Vào nội dung chính

Philippines : Một sự hồi phục thần kỳ

Nhân chuyến công du của Tổng thống Philippines, Benigno Aquino tại Paris, phụ trang kinh tế báo Le Monde hôm nay 20/09/2014, dành bài viết dài phân tích nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á vốn hứng chịu nhiều thiên tai qua bài viết : « Một sự hồi phục lạ thường của người Philippines ».

Philippines là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Nam Á.
Philippines là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Nam Á. REUTERS/Romeo Ranoco
Quảng cáo

Theo Le Monde, vào năm 2013, mặc dù bị cơn bão khủng khiếp tàn phá vào tháng 11 và cướp đi sinh mạng 10 000 người, 4,1 triệu người phải di tản nhưng tăng trưởng của quốc gia này vẫn đạt mức 7,25%. Dự kiến, con số này sẽ đạt 6,5% vào năm 2014 và năm 2015. Lần đầu tiên, nghèo đói đã bị đẩy lùi trong vòng 10 năm qua. Để đạt được thành quả trên không phải là chuyện tầm thường đối với Philippines, một trong những quốc gia gánh chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, theo chỉ số rủi ro thế giới (Worl Risk Index).

Tổng thống Aquino khi ra tranh cử, ông đã giương cao khẩu hiệu : « Không có tham nhũng, đẩy lùi nghèo đói ». Ông Aquino đang lãnh đạo một trong những đất nước năng động nhất Đông-Nam Á đến nỗi vào năm 2013, cơ quan bảo hiểm-tín dụng Coface (Pháp) thẩm định Philippines có thể là một trong những ứng cử viên sắp tới gia nhập các quốc gia mới trỗi dậy BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).

Tuy nhiên, cái nghèo vẫn đeo bám ¼ dân số Philippines (100 triệu dân), trong một đất nước có độ tuổi trung bình là 23 tuổi. Năm 2010-2011, ông đã có chính sách hỗ trợ tiền mặt cho hơn 1 triệu hộ nghèo để họ tiêm phòng và cho con cái đi học. Tổng thống Aquino cho biết : « 10 triệu cư dân Philippines đã buộc phải thoát ly đi nơi khác để kiếm sống nhưng giờ đây, một số đã bắt đầu hồi hương ».

Nguồn tài chính của kiều dân gửi về nước đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chiếm 9,5% GDP. Do đó, Coface nhận thấy nguyên nhân vì sao nền kinh tế Philippines ít bị ảnh hưởng hơn các nước mới trỗi dậy khác khi kinh tế các quốc gia đầu tàu và Trung Quốc có dấu hiệu hụt hơi. Tài chính công và ngoại thương vẫn ổn định. Lượng tiền mặt dự trữ đạt 75 tỷ đô la vào tháng 10/2013. Những yếu tố trên giúp cho Philippines chống chọi được với những bất ổn về tài chính.

Trong bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới về tính cạnh tranh, Philippines đã nhảy từ bậc 85 lên 32 chỉ trong vòng 3 năm. Quốc gia này có những thế mạnh vững chắc như Philippines đang tranh vị trí quán quân về tổng đài trên thế giới với Ấn Độ, xếp thứ ba về tiềm năng địa nhiệt, xếp thứ năm về khoáng sản hầm mỏ. Lĩnh vực điện tử chiếm hơn 40% hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, hơn 100 công ty Pháp cũng đến đây làm việc, trong đó có Teleperformance, Coface, Schneider, Essilor. Chuyến công du lần này của Tổng thống Aquino tại Pháp là dịp để hai bên kí kết nhiều thỏa thuận trong ngành hàng không, hợp tác văn hóa, hành chính, trong lĩnh vực viễn thông và giao thông.

Tổng thống Aquino đến Paris để tìm kiếm các chuyên môn trong lĩnh vực giao thông công cộng, quản lý nguồn nước và du lịch. Philippines mơ ước đón 10 triệu du khách vào năm 2016, tại 7107 hòn đảo, tức là gấp đôi so với hiện nay. Philippines cần phải đổi mới cơ sở hạ tầng. Do đó, viễn cảnh này mở ra cơ hội làm ăn cho các công ty Pháp. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn còn e ngại do nạn tham nhũng vẫn còn khá phổ biến tại đất nước này. Đầu tư nước ngoài vẫn còn thấp.

Le Monde còn nhìn thấy, chuyến công du lần này của Tổng thống Aquino không chỉ có động cơ kinh tế mà còn nhằm tìm kiếm đồng minh trên hồ sơ tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông với Trung Quốc. Ông Aquino hiểu rằng, chẳng quốc gia nào muốn chọc giận Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông lặp lại, 40% giao thông hàng hải đi qua biển Đông, như một cách để nhắc nhở thế giới rằng, vấn đề này liên quan đến mọi người chứ không riêng gì Philippines.

Vương quốc Anh vẫn thống nhất

Trở lại với thời sự tại Châu Âu, nổi bật là cuộc trưng cầu dân ý tại Scoland nhằm quyết định số phận của xứ sở này : độc lập hay vẫn thuộc Vương quốc Anh. Câu trả lời là cuộc hôn nhân giữa Vương quốc Anh và Scoland đã được cứu vãn.

Le Monde nêu bật hai thái độ trái chiều. Tại thủ phủ Edimbourg, dân chúng hân hoan trước kết quả bỏ phiếu (55,3%) muốn ở lại dưới màu cờ Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, nhóm chủ trương đòi độc lập rầu rĩ tại Glasgow, thành phố kinh tế của Scoland, lãnh địa của lá phiếu « yes ». Các thành viên của phong trào đòi độc lập lên án những cử tri bỏ phiếu « no » là do họ sợ bị mất việc làm và trợ cấp xã hội.

Nhật báo Libération cũng bình luận sự kiện này như sau : mặc dù phe đòi độc lập thất bại nhưng từ nay, Thủ tướng David Cameron phải giữ những lời hứa đã đưa ra trong lúc hoảng loạn, chỉ vài ngày trước cuộc trưng cầu dân ý. Ông đã từng hứa tăng thêm quyền lực cho Nghị viện Scoland, đặc biệt trong lĩnh vực thuế khóa và an sinh xã hội.

Tuy trong thế thắng lợi nhưng Thủ tướng Anh Cameron lại đang trong một tình trạng vô cùng khó xử. Ông bị chính các dân biểu của mình trách móc vì đã vội vã đưa ra các hứa hẹn với Scoland và còn hứa xem lại các đặc quyền dành cho xứ Wales, Bắc Ailen... và Anh. Những công dân bỏ phiếu « yes » hay « no » đều cảm thấy, giờ đây, mọi công dân phải đoàn kết, phối hợp với nhau vì họ có cùng chung nguyện vọng là trở lại cuộc sống yên ả sau 2 năm tranh luận gay gắt về quy chế cho Scoland.

Giờ đây, câu trả lời đã rõ qua một quy trình bỏ phiếu dân chủ nên chẳng có lý do gì để chia rẽ nội bộ, Scoland là một đất nước quá nhỏ. Tại các sạp báo, báo chí tập trung nói về tinh thần hòa giải dân tộc.

Liên Hiệp Quốc xem Ebola là « mối đe dọa cho hòa bình »

Liên quan đến dịch bệnh Ebola đang làm đau đầu giới chức quốc tế, nhật báo Le Monde đề cập đến chủ đề này qua bài viết : « Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc xem dịch bệnh Ebola là mối đe dọa cho hòa bình ». Theo tờ báo, Nghị quyết 2177 được nhất trí thông qua vào hôm thứ 5 « kêu gọi các quốc gia tham gia hỗ trợ khẩn cấp » các nước nhiễm dịch.

Liên Hiệp Quốc đã quyết định chi một tỷ đô la cho công tác trợ giúp khẩn cấp trong 6 tháng sắp tới. Nhiều quốc gia hứa hẹn viện trợ tài chính cho công tác trị bệnh. Pháp hứa ủng hộ hơn 60 triệu euro. Anh cũng góp 60 triệu đô la và tăng 700 giường bệnh cho các quốc gia nhiễm dịch. Trung Quốc cho biết dự trù chi 2 triệu đô la cho tổ chức Y tế thế giới và Liên hiệp Châu Phi. Nga hứa hẹn giúp 5,5 triệu đô la. Bà Margaret Chan, chủ tịch WHO nhấn mạnh, bệnh Ebola không chỉ còn là đại dịch thông thường mà là một cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và đang trở thành một thảm họa nhân đạo.

Ebola : 8 người bị giết chết

Chỉ vì tin đồn mà một phái đoàn bao gồm nhà báo cùng các nhân viên y tế bị thảm sát tại Guinée hôm thứ 3. Đó là nội dung bài viết trên nhật báo Libération. Theo tờ báo, dân làng Womey, phía Nam Guinée sát hại phái đoàn trên vì họ cáo buộc những người này phát tán dịch bệnh. Dân chúng tại đây tin rằng « virus Ebola du nhập từ dân da trắng ».

Mariam Mason Sesay, một người Anh sống lâu năm tại Sierra Leone nhận định : « Nhiều người vẫn cứ tin bệnh Ebola là một trò phù thủy. Nhiều nhân viên y tế bị các gia đình bệnh nhân tấn công. Họ muốn giấu giếm bệnh nhân hơn là trình báo với giới chức trách do họ không tin vào căn bệnh này ». Đây chính là thành phần dễ bị dịch bệnh quật ngã nhất do họ chỉ tin vào những lời đồn thổi.

Cư dân người Anh nói trên nhận định : « Tại đây, người dân càng ít học lại càng ít tin tưởng vào giới học thức. Thái độ ngờ vực của dân chúng không chỉ mới xuất hiện từ khi bệnh Ebola hoành hành mà từ thái độ thờ ơ của chính quyền sở tại trước số phận của những người dân nghèo. Hơn nữa, dịch bệnh hiện chỉ lan tràn tại vùng hẻo lánh cho nên chính quyền không phản ứng. Phải đợi đến lúc dịch Ebola lan đến thủ đô Freetown thì tổng thống mới ban hành các biện pháp phòng tránh ». Libération kết luận, Ebola tiếp tục gieo rắc chết chóc và ảo tưởng.

Cựu Tổng thống Sarkozy trở lại chính trường

Nhật báo Pháp hôm nay bình luận sôi nổi về sự trở lại chính trường của cựu Tổng thống Sarkozy. Xã luận Libération thừa nhận « không thể phủ nhận tài năng chính trị của một Sarkozy mới ». Sự năng nổ và tài năng diễn thuyết của ông thậm chí có thể che đậy được những bê bối pháp lý mà ông Sarkozy đang bị dính líu. Nhật báo thiên tả còn cho rằng, hành động tái xuất chính trường của ông đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nhân sự kiện này, các tờ báo có cơ hội bình luận về các kết quả thăm dò. Theo một cuộc thăm dò dư luận do i-Télé và nhật báo Le Parisien-Aujourd’hui en France tiến hành, 55% dân Pháp cho rằng, việc « tái xuất» của ông Sarkozy là một « điều tệ hại » cho chính trường Pháp, trong khi 44% xem đó là một « điều tốt lành ». 2/3 người được hỏi nhận định ông Sarkozy « không thay đổi gì », trong khi số còn lại có ý kiến trái ngược.

Bên cạnh đó, nhật báo thiên hữu Le Figaro đăng thăm dò của Viện OpinionWay về « những gì cử tri cánh hữu trông đợi ở ông Sarkozy ». Kết quả là, 49% trong số được hỏi muốn ông Sarkozy vẫn giữ nguyên phương hướng hành động chính trị như cách đây 2 năm. 31% mong muốn cựu nguyên thủ quốc gia Pháp thi hành chính sách thiên hữu nhiều hơn. 20% hy vọng ông ít nghiêng về cánh hữu hơn. Phần đông cử tri cánh hữu, từ 80-90% trông đợi cựu tổng thống sẽ siết chặt các điều kiện nhập quốc tịch Pháp, đơn giản hóa Bộ luật lao động và giảm số lượng nghị sĩ.

Ngày di sản Châu Âu lần thứ 31

Nhật báo Le Figaro không quên nhắc đọc giả nhớ ngày di sản Châu Âu lần thứ 31 diễn ra vào cuối tuần này. Đây là dịp để đánh giá tình yêu của người Pháp dành cho lịch sử của họ. Nhiều công trình kiến trúc như lâu đài, nhà thờ, bảo tàng, ga tàu điện ngầm được mở cửa tự do cho công chúng thăm quan. Nhật báo Le Monde cũng báo động, tại Pháp, hàng trăm bệnh viện bị bán cho các nhà môi giới địa ốc để chuyển đổi các cơ sở này thành những căn hộ cao cấp, các khách sạn 5 sao. Nguyên nhân là vì nhà nước không còn ngân sách để trùng tu và bảo trì các di tích này. Nhân ngày di sản, Le Monde đặt câu hỏi : làm thế nào tìm được đồng thuận giữa việc chuyển đổi hoàn toàn các cơ sở này với việc gìn giữ nét đẹp di sản ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.