Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Alibaba, bộ mặt mới của tư bản Trung Quốc

Đăng ngày:

Huy động được 25 tỷ đô la vốn trong đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên IPO, với giá trị vốn bằng của cả Amazon và eBay gộp lại, tập đoàn thương mại trực tuyến Trung Quốc Alibaba tạo nên cơn sốt trên sàn chứng khoán New York. Cổ đông của Alibaba bỗng chốc trông thấy tài sản được nhân lên gấp bội.

Ông Mã Vân (T), người sáng lập Alibaba, đến thị trường chứng khoán New York, Mỹ, ngày 19/09/2014
Ông Mã Vân (T), người sáng lập Alibaba, đến thị trường chứng khoán New York, Mỹ, ngày 19/09/2014 REUTERS/Brendan McDermid
Quảng cáo

Đâu là những lá chủ bài để Alibaba thu hút cổ đông ? Liệu rằng Alibaba có giữ được vị trí thứ 11 của mình trong số những đại tập đoàn tham gia sàn chứng khoán NYSE ?

Alibaba với 226 tỷ đô la vốn hóa là một trong số 15 tập đoàn có trọng lượng lớn nhất của Wall Street. Xuất hiện lần đầu tiên trên thị trường chứng khoán New York hôm 19/09/2014, chỉ hai tiếng sau khi sàn giao dịch Mỹ bắt đầu hoạt động, cổ phiếu của Alibaba tăng giá hơn 36 %. Cổng mua bán trên mạng Alibaba có trụ sở tại Hàng Châu huy động được 25 tỷ đô la vốn trong đợt phát hành cổ phần lần đầu tiên ra công chúng. Như vậy Alibaba phá kỷ lục của ngân hàng AGBank cũng của Trung Quốc trong việc huy vốn khi tham gia thị trường tài chính Hoa Kỳ. Để so sánh, tháng 5/2012, khi tham gia chỉ số chứng khoán Nasdaq, mạng xã hội Facebook cũng đã tạo nên một cơn sốt, nhưng rồi chỉ thu về được có 16 tỷ đô la mà thôi.

Đâu là những lý do khiến Alibaba của sáng lập viên Mã Vân (Jack Ma) làm mê hoặc cổ đông trên thị trường New York ?

Alibaba và những hứa hẹn

Thành công vượt bực của Alibaba trên sàn chứng khoán New York đã đẩy tài sản của nhà tỷ phú Trung Quốc Mã Vân lên hơn 22 tỷ đô la, biến một ông thầy giáo Anh văn ở Hàng Châu thành người giàu có nhất nước. Hiện nay, ông Mã Vân đang kiểm soát 7,8 % vốn của Alibaba ; 4,8 % khác do các nhân viên của tập đoàn này nắm giữ. Hai chủ nhân khác của Alibaba là tập đoàn điện thoại viễn thông Softbank của Nhật và công cụ tìm kiếm Yahoo của Hoa Kỳ. Năm 2000, Softbank chi ra 20 triệu đô la để tham gia vào các hoạt động của Alibaba, kiểm soát 34 % vốn của ông vua tin học Trung Quốc này. Ngày nay, với giá trên 90 đô la/cổ phiếu, Softbank đang làm chủ đến 77 tỷ đô la nhờ làm ăn với ông trùm tin học họ Mã.

Một đối tác quan trọng khác của Alibaba chính là Yahoo : Năm 2005, công ty tin học Mỹ này mua vào 40 % vốn của Alibaba với giá 1 tỷ đô la. Cách nay hai năm, Yahoo chuyển nhượng lại một số cổ phiếu của mình, thu về trên 7 tỷ. Tuần trước, Yahoo lại bán bớt đi thêm một đợt cổ phiếu nữa của Alibaba, thu về hơn 8 tỷ đô la. Như vậy tới nay, Yahoo chỉ còn giữ trên 16 % vốn của Alibaba.

Nhận xét về thành công vượt bực của tập đoàn điện tử Trung Quốc trên thị trường tài chính Hoa Kỳ, giáo sư Vương Khánh thuộc trường Quản lý thương mại Warwick của Anh coi đây là một « cột mốc kết thúc thời kỳ mà các tập đoàn Mỹ » thống lĩnh ngành tin học của thế giới.

Doanh thu và mức lãi của Alibaba trong hơn một chục năm qua đã làm mê hoặc các nhà đầu tư : Trong quý một năm nay, Alibaba lãi gần 2 tỷ đô la, phần lớn nhờ tiền quảng cáo trên hai trang mạng bán lẻ cho tư nhân là Tmall và Taobao.com. Hiện tại, hiếm có tập đoàn nào có thể tự hào với tỷ lệ tăng trưởng hơn 30 % một năm như Alibaba.

Doanh số của tập đoàn ở Hàng Châu này trong năm 2014 dự phóng đạt 420 tỷ đô la. Để so sánh, Amazon của Mỹ năm ngoái chỉ thu vào có 74,4 tỷ đô la mà thôi. Trong lúc Amazon tuyển dụng 132.000 nhân viên, thì ông chủ của Alibaba chỉ phải trả lương cho 22.000 người. Xét về số người truy cập, Alibaba là một trong 10 địa chỉ có số lượng khách ra vào cao nhất trên thế giới.

Bí quyết thành công của người tự nhận mình là « con cá xấu của dòng sông Dương Tử » nằm ở chỗ ông đã tạo ra một công cụ tin học hay nói đúng hơn là một cái chợ ảo để cho tất cả mọi người cùng tham gia dù có ở cách xa nhau cách mấy.

Mã Vân và trang mạng Alibaba của ông đã thay đổi « toàn diện các hoạt động mua bán ở Trung Quốc », qua đó là đời sống của hàng triệu tiểu thương và 600 triệu người sử dụng internet Trung Quốc.

Alibaba thống lĩnh 70 % các dịch vụ mua bán trên mạng tại Trung Quốc. Trong lúc Rakuten của Nhật Bản chỉ kiểm soát 35 % thị phần trên xứ hoa anh đào và chỉ có 15 % các khoản mua bán trên internet ở Mỹ được thực hiện qua trung gian của ông khổng lồ Amazon.

Đương nhiên khi lao vào thị trường mua bán ảo, Ailibaba đã liên kết với các đối tác nặng ký trong lĩnh vực tin học đứng đầu là Yahoo của Hoa K.

Giới hạn của mô hinh Alibaba

Không thể phủ nhận Alibaba đang nắm trong tay nhiều lợi thế khi gia nhập thị trường tài chính New York. Nhưng bên cạnh đó, hào quang của tập đoàn này chỉ chiếu sáng trên thị trường nội địa. 95 % doanh thu được thực hiện trong nước. Bước ra ngoài biên giới Trung Quốc, cho tới tuần trước, Alibaba chưa từng được người tiêu dùng ở Mỹ nhắc đến tên. Với hơn 22.000 nhân viên, phục vụ hơn 500 triệu khách hàng qua cổng giao dịch Taobao, chuyển 16 triệu kiện hàng mỗi ngày đến tay khách hàng, kiểm soát 70 % các khoản mua bán trên mạng ở Trung Quốc, nhưng trên trường quốc tế, ở Mỹ và Châu Âu, không mấy ai biết tới các dịch vụ của Alibaba.

Một chuyên gia về thương mại trên mạng của Mỹ nhận xét : Alibaba thành công chói lọi ở Trung Quốc nhờ được chính quyền trung ương giúp đỡ bằng cách gạt hết tất cả các đối thủ của ông trùm họ Mã ra ngoài. Nói cách khác, thế thượng phong có được chỉ nhờ Alibaba được một mình một chợ mà thôi. Liệu rằng tập đoàn này có đủ sức cạnh tranh với những ông khổng lồ trong ngành phân phối trên mạng khác hay không khi phải trực diện với luật chơi của thị trường ?

Một câu hỏi khác đặt ra trong trường hợp của Alibaba là liệu rằng tập đoàn môi giới thương mại trên mạng này sẽ duy tì được tỷ lệ tăng trưởng ở hai con số được trong bao lâu. Bởi vì ngay trên thị trường Trung Quốc, Alibaba cũng bắt đầu bị cạnh tranh chủ yếu là do JD.com. Sau cùng, một số nhà phân tích nghi ngờ về tính xác thực của những thành tích quá sáng chói mà Alibaba đưa ra. Bởi vì các giới chức tài chính ở Bắc Kinh không đòi hỏi nhiều ở các tập đoàn và ít khi bị thanh tra về kế toán.

Trong quá khứ, một vài công ty Trung Quốc đã phải trả lời về mặt kế toán với các giới chức của Hoa Kỳ, nhưng sau đó đã bị tố cáo là gian lận sổ sách. Đành rằng chính một số các tập đoàn Mỹ cũng đã từng bị tai tiếng khai man, lường gạt khách hàng và các nhà đầu tư, nhưng những thành tích quá chói lọi, những số tiền lãi tính bằng bạc tỷ đô la dễ làm các nhà đầu tư chóng mặt. Phải chăng đó là một dấu hiệu để cổ đông nên tính lại trước khi mua cổ phiếu của Alibaba ?

Mã Vân, « con sói » của Wall Street

Có một điều chắc chắn, đó là sáng lập viên Alibaba, ông vua tin học Mã Vân (Jack Ma), đi từ kỷ lục này tới kỷ lục khác và trở thành người giàu nhất ở Đại lục.

Khởi đầu sự nghiệp với đồng lương tháng là 15 đô la, ít ai dám nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Nhưng đó là điều đã xảy tới với ông Mã Vân, chủ nhân tập đoàn kinh doanh trên mạng Alibaba. Với giá cổ mỗi cổ phiếu trên 90 đô la, tài sản của ông Mã lên tới 22 tỷ rưỡi đô la. 

Thường xuyên được xem như một Steve Jobs hay một Bill Gates của Trung Quốc, nhà tỷ phú Mã Vân từng được báo Time của Mỹ bình chọn là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Sinh ra và lớn lên ở Hàng Châu, bên cạnh nghề thầy giáo, sáng lập viên tương lai của Alibaba từng làm khá nhiều nghề để kiếm sống : Nào là hướng dẫn viên du lịch, rồi thông dịch viên.

Năm 1994, họ Mã mở văn phòng dịch thuật. Một lần tháp tùng phái đoàn Nhà nước sang Seattle để đàm phán về một dự án xây dựng đường xa lộ, ông giáo dậy tiếng Anh khám phá ra những điều kỳ diệu internet. Ông trở về Hàng Châu với một nỗi ám ảnh : Trung Quốc không thể lỡ hẹn với cuộc cách mạng tin học này.

Mã Vân cùng với các cộng tác viên trung thành nhất của mình lập ra dịch vụ danh bạ trên mạng, nhưng không thành công. Mãi đến năm 1999 sau khi đã công tác trong một thời gian dài ở Bắc Kinh, ông vua tin học Trung Quốc này lại quay về quê quán. Lần này, họ Mã quyết định thiết kế một công cụ tin học, như một nhịp cầu nối liền các doanh nghiệp với các nhà phân phối. Công cụ tin học đó là « cổng vào » mang tên Alibaba. Vốn đầu tư ban đầu là 60 ngàn đô la.

Mã Vân đã mở ra một cuộc cách mạng trong các hoạt động mua bán ở Trung Quốc và lập tức Alibaba được chiếu cố. Năm 2002, tức chỉ ba năm sau ngày được thành lập, Alibaba lãi 1 triệu đô la. Ông chủ của tập đoàn này thực ra đã gặp may : Đầu những năm 2000 là thời điểm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO), tỷ lệ tăng trưởng của nước đông dân nhất địa cầu liên tục được duy trì ở mức trên 10 %/ năm.

Thành công đầu tiên này cho phép Mã Vân và 17 cộng tác viên tiến thêm một bước nữa khi tạo hẳn một dịch vụ riêng để phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc. Năm 2003 Alibaba mở thêm một dịch vụ mới với cổng vào Taobao.com, cạnh tranh cùng lúc với công ty cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến eBay và hãng bán lẻ Amazon của Mỹ. Gần như cùng lúc, ông Mã Vân lập luôn hệ thống thanh toán trực tuyến Alipay vào năm 2004 để bảo đảm các dịch vụ thanh toán trên mạng. 

Một lần nữa thần tài lại đến gõ cửa nhà họ Mã. Năm 2005 Taobao.com chiếm lĩnh 70 % thị trường bán lẻ trên mạng tại Trung Quốc. Yahoo đã chi ra đến 1 tỷ đô la để làm chủ 40 % vốn của Alibaba. Chỉ ba năm sau ngày Taobao ra đời, eBay đã rút lui khỏi Trung Quốc. Dù đã đầu tư hàng triệu đô la, liên kết với đối thủ của Alibaba với tham vọng biến Trung Quốc thành thị trường ảo số 1 của mình, nhưng cuối cùng, eBay phải đầu hàng. Mã Vân, một ông thầy giáo gầy còm và đã hai lần thi rớt đại học đánh bật được eBay ra khỏi Đại lục. Đương nhiên, Alibaba đã hạ gục được đối thủ Mỹ một phần cũng nhờ có bàn tay của Bắc Kinh ở phía sau.

Bóng dáng của đảng Cộng sản Trung Quốc

Vài ngày trước khi Ailibaba chính thức được niêm yết trên thị trường tài chính Wall Street, báo New York Times tiết lộ những mối quan hệ khá chặt chẽ giữa ông hoàng tin học Trung Quốc với nhiều nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Alibaba được 4 quỹ đầu tư của Nhà nước Trung Quốc phò trợ. Cả bốn đều ít nhiều do các « Hoàng tử đỏ » điều khiển. Một trong bốn quỹ đó do chính con trai cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lập ra. Một nhà bình luận Pháp kết luận : Alibaba tuy là một tập đoàn tư nhân, nhưng vẫn phải gắn bó hữu cơ với đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.