Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Asiad 17: Đại hội thể thao nhuốm màu chính trị

Đăng ngày:

Đại hội thể thao Châu Á Asiad lần thứ 17 đã chính thức khai mạc hôm 19/9 tại thành phố Incheon nằm bên bờ Hoàng Hải - Hàn Quốc. Sự kiện thể thao lớn nhất châu lục chỉ đứng sau Thế vận hội Olympic lần này mở ra trong bối cảnh các cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực đang nổi cộm khiến cho màu sắc chính trị bên lề các cuộc so tài có thể cảm nhận thấy ngay trong không khí lễ hội thể thao.

Sân vận động Incheon, Hàn Quốc rực rỡ trong đêm khai mạc Á Vận hội Asiad 17 năm 2014.
Sân vận động Incheon, Hàn Quốc rực rỡ trong đêm khai mạc Á Vận hội Asiad 17 năm 2014. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Quảng cáo

Từ ngày 19/9 đến ngày 4/10, gần 10.000 vận động viên đại diện cho 45 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu lục sẽ cùng nhau thi tài ở 36 môn thể thao, trong đó có 28 môn Olympic và 8 môn ngoài hệ thống mang đặc thù của Châu Á. Đây là lần thứ 2, Hàn Quốc tổ chức Đại hội thể thao châu lục, lần đầu là kỳ Asiad 10 vào năm 1986, khi đó Bắc Triều Tiên tẩy chay.

Vẫn trong hoàn cảnh bán đảo Triều Tiên chia cắt thành hai miền nam bắc, không khí lễ hội thể thao của Asiad 17 ngay từ những ngày chuẩn bị khai mạc đã nhuốm màu chính trị bởi những bất đồng về biểu tượng và hình ảnh. Seoul cấm các công dân Hàn Quốc mang cờ Bắc Triều Tiên vào sân vận động và ban tổ chức còn khuyên các cổ động viên đến sân thi đấu không nên cầm cờ Bắc Triều Tiên vì lo ngại xảy ra xô xát. Thậm chí còn xuất hiện một số cuộc biểu tình nhỏ của người dân Hàn Quốc phản đối khi thấy cờ của miền bắc được kéo lên bên ngoài một số nơi thi đấu.

Thế nhưng lệnh cấm trên không ngăn cản lễ thượng cờ của đoàn Bắc Triều Tiên diễn ra. Trước ngày khai mạc Asiad 17, đoàn Bắc Triều Tiên tiến hành tại làng vận động viên ở Incheon lễ thượng cờ khá ồn ào trong tiếng quốc ca phát ra hừng hực khí thế từ lồng ngực của hàng trăm thành viên đoàn Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên kể từ khi hai miền Triều Tiên bị chia cắt năm 1953, quốc ca của miền Bắc đã vang lên giữa miền Nam, với Bắc Triều Tiên thì đây là một sự kiện biểu tượng mang nhiều ý nghĩa.

Để có được cảnh tượng như vậy, Bình Nhưỡng và Seoul đã phải mất nhiều tháng trời thương thuyết, tranh cãi với nhau trên đủ mọi vấn đề từ chuyện kích cỡ của quốc kỳ Bắc Triều Tiên cho đến việc Seoul từ chối chi phí ăn ở cho những người anh em miền bắc trong những ngày diễn ra Đại hội.

Cuối cùng thì lãnh tụ miền Bắc Cộng sản, Kim Jong Un, một người được biết đến là rất mê thể thao, đã quyết định cử một đoàn gồm 273 vận động viên cùng các cán bộ quản lý, huấn luyện viên đến dự Incheon 2014. Bình Nhưỡng còn đòi mang theo cả một đoàn các thiếu nữ hoạt náo viên xinh đẹp để cổ vũ cho đội nhà, tuy nhiên đề nghị này đã bị Seoul bác bỏ. Như vậy là khi các vận động viên thi đấu, chỉ có các thành viên trong đoàn được phép mang cờ Bắc Triều Tiên cổ vũ cho đội nhà.

Tất cả các công dân Hàn Quốc bị cấm mang cờ Bắc Triều Tiên bên ngoài cũng như bên trong nơi thi đấu. Điều này đúng theo luật định ở Hàn Quốc nhưng lại trái với quy định của Ủy ban Olympic Châu Á. Tuy nhiên chỉ có lá « cờ thống nhất » là không bị cấm. Biểu tượng này được ra đời khi hai nước quyết định hợp nhất thành một đoàn vận động viên tại giải Vô địch thế giới môn bóng bàn năm 1991 tại Chiba Nhật Bản, nhưng khi đó quan hệ hai miền tốt hơn bây giờ rất nhiều.

Incheon lo gánh nợ sau Asiad 17

Trong những ngày tới các cuộc so tài giữa các vận động viên có thể sẽ diễn ra gây cấn quyết liệt nhưng theo các phóng viên có mặt tại Incheon, thành phố đón tiếp Asiad 17, người dân không mấy hào hứng với sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này vì lo ngại gánh nặng nợ nần để tổ chức Asiad 17 sẽ đổ lên đầu họ trong những năm tới.

Thị trưởng Incheon, thành phố lớn thứ ba Hàn Quốc, ngay trong ngày khai mạc đã phải thừa nhận thành phố đang gặp nhiều khó khăn về tài chính do chi phí chuẩn bị cho Á vận hội quá lớn. Hàn Quốc đã bỏ ra gần 3 tỷ đô la để đón tiếp kỳ Á vận hội lần này.

Trong khi đó, viễn cảnh các sân vận động trống khán giả đã có thể cảm nhận được ngay từ trước ngày khai mạc Asiad 17. Phóng viên của AFP ghi nhận, ở môn bóng đá, trong trận giữa đội Jordani gặp Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UEA) ở vòng bảng hôm 18/9, trên sân vận động Goyang chỉ có chưa đầy 100 khán giả đến xem. Một ngày trước khi lễ khai mạc Asiad diễn ra Ban tổ chức vẫn còn hàng nghìn vé để bán cho khán giả. Còn phiên bế mạc vào ngày 4/10 thì vẫn còn dư hàng chục nghìn vé.

Ban tổ chức của Asiad Incheon dự tính có thể sẽ chỉ bán được 18% lượng vé vào sân xem thi đấu từ nay đến ngày bế mạc mùng 4/10. Về mặt tài chính ước tính các nhà tổ chức chỉ thu được 20% so với dự kiến.

Ông thị trưởng Incheon, Yoo Jeong-Bok thừa nhận là thành phố đang gặp nhiều khó khăn về tài chính vì tổ chức Á vận hội nhưng cũng hy vọng sự kiện sẽ là dịp quảng bá hình ảnh của địa phương thu hút đầu tư nước ngoài vào thành phố trong tương lai nhưng hiện tại thì Incheon đang là thành phố mắc nợ lớn nhất Hàn Quốc.

Để đón tiếp sự kiện thể thao lớn này, ngoài 17 địa điểm thi đấu xây mới, thành phố đã xây dựng mới hai tòa cao ốc, một tuyến tàu điện ngầm. Nhưng con số 200 nghìn du khách tới thành phố nhân dịp này như các nhà tổ chức dự tính là không bảo đảm trong khi người dân thành phố thì lại không quan tâm gì đến sự kiện thể thao.

Hội đồng Olympic Châu Á hôm 19/9 đã quyết định chọn Indonesia là nước tổ chức Á vận hội 18, vào năm 2018 để thay cho Việt Nam rút quyền đăng cai hồi tháng 4 vừa qua vì khó khăn kinh tế. Cũng vì lý do kinh tế mà không có nước nào ngoài Indonesia xin đăng cai Asiad.

Thể thao Việt Nam có huy chương vàng đầu tiên

Thể thao Việt Nam gửi đến Asiad 17, 199 vận động viên tham gia thi đấu 21 trên tổng số 36 môn của đại hội. Trong số đó các môn được đoàn thể thao Việt Nam tập trung đầu tư với hy vọng có thể lấy được huy chương gồm bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ , các môn võ ( Taekwondo, Karatedo, wushu, boxing, vật ).

Bên cạnh đó là một số mông thể thao mà gần đây các vận động viên Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận được với trình độ của châu lục như cầu mây, đấu kiếm, bắn cung, xe đạp. Để chuẩn bị cho kỳ Asiad tại Incheon, thể thao Việt Nam đã đưa các vận động viên của mình đi tập huấn ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Đoàn Việt Nam đặt chỉ tiêu giành từ 2 đến 3 huy chương vàng và duy trì vị trí trong tốp 20 đến 25 của xếp hạng toàn đoàn. Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà chuyên môn tại Việt Nam thì các vận động viên Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều thách thức để có thể đạt được chỉ tiêu đề ra. Bởi vì trình độ của thể thao Việt Nam vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với châu lục, nơi có rất đông các vận động viên của nhiều nước hiện là các nhà vô địch thế giới, vô địch Olympic, vô địch châu lục.

Hôm nay, ngày thi đấu thứ 2 chính thức của Asiad 17, Việt Nam đã có huy chương vàng đầu tiên ở môn Wushu. Thi đấu xuất sắc hai nội dung kiếm thuật và thương thuật, nữ võ sĩ wushu Dương Thúy Vi đem về tấm huy chương vàng đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại Á vận hội 2014.

Cũng trong ngày thi đấu hôm nay nam võ sĩ Nguyễn Mạnh Quyền cũng hoàn thành khá tốt nội dung côn thuật và đao thuật. Với tổng điểm 19,33, á quân thế giới năm 2011 đạt huy chương đồng ở nội dung trên.

Tuy nhiên, ở nội dung 10m súng ngắn bắn hơi nam, đội bắn súng Việt Nam thi đấu không thành công. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không giữ được phong độ từng giúp anh vô địch châu Á 2012 và sớm bị loại sau bốn lượt bắn ở phần thi chung kết. Ở nội dung 10m súng ngắn nam đồng đội, đội chỉ xếp thứ năm chung cuộc.

Sáng nay bơi lội Việt Nam tham dự nội dung 200 m tự do nam và 100 m ngửa nam. Kình ngư Hoàng Quý Phước đã giành quyền vào chung kết ở các nội dung. Đến thời điểm này, về thành tích huy chương đoàn thể thao Việt Nam đã đoạt một Vàng, hai Bạc, ba Đồng và tạm thời vươn lên vị trí thứ sáu trên bảng tổng sắp ASIAD 17.

Bóng đá : Trận thắng đậm Iran Olympic Việt Nam và dấu ấn thầy Nhật

Đội tuyển Olympic Việt Nam ngay trận ra quân đã hạ đo ván bằng tỷ số 4-1 đội tuyển Iran, đại diện của nền bóng đá từng 4 lần có mặt ở World Cup và là ứng cử viên hàng đầu của chức vô địch Asiad 17. Thắng lợi đầu tiên dưới thời huấn luyện viên người Nhật Miura đã giúp đội tuyển Olympic Việt Nam đi tiếp vào vòng trong. Không những thế chiến thắng này còn để lại cho người hâm mộ và các nhà chuyên môn hy vọng đội tuyển Olympic Việt Nam có thể đi xa hơn nữa trong đấu trường châu lục.

Tạp chí thể thao đã có cuộc trao đổi với chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.