Vào nội dung chính
TÂY TẠNG

Đức Đạt Lai Lạt Ma đang thương thuyết để về Tây Tạng hành hương

Theo AFP, hôm nay 2/10/2014, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết đã có các cuộc thương lượng « không chính thức » với Trung Quốc để có một chuyến hành hương về Tây Tạng sau hơn nửa thế kỷ sống lưu vong.

Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ảnh chụp tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 18/09/2014.
Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ảnh chụp tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 18/09/2014. Reuters
Quảng cáo

Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết trong một số cuộc tiếp xúc với một số giới chức tại Trung Quốc, trong đó có những quan chức trong đảng về hưu, Ngài đã đánh tiếng cho biết có nguyện vọng được về hành hương ở Ngũ Thái Sơn, một vùng núi được cho là địa linh của Tây Tạng.

Trả lời phỏng vấn AFP tại Dharamsala, Ấn Độ, lãnh tụ tinh thần cửa người Tây Tạng nói các cuộc thương lượng « chưa kết thúc nhưng đã có ý là như vậy ». Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh đó không phải là các cuộc tiếp xúc chính thức, nhưng một cách không chính thức Ngài đã tỏ nguyện vọng và một số người thân cận cũng cho biết phía Trung Quốc có vẻ quan tâm. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói : « Mới đây, một số quan chức Trung Quốc, chẳng hạn như phó bí thư đảng khu tự trị Tây Tạng, đã có nhắc đến khả năng tôi được hành hương đến vùng linh sơn » của Tây Tạng.

Những phát ngôn trên của Đức Đạt Lai Đạt Ma được đưa ra trong lúc đang có nhiều tin đồn xung quanh việc quan hệ giữa lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng với chính quyền Bắc Kinh bắt đầu có dấu hiệu dịu bớt căng thẳng. Cho đến giờ, mặc dù đã tuyên bố rút khỏi các hoạt động chính trị từ năm 2011, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn bị chính quyền Trung Quốc coi là một « phần tử ly khai » muốn tách Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc. Nhiều chuyến thuyết pháp ở nước ngoài của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã bị chính quyền Bắc Kinh tìm cách can thiệp ngăn chặn.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm nay, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đã đánh giá cao phát biểu gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tầm quan trọng của Phật giáo trong xã hội Trung Quốc. Ngài tỏ ý « lạc quan » về hướng quan điểm này của Bắc Kinh.

Ngài nói : « Đó là điều rất mới, một lãnh đạo đảng Cộng sản đã đề cập đến vấn đề tâm linh ». Đức Đạt Lai Lạt Ma gần đây cũng nhận xét Tập Cận Bình là người có đầu óc « cởi mở » hơn so với những người tiền nhiệm. Bản thân Đạt Lai Lạt Ma, trước khi phải đi lưu vong năm 1959, cũng đã từng có quan hệ gần gũi với cha ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên lãnh tụ tinh thần Tây Tạng vẫn lên án cách hành xử của chính quyền Trung Quốc với những người ly khai, trong đó có trường hợp giáo sư người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti mới bị kết án chung thân vì tội ly khai. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích : « Những người đó trước hết đều không chống chính phủ, không chống nhân dân. Vì thế tôi cho rằng họ không phải là những người gây hại cho chế độ về lâu về dài ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.