Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU Á

Ảnh hưởng suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tới Châu Á

Tờ Les Echos số ra ngày 07/10/2014, phản ánh những hệ lụy của việc suy giảm kinh tế tại Trung Quốc tới châu Á. Đây là kết quả được Ngân hàng thế giới công bố trong bản báo cáo mới đây nhất.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ sụt giảm trong năm 2015.
Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ sụt giảm trong năm 2015. REUTERS/Stringer/Files
Quảng cáo

Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 7,4% vào năm 2014 xuống còn 7,2% vào năm tới và 7,1% vào năm 2015. Đây thật sự là một cú sốc vì theo những đánh giá hồi tháng 4 vừa qua, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng 7,6% vào năm nay và 7,5% vào năm 2015.

Bản báo cáo cũng cho biết, tháng vừa qua, sản xuất công nghiệp Trung Quốc xuống tới mức thấp nhất từ khi khủng hoảng. Mức đầu tư và bán lẻ bị thu hẹp lại và thị trường bất động sản suy giảm trầm trọng. Mô hình một nước Trung Quốc suy yếu còn rõ nét hơn nếu tính thêm những bấp bênh tài chính và các khoản nợ của địa phương mà quốc gia này đang phải đối đầu. Ngân hàng thế giới cho rằng, những yếu tố trên cũng đã đủ nghiêm trọng để gây ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của khu vực.

Suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ ảnh hưởng tới giá cả nguyên liệu và có thể gián tiếp gây bất lợi cho Indonesia. Quốc gia này phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ than của Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Indonesia ở mức 5,8% vào năm ngoái sẽ xuống còn 5,2% trong năm nay. Ngoài ra, xuất khẩu kim loại của Mông Cổ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cho tới nay, tình hình kinh tế châu Á sẽ vẫn bình ổn nhờ mức tiêu thụ luôn được định hướng tốt. Xuất khẩu là trung gian tăng trưởng cho các nền kinh tế ở mức trung bình như Việt Nam, Malaysia và Cam-bốt.

Dù có dấu hiệu hạ nhiệt, Ngân hàng thế giới vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến phong trào ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông. Vì nếu còn tiếp tục, cuộc biểu tình sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế đặc khu, cũng như cho nền kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế của thuộc địa cũ của Anh sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn so với tăng trưởng thấp hơn dự tính. Ngân hàng thế giới không lập dự kiến tăng trưởng đối với Hồng Kông vì cơ quan này chỉ theo dõi những nước đang phát triển.

Lây nhiễm vi rút Ebola ngoài lục địa châu Phi

Vi rút Ebola chết người không ngừng lan rộng ngoài lục địa Châu Phi. Hai trường hợp lây nhiễm phát hiện tại Mỹ và Tây Ban Nha đang là tâm điểm của dư luận. Các báo Le Monde, Le Figaro và Libération phản ánh thông tin trên trong số ra ngày hôm nay.

Tờ Le Monde đưa tin : « Ebola : Nhà Trắng phải trấn an dư luận ». Theo tờ báo, bệnh nhân đầu tiên, người Liberia, tới Mỹ phản ánh thiếu sót trong hệ thống theo dõi. Vài ngày sau khi sang Mỹ thăm gia đình và ngay khi cảm thấy những triệu chứng nhiễm vi rút, ông tới bệnh viện khám, song bộ phận trực đã chuẩn đoán sai và cho ông về nhà. Tình trạng của ông trở nên nghiêm trọng và ngày 30/09, ông được xác định là nhiễm vi rút Ebola.
Sai lầm này đã buộc chính quyền bang Texas công bố tìm kiếm những người đã tiếp xúc với bệnh nhân từ khi ông tới Mỹ. Thứ 6 vừa qua, Nhà Trắng đã phải kêu gọi người dân bình tĩnh, đồng thời nhấn mạnh rằng việc lây nhiễm vi rút rất phức tạp và nước Mỹ có đủ khả năng để ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Ngoài thông tin trên, báo Le Monde dẫn lại kết quả của một nghiên cứu của trường đại học Northeastern tại Boston cho biết nguy cơ vi rút lan tới Pháp là khoảng 20% nếu tiếp tục phương án hiện nay là giảm bớt 80% số chuyến bay tới các ổ dịch tại châu Phi. Pháp là nước thứ hai có nhiều nguy cơ, sau Ghana (khoảng 40%), tiếp theo là các nước Bờ Biển Ngà (khoảng 15%), Anh (11%) và Bỉ (9%).

Báo Le Figaro cũng chia sẻ thông tin này trong bài viết : « Ebola : các chuyên gia xếp Pháp vào các nước có nhiều nguy cơ ». Cùng với Libération, tờ Le Figaro thông tin một nhân viên y tế tại Madrid chăm sóc hai bệnh nhân chết vì Ebola đã bị nhiễm loại vi rút này. Đây là trường hợp nhiễm vi rút Ebola đầu tiên bên ngoài lục địa châu Phi.

Ngoài ra, phóng viên của Le Figaro cũng phản ánh « Tình trạng kiểm tra lỏng lẻo tại sân bay Monrovia ». Trước khi bước vào phòng chờ, một nhóm y tá đo thân nhiệt của hành khách và yêu cầu họ cam kết không tiếp xúc với một bệnh nhân hay đã từng lưu lại một ổ dịch vi rút Ebola trong ba tuần vừa qua. Theo tác giả bài báo, những biện pháp hành chính này là vô ích vì có rất nhiều hành khách không trung thực, như trường hợp của một doanh nhân người Liberia hay trường hợp bệnh nhân Liberia tại Mỹ.

Một số hãng hàng không giảm bớt hoặc tạm ngừng các chuyến bay tới Liberia, thế nhưng, vẫn duy trì đường bay tới Guinea, quốc gia lân cận cũng bị nhiễm vi rút. Hành khách nhiễm vi rút vẫn có thể tới châu Âu thông qua cảng hàng không này. Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức nhân đạo phản đối việc giảm các chuyến bay vì các quốc gia bị vi rút hoành hành sẽ bị cô lập hơn và tình hình càng trở nên nghiêm trọng.

Chuyên trang « Kinh tế » của Le Figaro cũng quan tâm tới ảnh hưởng của vi rút Ebola tới tăng trưởng của lục địa châu Phi, đặc biệt là khu vực Tây Phi. Tờ báo cho biết, theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới : « Vi rút Ebola đe dọa tăng trưởng của Tây Phi ». Theo đó, ba quốc gia bị vi rút hoành hành nhiều nhất là Liberia, Sierra Leone và Guinea cũng là ba quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về phát triển kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực khai thác dầu mỏ, nông nghiệp, ngoài ra còn phải kể tới thương mại, giao thông, khách sạn, xây dựng…

« Cách mạng dù » tại Hồng Kông

Quay lại tình hình châu Á, diễn biến cuộc « cách mạng dù » tại Hồng Kông là chủ đề được các báo Le Monde và Le Figaro quan tâm.

Báo Le Monde đăng trên chuyên mục « Thảo luận » bài viết dưới tựa đề « Cách mạng ô dù » chống Bắc Kinh » của luật sư Đằng Bưu. Theo tác giả, đây là « Mùa xuân Ả-rập » tại Hồng kông » và người dân Hồng Kông không thể lùi bước. Nếu họ không nổi dậy, nền dân chủ sẽ bị đẩy vô thời hạn. Những điều mà họ từng tự hào, như tự do, nhân quyền và độc lập về tư pháp, sẽ biến mất.

Phong trào đang diễn ra tại Hồng Kông thừa kế « mùa xuân Ả-rập ». Cả thế giới đang nhìn vào. Những người tham gia biểu tình đang đấu tranh cho nền dân chủ của Hồng Kông và cho cả Trung Quốc. Nếu phong trào tiếp tục, gánh nặng kinh tế sẽ trở nên quá sức chịu đựng với đời sống của người Hồng Kông. Phong trào này chứng minh xung đột giữa hai chế độ. Dưới chế độ độc tài, kiểu hệ thống nơi tự do ngự trị không thể tồn tại. Cho phép người Hồng Kông thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu sẽ làm thủng hệ thống bảo vệ chế độ và sẽ làm sụp đổ chế độ trên.

Vẫn về vấn đề này, báo Le Figaro phản ánh : « Tại Hồng Kông, « cách mạng dù » vẫn bám trụ », dù số lượng người tham gia đã giảm. Phe ủng hộ dân chủ quyết định tiếp tục chiếm giữ khu trung tâm. Tuy nhiên, họ gặp phải khó khăn về vấn đề người lãnh đạo. Mục đích chính của cuộc biểu tình là xem xét lại quy chế bầu cử người lãnh đạo của Hồng Kông dường như là chuyện không thể, nhất là khi không hề có cuộc thương lượng trực tiếp nào với Bắc Kinh. Tác giả bài báo lo ngại do không có tiến triển trong vài ngày tới, phong trào đấu tranh có thể bị thu hẹp lại.

Cam-bốt bị kiện ra Tòa án hình sự quốc tế

Vẫn tại châu Á, báo Le Figaro đưa tin : « Cam-bốt bị kiện ra Tòa án hình sự quốc tế ». Vụ kiện liên quan tới việc người nhà của chế độ đã cưỡng bức chiếm đoạt đất đai của 700 000 người dân Cam-bốt vào năm 2002.

Trong đơn kiện trình lên Tòa án hình sự quốc tế, luật sư quốc tế Richard Rogers, chuyên về nhân quyền, đã thống kê khoảng 700 000 nạn nhân, chiếm khoảng 6% dân số Cam-bốt, đã bị thu hồi đất. Một số người bị bắt bất hợp pháp, một số khác bị thương nặng, thậm chí bị chết, trong quá trình cưỡng ép di dân. Ít nhất là 4 triệu héc-ta đất, chiếm khoảng 22% diện tích đất, bị thu hồi.

Bản báo cáo cũng nêu lên việc truy hại những người đối lập với chế độ của thủ tướng Hun Sen từ năm 2002 tới nay. Theo nhận xét tại Liên đoàn quốc tế Nhân quyền (FIDH), đây là lần đầu tiên một bản báo cáo có những yếu tố nghiêm túc cho phép đánh giá những vi phạm liên quan tới chính sách thu hồi đất đai. Một cuộc điều tra sơ bộ sẽ được tiến hành trước khi mở ra cuộc điều tra chính thức.

Khó khăn của vụ kiện này mang yếu tố chính trị. Bản báo cáo nhắm tới « thành phần đang nắm quyền lực » nhưng lại không chỉ rõ đích danh những người đại diện. Tòa án hình sự quốc tế chắc sẽ phải nhắm tới cán bộ cảnh sát, quân đội và an ninh. Những người thân cận của thủ tướng Hun Sen, đương quyền từ năm 1985 tới nay, được liệt vào dạng liên quan trực tiếp tới tham nhũng, vấn nạn khiến Cam-bốt bị xếp hạng thứ 160 trên 177 tham nhũng nhất trên thế giới. Thế nhưng, thủ tướng đương nhiệm đang là đối tác với phương Tây và là một nhân tố không thể thiếu trên trường chính trị khmer để tìm ra lối thoát cho các bế tắc từ cuộc bầu cử năm 2013.

Ngoài những thông tin trên, tình hình thời sự khá đa dạng trên các mặt báo Pháp trong số ra ngày hôm nay. Các sự kiện liên quan tới vụ Bygmalion, chính sách thắt chặt kiểm tra an ninh với những phần tử thánh chiến đang tìm cách xuất ngoại, hay chương trình cứu công viên giải trí Disneyland Paris khỏi phá sản là những tin chính liên quan tới thời sự nước Pháp. Về phần thời sự quốc tế, tranh cử tổng thống tại Brazil, hai ca mắc vi rút Ebola tại Mỹ và Tây Ban Nha tiếp tục nhận được sự quan tâm của hầu hết các báo ra ngày hôm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.