Vào nội dung chính

Thanh niên Tây Tạng tự thiêu, vụ đầu tiên kể từ 5 tháng nay

Hôm nay 22/09/2014, hãng thông tấn AFP dẫn nguồn tin của Free Tibet, một tổ chức tranh đấu của người Tây Tạng, theo đó, lần đầu tiên kể từ 5 tháng nay, lại có thêm một người Tây Tạng tự thiêu để phản đối chính quyền Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn xem lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma Lama là một phần tử ly khai "nguy hiểm".
Trung Quốc vẫn xem lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma Lama là một phần tử ly khai "nguy hiểm". (DR)
Quảng cáo

Hôm thứ Tư 17/09, người thanh niên 22 tuổi, tên Lhamo Tashi, đã tự thiêu ngay giữa ban ngày trước cửa đồn công an của một thị trấn thuộc tỉnh Cam Túc (miền Tây Bắc Trung Quốc). Thị trấn Hezuo (tiếng Tây Tạng gọi là Tsoe) là nơi mà anh Lhamo Tashi đã từng học tập. Thông tin nói trên cũng được Đài phát thanh Hoa Kỳ Châu Á Tự do (RFA) đưa lại.

Một người Tây Tạng từ thị trấn nói trên cho RFA biết : « Người thanh niên này đã làm như vậy vì tự do cho Tây Tạng ». Theo các nguồn tin nói trên, thi hài người tự thiêu đã được công an hỏa thiêu, và tro phần đã được trao lại cho gia đình vào ngày hôm sau.

Làn sóng tự thiêu của người Tây Tạng tại Trung Quốc, bao gồm các tăng ni và người thường, bắt đầu từ năm 2009. Theo một con số thống kê, tổng cộng có khoảng 130 người đã tự thiêu. Trường hợp tự thiêu gần đây nhất, vào ngày 15/04/2014, là của một người Tây Tạng 32 tuổi, tên Thinley Namgal, xảy ra tại vùng tự trị Tây Tạng Kardze thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Hành động mà nhiều người cho là tuyệt vọng nói trên thường được coi như sự biểu thị thái độ phản kháng chống lại sự thống trị của chế độ cộng sản Trung Quốc đối với nền văn hóa và xứ sở Tây Tạng. 

Về việc tự thiêu, Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tâm linh của người Tây Tạng, hiện sống lưu vong từ năm 1959, có một thái độ thận trọng. Hành động này, theo ông, đi ngược lại quan điểm bất bạo động của đạo Phật, nếu như nó xuất phát từ động cơ thù hận; ngược lại đáng trân trọng, nếu do lòng từ bi thúc đẩy.

Kể từ các bạo động phản đối Trung Quốc tại Lhassa, thủ phủ Tây Tạng, năm 2008, khu tự trị Tây Tạng bị đóng cửa với báo giới nước ngoài. Việc ra vào Tây Tạng bị kiểm soát rất chặt, kể cả với các du khách.

Đạt Lai Lạt Ma : Ông Tập Cận Bình « có tinh thần rộng mở hơn » người tiền nhiệm

Hôm thứ Năm 18/09, tức ngay hôm sau vụ tự thiêu tại Cam Túc và trong thời gian diễn ra chuyến công du của lãnh đạo Trung Quốc tại Ấn Độ, nói chuyện với báo giới tại Bombay, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét Chủ tịch đương nhiệm của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, có « tinh thần rộng mở hơn » người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và « có một quan điểm thực tế hơn ». Như vậy, vẫn theo lãnh tụ tâm linh Tây Tạng, người đứng đầu Trung Quốc « có thể học hỏi nhiều hơn từ Ấn Độ ».

Cho đến nay, giới cầm quyền Trung Quốc vẫn coi Đạt Lai Lạt Ma, 79 tuổi, là một phần tử ky khai nguy hiểm. Bắc Kinh thường xuyên gây sức ép với tất cả các nước để không cho phép lãnh tụ Tây Tạng nhập cảnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.