Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Bắc Kinh-Hồng Kông : Dị biệt không thể vượt qua

Đăng ngày:

Hồng Kông đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng thấy. Hàng trăm ngàn người xuống đường chiếm đóng các khu thương mại và hành chánh phản đối Bắc Kinh can thiệp vào tiến trình bầu cử. Sau 10 ngày dằng co, buôn bán đình trệ, chính quyền Lương Chấn Anh nhượng bộ và chấp nhận đàm phán với phong trào phản kháng. Đâu là căn nguyên nguồn cội của cuộc đọ sức không cân xứng này giữa Trung Quốc và Hồng Kông ? Chuyên gia Ngô Vĩnh Long, giáo sư đại học Maine, Hoa Kỳ phân tích.

Khu Wachai Hồng Kông  9/10/2014 sau những ngày sôi sục của cuộc "Cách mạng dù".
Khu Wachai Hồng Kông 9/10/2014 sau những ngày sôi sục của cuộc "Cách mạng dù". REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

"Hoa lục là độc tài còn Hồng Kông là tự do", lời tuyên bố đơn giản của một phụ nữ Hồng Kông khi đứng xem phong trào sinh viên học sinh xuống đường hồi tuần trước có lẽ đã minh họa được hố sâu chia cách Hoa lục với Hồng Kông và cũng là cội rễ của vấn đề xung khắc.

Phong trào dân chủ tại Hồng Kông chống bàn tay can thiệp của Bắc Kinh không hình thành một sớm một chiều mà nó bắt nguồn từ phong trào dân chủ Thiên An Môn, bị đàn áp đẫm máu năm 1989 và do bản chất chế độ tại Hoa lục. Vào thời điểm 1989, Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng nhân danh « ổn định để phát triển » đã lạnh lùng điều quân từ Nội Mông về sát hại sinh viên và công nhân đòi cải cách chính trị sau khi các đơn vị quân sự tại thủ đô từ chối nổ súng.

Năm 1997, khi Hồng Kông được Anh Quốc trao trả cho Trung Quốc, nhượng địa biến thành đặc khu hành chánh với quy chế "một quốc gia hai chế độ". Bắc Kinh chấp nhận cho Hồng Kông một « bản Hiến pháp » riêng có hiệu lực trong vòng 50 năm với lời hứa người dân được quyền bầu cử tự do người lãnh đạo.

Thực tế, vấn đề không đơn giản. Theo Asia sentinel ở Hồng Kông, mặc dù đời sống 1,3 tỷ dân Hoa lục được cải thiện rất nhiều so với 25 năm trước đây khi Đặng Tiểu Bình phát động chính sách mở cửa kinh tế, Trung Quốc vẫn giữ nguyên trạng là chế độ cộng sản độc tài, mà bản chất của độc tài là không dung thứ làn gió dân chủ.

Từ hai năm nay, Trung Quốc của Tập Cận Bình không ngừng gây hấn với các lân bang từ Nhật Bản, Việt Nam, Philippines ở Đông Nam Á cho đến Ấn Độ và gia tăng đàn áp tại Tân Cương, Tây Tạng.

Hai năm sau khi thất bại trong mưu đồ đưa giáo trình lịch sử một chiều vào chương trình giáo dục Hồng Kông, đánh đồng đảng cộng sản với Tổ quốc, tháng 9 năm nay, Bắc Kinh một lần nữa tìm cách trói buộc Hồng Kông. Quốc hội bù nhìn Trung Quốc ra nghị quyết quy định bầu lãnh đạo địa phương Hồng Kông theo lối đảng cử dân bầu, chỉ có người « yêu nước » theo tiêu chuẩn của Bắc Kinh, mới được quyền ứng cử.

Theo phân tích của Asia Sentinel, quan điểm của Bắc Kinh hoàn toàn xung khắc với Hồng Kông : Chỉ có những kẻ ngây thơ mới nghĩ rằng Tập Cận Bình chấp nhận Hồng Kông tiếp tục được ưu đãi với một guồng máy tư pháp độc lập, một chính quyền thượng tôn pháp luật, tôn trọng các quyền tự do của công dân.

Năm 1989, vì tranh đấu đòi hỏi các quyền này, một thế hệ sinh viên công nhân Trung Quốc bị đàn áp trong biển máu. Năm 2014, Trung Quốc cũng phải đối đầu với một phong trào tương tự nhưng thế hệ tranh đấu cho dân chủ tại Hồng Kông mới bị đàn áp bằng hơi cay và sau đó được chính quyền chấp nhận đối thoại.

Giới phân tích ở Hồng Kông cho rằng Tập Cận Bình đang cưỡi lưng cọp vì Trung Quốc ngày nay như là một thùng thuốc súng mà biến cố tại Hồng Kông là ngòi dẫn nổ. Còn theo chuyên gia Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ khủng hoảng Hồng Kông là cơ hội để Tập Cận Bình chứng minh bản lĩnh của một nhà lãnh đạo bảo vệ « quyền lợi cốt lõi » của Trung Quốc bằng thủ đoạn lấn áp láng giềng hay bằng giải pháp làm hòa với tất cả mọi người trong đó có Hồng Kông.

Sau đây là phần phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long:

10:53

Giáo sư Ngô Vĩnh Long- Hoa Kỳ

 

 

 

  

Hôm nay, ba khu vực chính ở Hồng Kông vẫn còn bị rào cản. Khoảng 200 sinh viên bám trụ gây áp lực hỗ trợ cho đại diện phong trào đàm phán với chính quyền. Theo AFP, đông đảo người dân lợi dụng giao thông còn bị tê liệt để chạy bộ, tập thể dục ngoài trời, thích thú vì không khí trong sạch.

Không may cho phe chính quyền, lãnh đạo đặc khu hành chánh bị thêm một tai tiếng mới về hành vi tham nhũng. Đối lập buộc ông Lương Chấn Anh phải giải thích về thông tin ông nhận của một công ty Úc một số tiền tương đương với 6 triệu đôla Mỹ và yêu cầu giải thích số tiền này nay ở đâu.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.