Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MỸ - ÚC

Trung Quốc lần đầu gởi quân tập trận với Mỹ và Úc

Dù tiếp tục gây căng thẳng trong khu vực bằng yêu sách chủ quyền quá đáng của mình trên Biển Đông, và bị cả Washington lẫn Canberra chỉ trích, Bắc Kinh vẫn gởi một đơn vị quân đội nhỏ tham gia một cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Úc. Trong một bản thông cáo công bố hôm nay, 07/10/2014, Bộ Quốc phòng Úc cho biết là cuộc tập trận chung vừa mở ra sẽ kéo dài cho đến ngày 25/10/2014.

Cảnh quân đội Trung Quốc tập trận ngày 22/07/2014..
Cảnh quân đội Trung Quốc tập trận ngày 22/07/2014.. Reuters
Quảng cáo

Đây là cuộc tập trận mang tên KOWARI 14, huy động 5 lính Thủy quân lục chiến Mỹ, 10 người lính Trung Quốc và 10 người lính Úc. Nội dung bài tập huấn là các phương thức để sống còn trong một môi trường khó khăn sâu trong đất liền hay ở vùng duyên hải như tại miền Bắc Úc.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston : « Cuộc tập trận KOWARI 14 sẽ cung cấp cho các lực lượng tham gia những kiến thức căn bản về các nguyên lý, thủ tục, kỹ thuật và thiết bị có thể giúp tăng cường triển vọng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt của nước Úc ».

Bộ trưởng Quốc phòng Úc không quên nhấn mạnh ý nghĩa chính trị của cuộc tập trận hỗn hợp khi khẳng định rằng : « Cuộc diễn tập quân sự thể hiện sự sẵn sàng của Úc, Trung Quốc và Mỹ trong việc sẵn sàng hợp tác với nhau một cách thực tế. »

Lời nhấn mạnh trên đây không phải là thừa trong bối cảnh Trung Quốc đang bị Úc và Mỹ chỉ trích về những hành vi khuấy động tình hình ổn định trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Các động thái của Bắc Kinh nhằm áp đặt chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông đã dẫn đến những vụ đối đầu đáng quan ngại trên hiện trường với Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, và cả Hoa Kỳ.

Dù nước Úc đã cố gắng duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, quan hệ Canberra-Bắc Kinh gần đây đã có phần căng thẳng sau khi Ngoại trưởng Úc Julie Bishop chỉ trích việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, bao trùm cả vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Về phần Mỹ, tháng Tám vừa qua, Washington đã chính thức phản đối sự cố mà Hoa Kỳ gọi là một hành động « khiêu khích » của một chiến đấu cơ Trung Quốc nhằm vào một máy bay do thám của Hải quân Mỹ tại khu vực cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 217 km về phía đông. Cáo buộc của Mỹ dĩ nhiên đã bị Trung Quốc bác bỏ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.