từ giới tinh hoa, từng điều hành quốc gia dưới thời các tướng lãnh. Không có kinh nghiệm lãnh đạo ở quy mô quốc gia và quốc tế, ông Joko Widodo đã và đang gặp phải sự kháng cự của đa số trong Quốc hội, nơi ông sẽ buộc phải có nhiều thỏa hiệp. Việc giữ lại Jusuf Kalla, cựu Phó tổng thống của người tiền nhiệm Yudhoyono, tại vị trí này cho thấy điều đó. 

Một biến cố bất ngờ xảy ra ngay trước lễ nhậm chức Tổng thống : hôm thứ Sáu 18/10, cựu ứng viên Tổng thống Prabowo, vốn quyết liệt phản đối kết quả bầu cử đến cùng, đã kêu gọi các đảng phái trong liên minh của ông (chiếm đa số tại Quốc hội) ủng hộ tân Tổng thống. Một tuyên bố khiến căng thẳng giữa hai phe chùng xuống, tuy nhiên giới quan sát đón nhận sự việc này một cách thận trọng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.