Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Giáo sĩ Hồi giáo bị sát hại, án tử hình cho 2 người Duy Ngô Nhĩ

Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin báo chí chính thức Trung Quốc hôm nay 29/9/2014, loan tin tư pháp Trung Quốc vừa tuyên án tử hình và một án chung thân trong vụ án sát hại một giáo sĩ Hồi giáo tại Kashgar, Tân Cương hồi tháng 7 vừa qua.

Giáo sĩ Hồi giáo Jume Tahir bị hạ sát vào tháng 07/2014, tại thành phố Kashgar, Tân Cương.
Giáo sĩ Hồi giáo Jume Tahir bị hạ sát vào tháng 07/2014, tại thành phố Kashgar, Tân Cương. DR
Quảng cáo

Phán quyết hôm qua (28/9) của Tòa án nhân dân thành phố Kashgar đã nâng số lượng bản án tử hình lên con số 25 được tuyên trong vòng một tháng qua liên quan đến những vụ bạo động trong khu tự trị Tân Cương, nơi có đa số dân là người Duy Ngô Nhĩ, theo Hồi giáo, nói tiếng Thổ.

Tờ Global Times nêu danh tính hai người bị kết án tử hình là Gheni Hessen và Nurmemet Abidilimit. Theo tờ báo, các bị cáo trên phải lĩnh án tử hình vì đã dùng liềm sát hại giáo sĩ Jume Tahir tại nhà thờ Hồi giáo Kashgar hôm 30/7 vừa qua. Án chung thân dành cho Atawula Tursun, bị cáo buộc cung cấp vũ khí.

Trong vụ ám sát này còn có hai can phạm đã bị cảnh sát bắn hạ tại hiện trường. Theo báo China Daily, chính bị cáo Gheni Hessen là người quyết định sát hại giáo sĩ của nhà thờ Kashgar vì cho rằng vị giáo sĩ này đã làm « giả mạo » kinh Coran.

Giáo sĩ Tahir, người được chính quyền Bắc Kinh chỉ định cai quản nhà thời Hồi giáo lớn nhất Trung Quốc tại Kashgar. Giáo sĩ Tahir vẫn thoải mái phát biểu trên truyền thông Nhà nước để lên án những hành động bạo lực cũng như tư tưởng ly khai của một số người Duy Ngô Nhĩ.

Theo báo chí Trung Quốc, do bị ảnh hưởng bởi tư tưởng tôn giáo cực đoan, Gheni Hesen có thể còn « đào tạo » các chiến hữu của mình qua các băng hình về các hoạt động khủng bố.

Người duy Ngô Nhĩ chiếm đa số với khoảng hơn chục triệu người sống trong khu tự trị Tân Cương. Những ý tưởng đòi ly khai và phản kháng chính quyền Bắc Kinh vẫn tiềm ẩn trong khu tự trị này từ nhiều năm trước. Từ một năm trở lại đây vùng đất này liên tục nổ ra các vụ bạo lực làm hàng trăm người thiệt mạng. Chính quyền Trung Quốc đã mở một chiến dịch chống khủng bố rộng lớn, trong đó đã bắt giữ hàng trăm người và tuyên hàng loạt các bản án nặng nề.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.