Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MÔI TRƯỜNG

Thải khí CO2 : Trung Quốc vượt Châu Âu

Hôm qua 21/09/2014, trước thềm hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu tại New York - sự kiện quan trọng trước hội nghị khí hậu Paris 2015 – báo cáo khoa học của Global Carbon Project được công bố cho thấy tổng lượng khí thải CO2 sẽ tiếp tục tăng trong năm 2014. Lượng khí thải bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2013 lần đầu tiên vượt Liên Hiệp Châu Âu.

Khói mù từ một nhà máy  điện ở tỉnh An Huy, Trung Quốc
Khói mù từ một nhà máy điện ở tỉnh An Huy, Trung Quốc Reuters
Quảng cáo

Báo cáo, do nhiều viện nghiên cứu có uy tín thực hiện, được công bố trên nguyệt san Nature Geoscience, cho thấy lượng khí CO2 năm nay sẽ tăng 2,5%, đạt mức 37 tỷ tấn. Năm ngoái 2013, lượng khí CO2 thải ra là 36,1 tỷ tấn, tăng 2,3% so với năm trước. 

Kể từ giờ, Trung Quốc là quốc gia phát khí thải CO2 lớn hơn cả Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu cộng lại. Trong bản đồ toàn cầu về khí thải (« Global carbon atlas ») do Global Carbon Project công bố lần đầu tiên hồi tháng 11/2013, thì ngay từ năm 2012 Trung Quốc đã vượt mặt Hoa Kỳ cộng với Châu Âu về khí thải. 

Lượng khí CO2 của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 4,5% năm nay để đạt mức 10,4 tỷ tấn, trong khi của Hoa Kỳ là 5,2 tỷ tấn (giảm -0,9%) và của Châu Âu là 3,4 tỷ tấn (giảm -1,1%). 

Dự kiến đến năm 2019, lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ đạt 43,2 tỷ tấn, trong đó 12,7 tỷ tấn là do Trung Quốc. 

Theo một chuyên gia của Centre Tyndall thuộc đại học Đông Anglia, Vương Quốc Anh, 16% khí thải của Trung Quốc là từ các xí nghiệp sản xuất vô tuyến truyền hình và đồ nội thất xuất khẩu. 

Theo báo cáo của Global Carbon Project, lượng khí thải CO2 năm 2014 vượt 65% so với năm 1990, bất chấp các cam kết cắt giảm được nhắc lại thường xuyên và sự đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo. Nếu nhân loại không có biện pháp thực sự thì mục tiêu giữ nhiệt độ chỉ tăng ở mức 2°C chắc chắn không thể đạt được. 

Theo các chuyên gia khí hậu của Liên Hiệp Quốc, phần ảnh hưởng của hoạt động của con người đến biến đổi khí hậu là 95%, phần tác động còn lại là do những thay đổi tự nhiên. Để giữ nhiệt độ Trái đất tăng lên không quá 2°C (so với thời kỳ tiền công nghiệp), lượng khí phát thải toàn cầu phải giảm 5%/năm. 

Theo một số chuyên gia, mức độ giảm như vậy có thể nói là chưa từng có. Trong quá khứ, Pháp và Thụy Điển đã từng giảm được mức khí thải 4%/năm, bằng cách chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân trong những năm 1970. Đây là ghi nhận của Glen Peters, làm việc cho Center for International Climate and Environmental Research tại Oslo (Cicero).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.