Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG

Bắc Kinh thận trọng không để Hồng Kông tan vỡ

Phong trào dân chủ tại Hồng Kông tiếp tục là chủ đề được báo chí Pháp đặc biệt quan tâm. Les Echos có bài phân tích ngắn, nhưng đáng chú ý mang hàng tít « Trung Quốc luôn cẩn trọng không để Hồng Kông bị tan vỡ », với nhận định « Việc lấy lại (Hồng Kông) được (Bắc Kinh) tiến hành một cách êm ái nhưng công việc này chưa bao giờ gián đoạn ».

Người biểu tình phong tỏa con đường chính đến khu Trung Hoàn, Hồng Kông ngày 01/102014.
Người biểu tình phong tỏa con đường chính đến khu Trung Hoàn, Hồng Kông ngày 01/102014. REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

Bài viết điểm lại một vài mốc chính cho thấy thái độ căn bản của chính quyền Bắc Kinh đối với khu vực từng được mệnh danh là « con gà đẻ trứng vàng ». Năm năm sau khi trở về Trung Quốc, đối với du khách, thành phố cựu thuộc địa dường như không có gì thay đổi về hình thức, vẫn đại lộ Nữ hoàng xuyên qua trung tâm, vẫn khu phố thương mại cũ, chiều giao thông vẫn theo hệ thống mà người Anh để lại, các đơn vị quân đội từ Hoa lục vẫn ở nguyên trong các doanh trại giống như khi họ đến vào năm 1997. « Hồng Kông sẽ tiếp tục là một hòn ngọc tỏa sáng cho đất mẹ trong thời gian dài », tuyên bố của ông Giang Trạch Dân, Chủ tịch Trung Quốc vào thời điểm đó, tiếp tục là phương châm của những người kế tục.

Thế nhưng, rất nhiều doanh nhân Hồng Kông hiểu rằng, tương lai của họ phụ thuộc vào Trung Quốc, kể từ khi mảnh đất này một lần nữa trở lại quyền cai quản của Bắc Kinh, « lệ thuộc về kinh tế, cựu thuộc địa cũng buộc phải lệ thuộc như vậy về tinh thần ». Tuy nhiên, hiện tại, Hồng Kông đang đứng trước « một bước ngoặt » mới, đặc biệt sau cuộc cải cách Nghị viện của đặc khu năm 2010, buộc chính quyền trung ương phải trực triếp đối thoại với đảng Dân chủ Hồng Kông. Les Echos nhấn mạnh, « với việc đòi hỏi bầu cử lãnh đạo theo thể thức phổ thông đầu phiếu, cựu thuộc địa (của Anh Quốc) dường như đang vững bước trên con đường dân chủ ».

Sự xa cách giữa Hồng Kông với Hoa lục

Vẫn về phong trào Hồng Kông hôm nay, Les Echos có bài phỏng vấn ông Jean-Pierre Cabestan, Trưởng khoa Khoa chính trị học và các nghiên cứu quốc tế của đại học Baptist Hongkong mang tựa đề « Phong trào hôm nay sẽ rất quan trọng ! ». Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Cabestan là tác giả cuốn « Hệ thống chính trị Trung Quốc, một thế cân bằng độc tài mới » ra mắt năm nay 2014. Về thái độ của chính quyền Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông, giáo sư Jean-Pierre Cabestan cho biết « về cơ bản, giới lãnh đạo Trung Quốc không muốn đặt lại vấn đề về nguyên tắc ‘‘một quốc gia, hai chế độ’’. Ngược lại, chính quyền Trung Quốc muốn đưa thuộc địa cũ của Anh Quốc vào quỹ đạo, chủ yếu là giảm bớt khoảng cách giữa hai hệ thống và ngăn chặn những gì mà họ cho là "một sự lạc hướng của Hồng Kông". Trong con mắt của nhiều lãnh đạo Trung Quốc, mảnh đất Hồng Kông ngày càng trở nên một cơ sở « tập trung các lực lượng chống cộng sản dưới ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Anh Quốc » và nơi nuôi dưỡng những người đối lập với chế độ, như trong giai đoạn cuối cùng của triều đại Mãn Thanh.

Chính quyền Trung Quốc chắc chắn đã cử người đến quan sát tại chỗ và sẵn sàng có các hành động đe dọa, trấn áp, nhắm vào các nhà tranh đấu. Chuyên gia về chính trị trong thế giới Trung Hoa trong khi nhấn mạnh đến các ảnh hưởng qua lại giữa phong trào hiện nay ở Hồng Kông với phong trào sinh viên Hoa hướng dương ở Đài Loan hồi đầu năm nay, « trong suốt mùa hè này, hai phong trào này đã gặp nhau và có nhiều trao đổi », ông cũng lưu ý, phong trào dân chủ Hồng Kông có rất ít khả năng ảnh hưởng sang Hoa lục. Một mặt cư dân Trung Quốc nói chung được thông tin kém về những gì diễn ra ở Hồng Kông, giữa hai phía không có nhiều liên đới và đặc biệt là nhiều người Hoa lục có thái độ dè bỉu dân Hồng Kông, thường bị họ coi là « những đứa trẻ được cưng chiều ».

Phong trào dân chủ Hồng Kông được dẫn dắt bởi một sức mạnh mới

Ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10 hôm nay được coi là thời điểm mang tính biểu tượng của cuộc đối đầu hiện nay tại Hồng Kông. « Đêm trước cuộc chiến vì dân chủ tại Hồng Kông » là hàng tựa của phóng sự trên Le Figaro. « Bất chấp mưa nhiệt đới và lời kêu gọi của lãnh đạo chính quyền », hàng chục nghìn thanh thiếu niên Hồng Kông đã quyết định qua đêm trên đường phố để « buộc chính quyền phải tôn trọng ». « Những gương mặt non tơ sẵn sàng cho cuộc chiến, cố giấu nỗi sợ hãi dưới những nụ cười dè dặt ». Bất chấp thái độ nhũn nhặn của phía cảnh sát và việc lực lượng chống bạo động rút đi trước những lời kêu gọi kiềm chế từ cộng đồng quốc tế, những người biểu tình luôn giữ thái độ cảnh giác, bởi « bóng ma về một Thiên An Môn mới có mặt trong đầu bất cứ ai ».

Phóng viên Le Figaro ghi nhận tinh thần kỷ luật và thái độ bình tĩnh toát ra từ cuộc biểu tình bất bạo động khổng lồ của sinh viên, với một đội ngũ giữ trật tự vừa rất lịch sự, nhưng cũng rất cảnh giác, đề phòng mọi mưu đồ của chính quyền phá hoại phong trào, cụ thể là các nhóm mafia địa phương được thuê để xâm nhập và phá hoại cuộc biểu tình, có thể châm ngòi nổ cho đụng độ với cảnh sát, tạo cớ để chính quyền dùng vũ lực.

Phóng sự trên Le Monde « Những cuộc biểu tình muôn màu của Hồng Kông thách thức Bắc Kinh và chính quyền địa phương » đưa ra một cái nhìn khác cho thấy tính chất mới mẻ trong cách thức tổ chức của phong trào « dường như được dẫn dắt bởi một sức mạnh xã hội mới », như nhận định của giáo sư Chen Yun Chung (Trần Duẫn Trung), Đại học Lingnan (Lĩnh Nam), Hồng Kông. Chuyên gia về các phong trào xã hội nói trên thú nhận trong 20 năm nghiên cứu, ông chưa bao giờ thấy có một phong trào tương tự từng diễn ra ở Hồng Kông. Phong trào này dường như « hoàn toàn độc lập », không phụ thuộc vào sự lãnh đạo của một số tổ chức truyền thống có uy tín.

Vẫn theo ghi nhận của giáo sư Trần Duẫn Trung, việc sử dụng các mạng xã hội cho phép mọi người tham gia vào các hoạt động của phong trào « một cách thông minh hơn », những người tham gia đặc biệt chú ý đến việc chống lại các thông tin bị bóp méo, cảnh sát mặc thường phục trà trộn, các nỗ lực phá hoại và chia rẽ phong trào. Về công nghệ tin học mới được sử dụng trong phong trào dân chủ Hồng Kông, báo Les Echos nhắn đến ứng dụng FireChat, do start-up Open Garden phát triển, giúp cho những người tham gia có thể dùng để liên lạc với nhau trong khoảng cách gần, mà không cần thông qua mạng internet, do đó không bị kiểm duyệt ngăn chặn. Riêng trong hai ngày cuối tuần, ứng dụng nói trên đã được tải xuống hơn 100.000 lượt.

Một số nhóm thanh niên chủ chốt như Hiệp hội sinh viên HKFS hay phong trào Scholarism… tiếp tục có các đóng góp như những chỗ dựa và người hướng đạo tinh thần, nhưng họ để công việc xây dựng các điểm phòng ngự trên đường phố cho những người tham gia tại chỗ quản lý. Le Monde nhận xét, khác xa với« thái độ thực dụng », « ít thích mạo hiểm » thường có ở người Hồng Kông trước kia, thế hệ sinh viên hiện nay đã trở nên dũng cảm hơn, họ dám đòi lãnh đạo chính quyền đặc khu từ chức và Bắc Kinh rút lại yêu cầu thay đổi quy chế bầu cử.

Hồng Kông có đủ phương tiện để đi đến cùng phong trào bất tuân dân sự ?

Bài « Hồng Kông liệu có các phương tiện cho nỗ lực bất phục tùng dân sự ? » trên Le Monde, lên mạng sáng nay, so sánh tương quan giữa Hồng Kông và Hoa lục hiện nay và 17 năm trước. Về mặt tỉ trọng của nền kinh tế, nếu như năm 1997, Hồng Kông chiếm 18% GDP của Trung Quốc, thì trong hiện tại tỉ lệ này chỉ là 3%. Tuy tỉ trọng giảm xuống rất nhiều, nhưng xét về mức độ cạnh tranh Hồng Kông (thứ 7 trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu) vẫn vượt xa Hoa lục (thứ 28) và đặc biệt là 30% trao đổi ngoại thương của Trung Quốc với bên ngoài vẫn phải hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đi qua ngả Hồng Kông.

Liệu Bắc Kinh có dám đối thoại hậu trường với phong trào dân chủ ?

Bài « Những giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Hồng Kông ? » trên La Croix đưa ra một khả năng được coi là sáng sủa nhất để dẫn đến một lối thoát cho cuộc khủng hoảng là chính quyền Hồng Kông, Bắc Kinh và các lãnh đạo chính trị của phong trào dân chủ thương thuyết trong hậu trường về « thực chất và thành phần của ủy ban bầu cử có sứ mạng chọn ra hai hoặc ba ứng viên » cho chức vụ lãnh đạo Hồng Kông. La Croix nhận xét : « với những người được coi là ít ‘‘thân Bắc Kinh’’ và đại diện nhiều hơn cho xã hội Hồng Kông, đây có thể sẽ là một phương thức hòa bình và khôn ngoan để thoát khỏi cuộc động đất dân chủ này. Nhưng liệu Bắc Kinh có sẵn sàng cho một nhân nhượng như vậy, vốn chỉ là rất nhỏ trong con mắt của người Phương Tây, nhưng lại rất nguy hiểm theo cách nhìn của họ ? ».

Mạc Ngôn : Chống tham nhũng phải giới hạn quyền lực giới chức

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, La Croix có một cuộc phỏng vấn với nhà văn Mạc Ngôn (Mo Yan), giải Nobel Văn học, được đặt tựa « Cần phải thiết lập một Nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc ». Theo Mạc Ngôn, hiện tại, « một hệ thống đa đảng là không có thể có được tại Trung Quốc », thế nhưng Trung Quốc « có khả năng có được các đối trọng quyền lực tốt hơn, với nền báo chí, truyền thông, các quyền lực được kiểm soát. Tất cả điều này phụ thuộc vào chính quyền trung ương ».

Ông Mạc Ngôn khẳng định luôn là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, và việc giải Nobel được trao cho một đảng viên cộng sản không có gì là phi lý. Nhà văn Mạc Ngôn bày tỏ hy vọng vào quyết tâm của chính quyền, với điều mà ông cho rằng mang lại bằng chứng cụ thể với việc giảm mạnh tham nhũng từ đầu năm năm đến nay. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc chỉ nhắm vào các « con hổ » là không đủ, mà vấn đề chủ yếu theo giải Nobel văn học là phải giới hạn được quyền lực của giới chức chính trị ở mọi cấp.

Tham vọng trên biển của Trung Quốc với những hệ quả khó lường

Vẫn liên quan đến Châu Á, Les Echos chú ý đến mối đe dọa Trung Quốc có bài « Khi Bắc Kinh thể hiện rõ các tham vọng biển ». Bài viết nhấn mạnh quan điểm hình thành « con đường tơ lụa trên biển » tại khu vực Ấn Độ Dương của Trung Quốc, cho tới sát vùng bờ biển miền Đông Châu Phi, và việc bành trướng quyền kiểm soát của Bắc Kinh tại Biển Đông. Les Echos nhắc lại các biến động dữ dội hồi mùa xuân năm nay, khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông, tuy nhiên, trong hiện tại bất đồng đã được giải quyết giữa hai đảng cộng sản, đến mức các lãnh đạo Hà Nội cho rằng không có xung đột nào với Bắc Kinh. Trong khi đó, dường như cuộc chiến pháp lý của Philippines chống lại tham vọng của Trung Quốc đã rơi vào quên lãng.

Báo Les Echos báo động việc Trung Quốc độc chiếm Biển Đông có thể mang lại những hậu quả ghê gớm, bởi đây là con đường chiếm đến 40% lưu thông hàng hải trên thế giới, chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc ngăn chặn quyền tự do đi lại ? Les Echos cũng ghi nhận thực tế, cho dùng Trung Quốc muốn đẩy Hoa Kỳ ra ngoài, thì hiện tại mối quan hệ giữa Washinton với nhiều nước Châu Á đang được tăng cường, và các binh sĩ Mỹ có mặt khắp nơi tại Biển Đông. Thế đối đầu như vậy sẽ cần được tiếp tục kéo dài.

Nợ công Pháp vượt mức 2.000 tỉ euro

Trở lại với nước Pháp, tình trạng nợ công vượt quá mức 2.000 tỉ euro là nội dung chính trên hầu hết các báo. Báo kinh tế Les Echos chạy hàng tựa lớn "Nợ, thâm hụt : Ngân sách thất bại toàn tập". Tờ báo đối lập Le Figaro chạy trên trang nhất : « Nước Pháp đắm tàu ». « Về mặt chính thức, nợ công của Pháp vượt quá 2.000 tỉ euro… tức tương đương với khoảng 30.000 euro/người ». Le Figaro nhận xét khoản nợ này đang bóp nghẹt từ từ nước Pháp. Trong khi đó, La Croix ghi nhận, nợ công nước Pháp tăng gấp đôi trong vòng 10 năm nay, dưới chính phủ cánh hữu, cũng như cánh tả. (Kết quả này là do) sự lựa chọn các mục tiêu mang tính ngắn hạn : không ai có thể rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm. La Croix cũng kêu gọi chính phủ thực hiện các cắt giảm cần thiết, « nhưng không làm hại đến các lĩnh vực tương lai, các lĩnh vực mang tính dài hạn và tác động đến sự năng động của đất nước ». Tờ báo Công giáo cũng khuyến cáo các công dân « nhìn nhận một cách sáng suốt và với tinh thần đoàn kết » về các nỗ lực cần có.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.