Vào nội dung chính

Vì sao Bắc Kinh gây sự cố biên giới khi Tập Cận Bình công du Ấn Độ ?

Về thời sự Châu Á, chuyến công du của lãnh đạo Trung Quốc tới Ấn Độ được báo chí Pháp rất chú ý. Nhật báo Le Monde có bài phân tích do thông tin viên khu vực gửi về từ New Delhi mang tựa đề « Bắc Kinh muốn ngăn cản New Delhi và Tokyo sáp lại gần nhau ». Cũng về chủ đề này Le Figaro và Les Echos đều có bài viết nhấn mạnh đến những ý đồ ngầm ẩn đằng sau hành động đưa quân vào vùng tranh chấp biên giới ngay trong thời gian ông Tập Cận Bình có mặt tại Ấn Độ.  

Thủ tướng Ấn Độ tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại New Delhi ngày 18/09/2014.
Thủ tướng Ấn Độ tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại New Delhi ngày 18/09/2014. REUTERS/Ahmad Masood
Quảng cáo

Bài viết trên Le Monde mở đầu với nhận xét về thái độ đặc biệt của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi có kế hoạch tiếp đón ông Tập Cận Bình vào đúng ngày sinh nhật của Chủ tịch Trung Quốc tại bang Gurajat, căn cứ địa quê hương ông, trước khi có cuộc hội kiến chính thức tại New Delhi.

Thái độ mềm mỏng, thực dụng của Thủ tướng Ấn

Chiến dịch ngoại giao « hết sức nhạy cảm » nhằm thu hút đầu tư Trung Quốc của tân Thủ tướng Ấn đã vấp phải một biến cố bất ngờ : « khoảng một nghìn binh sĩ Trung Quốc », theo báo chí Ấn Độ, đã « xâm nhập » vào vùng lãnh thổ tranh chấp dưới chân Himalaya. Biến cố này một lần nữa nhắc đến « quan hệ khó chịu, thậm chí mang tính xung đột » giữa Ấn Độ và Trung Quốc, khởi sự từ cuộc chiến tranh biên giới 1962 do Trung Quốc phát động nhằm vào nhiều vùng lãnh thổ ở phía Bắc và Đông Bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, thông tín viên Le Monde nhấn mạnh đến thái độ « niềm nở và lịch sử » của Thủ tướng Ấn đối với người khách Bắc Kinh.

Thái độ với Trung Quốc của Thủ tướng Ấn Độ được Le Monde đánh giá là pha lẫn sự ngờ vực « với một phần ngưỡng mộ và đặc biệt là một quan điểm rất thực dụng ». Trong thời gian 13 năm cầm quyền tại bang miền Tây Gurajat, ông Modi không bao giờ che dấu sự hâm mộ đối với « mô hình Trung Quốc, đặc biệt sự thành công trong việc xây dựng các trung tâm chế xuất ». Ông Modi từng muốn biến Gurajat thành một tiểu « Trung Quốc tại Ấn Độ ». Hiện tại, ở cương vị Thủ tướng, ông Modi muốn thu hút đầu tư Trung Quốc, cũng như các đối tác khác, vào « các cơ sở hạ tầng cổ lỗ » của Ấn Độ.

« Thái độ ngọt ngào của Thủ tướng Ấn lọt tai chính quyền Bắc Kinh, vốn luôn tìm cách khỏa lấp sự lo ngại của các nước láng giềng trước ‘‘mối đe dọa’’ Trung Quốc với các quyến rũ qua hợp tác kinh tế ». Theo Le Monde, Chủ tịch Trung Quốc sẽ phải tỏ ra rất hào phóng để hãm lại quá trình sáp lại gần nhau giữa Ấn và Nhật. Đầu tháng 9, trở về từ Tokyo, Thủ tướng Ấn Độ mang theo 35 tỷ đô la hứa hẹn đầu tư.

Tính nước đôi của quan hệ Ấn – Trung

Đằng sau « những biểu hiện ân cần » được tới tấp đưa ra từ Tokyo và Bắc Kinh là những ý đồ chiến lược rõ ràng. Ngay từ thời chính phủ tiền nhiệm Ấn Độ, New Delhi và Tokyo – đều có các xung đột lãnh thổ với Trung Quốc - đã siết chặt quan hệ, kể cả về mặt quốc phòng. Trong khi đó, Trung Quốc đã thâm nhập vào « sân sau » của Ấn Độ với việc thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với các quốc đảo Nam Á, như Maldives và Sri Lanka. Đây là điều mà nhiều chuyên gia đặt tên là chiến lược « chuỗi ngọc trai » của Bắc Kinh nhằm khẳng định sự hiện diện của Trung Quốc ngay sát các bờ biển phía nam của bán đảo Ấn Độ.

Bài phân tích của Le Monde kết luận : « Chuyến công du của ông Tập tại Ấn Độ in đậm dấu ấn của tính chất nước đôi này. Căng thẳng tại vùng biên giới Ladakh chứng minh điều đó ».

Le Figaro, trong bài « Chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc đến Ấn Độ làm căng thẳng biên giới trở lại » đưa ra nhận xét đầy nghi ngờ về thái độ thực sự của lãnh đạo Trung Quốc đang công du Ấn Độ : « Khó mà tưởng tượng được các hoạt động của binh sĩ Trung Quốc lại không có được sự tán đồng, ít nhất là ngầm ẩn, của Chủ tịch của họ vào một thời điểm nhạy cảm như vậy ».

« Ấn – Trung : ngay trong không khí vui vẻ, các căng thẳng tiếp tục » là tựa đề bài báo trên Les Echos trong chuyên mục « Chuyện mà người ta đang nói tại New Delhi ». Les Echos nhấn mạnh đến sự tương phản giữa không khí ngày hội mà Ấn Độ tạo ra để đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc với biến cố biên giới diễn ra cùng lúc, khiến lãnh đạo hai bên buộc phải phát biểu về các tranh chấp biên giới vào thời điểm lẽ ra phải tập trung cho « các quan hệ thương mại song phương đầy tiềm năng ». Thông tín viên Les Echos từ New Delhi cho biết, tại thủ đô Ấn Độ ngày hôm qua, một câu hỏi mà mọi người đều đặt ra là « Lẽ nào Trung Quốc không thể ghìm chân các đội quân (ở vùng biên giới) trong vài ngày, để không làm hỏng ngày hội ? ».

Người chống chính sách đồng hóa của Bắc Kinh đối diện án tử hình

Nhìn sang Trung Quốc, Libération chú ý đến vụ án xử nhà bất đồng chính kiến người Duy Ngô Nhĩ qua bài « Ilham Tohti, tâm hồn Duy Ngô Nhĩ bị Bắc Kinh xiềng trói ». Phiên xử Giáo sư Ilham Tohti, nhà kinh tế học nổi tiếng, giảng viên tại Đại học Bắc Kinh diễn ra từ hôm thứ Tư 17/09, bản án sẽ được công bố vào thứ Ba tuần tới 23/09. Theo Libération, nhà trí thức bị buộc tội ủng hộ phong trào ly khai phải đối diện án tù chung thân, thậm chí tử hình.

Báo Libération lưu ý Giáo sư Ilham Tohti là « tiếng nói độc lập duy nhất dám bày tỏ quan điểm chống lại chính sách đồng hóa cưỡng bức – về dân cư, về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo – của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với 10 triệu cư dân Duy Ngô Nhĩ và nhiều ‘‘sắc tộc thiểu số’’ sống lâu đời tại vùng Tân Cương ». Libération lý giải : « cách hành xử mang tính thực dân mới này là mảnh đất tốt cho các bạo lực giữa các sắc tộc ngày càng dữ dội » tại miền viễn tây Trung Quốc. Để chống lại các cuộc tấn công mang tính khủng bố, Bắc Kinh đã trả đũa « bằng các cuộc đàn áp bằng quân đội, thường kết thúc bằng viêc bắn vào đám đông, hay bắt bớ hàng loạt ».

Libération cũng ghi nhận cuộc chiến của Giáo sư Ilham Tohti chống lại việc áp đặt « việc giảng dạy ‘‘song ngữ’’ ở trường học ở Tân Cương ». Trên thực tế, dưới vỏ bọc « song ngữ », chính quyền Trung Quốc áp đặt việc giảng dạy tất cả các môn học bằng chữ Hán, chỉ có môn tiếng Duy Ngô Nhĩ được giảng dạy bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ.

Theo luật sư, nhà tranh đấu Ilham Tohti bị đối xử tàn tệ trong thời gian 6 tháng bị tạm giam : bị bỏ đói, bị giam chung với các thường phạm dân tộc Hán – sẵn sàng nhục mạ, hành hạ ông -, bị cùm… Cho đến nay, theo Libération, « các yêu cầu chân thành (từ phía Liên hiệp Châu Âu), dường như thiếu các hành động ngoại giao thực sự, không có cơ may được đáp ứng. Bắc Kinh toan tính một khi Ilham Tohti hoàn toàn bị loại trừ, sẽ chỉ còn tồn tại duy nhất quan điểm chính thức của chính quyền về các biến cố làm rung chuyến Tân Cương ».

Trưng cầu dân ý Scotland : « Du lịch chính trị » để học hỏi kinh nghiệm

Về thời sự quốc tế, cuộc trưng cầu dân ý của Scotland về độc lập hay không với Anh Quốc, thu hút chú ý của hầu hết báo Pháp hôm nay. Như chúng ta đã biết, kết quả ủng hộ Scotland ở lại trong Vương Quốc Anh chiếm đa số với hơn 55% người ủng hộ. Các nhật báo lớn hôm nay được xuất bản trước giờ có kết quả chính thức đưa ra nhiều bình luận và nhận xét thú vị. « Scotland : quan điểm độc lập của tình cảm chống lại quan điểm không của lý trí » là tựa đề bài viết trên Le Monde. Le Monde dẫn lại hai quan điểm trái nghịch. Một người phản đối độc lập nhận định : « Những người ủng hộ độc lập phủ nhận thực tế và đưa chúng ta thẳng đến thảm họa. Chúng ta không thể tranh luận được ! ». Trong khi đó, người ủng hộ độc lập cho Scotland cho rằng « Thách thức hiện nay là hết sức to lớn : Xây dựng một nhà nước mới công bằng hơn, dân chủ hơn và Châu Âu hơn ! ».

Báo Le Figaro thì chạy hàng tít lớn « Không còn gì y nguyên như trước » với biến cố 4,3 triệu cử tri được kêu gọi bày tỏ quan điểm về nền độc lập trong « cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử ». Le Figaro ghi nhận hiện tượng đồng bảng Anh lên giá rất cao so với đô la và đạt mức kỷ lục so với đồng euro kể từ hai năm nay. Theo một số chuyên gia, việc đồng bảng Anh lên cao như vậy có nghĩa là giới đầu tư đứng về phe chống độc lập, và tin tưởng vào việc cử tri Scotland sẽ bỏ phiếu để ở lại trong Vương quốc Anh. Theo một điều tra dự luận cuối cùng được công bố hôm qua, thứ Năm 18/09, 53% cử tri sẽ chọn giải pháp không độc lập.

Libération có bài phóng sự mô tả không khí tại chỗ hôm qua tại Edimbourg, thủ phủ Scotland, với hàng tựa : « Du lịch chính trị tại Edimbourg ». Cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Scotland thu hút đông đảo nngười chủ trương độc lập cho nhiều vùng lãnh thổ ở khắp nơi, đặc biệt tại các nước Châu Âu. Trong số những khách nước ngoài thăm Scotland để chứng kiến không khí trưng cầu dân ý, người xứ Catalan Tây Ban Nha với những lá cờ đỏ vàng, người xứ Basque (miền tây bắc Tây Ban Nha) với cờ đỏ xanh, chiếc đầu đen trên nền trắng là cờ của người Sarde ở miền Nam nước Ý… Du khách Québec, từng trải qua cuộc trưng cầu độc lập hụt hồi 1995 (với 49,4% ủng hộ độc lập), cũng có mặt tại Edimbourg. Một nghị sĩ đảng Québec được cử đến Scotland để « rút ra các bài học kinh nghiệm từ cuộc trưng cầu dân ý ». Tên gọi « du lịch chính trị » chính là nhãn hiệu của cuộc lữ hành tới Scotland của một nhóm công dân Québec với khoảng 40 người.

Cùng với sự kiện Scotland trưng cầu về độc lập, Le Monde qua bài « Tại Bỉ, đàm phán quyết liệt để lập ra một chính phủ liên hiệp với thành phần chủ chốt là cánh hữu Flamand », chú ý đến tình hình chính trị của quốc gia nằm ở trung tâm Châu Âu, nơi sự phân hóa giữa hai cộng đồng nói tiếng Pháp và tiếng Flamand sâu sắc tới mức các đảng phái chủ yếu chưa thành công trong việc lập ra một chính phủ liên hiệp.

Cuộc họp báo thứ tư của Tổng thống Pháp

Trở lại nước Pháp, cuộc họp báo của Tổng thống François Hollande hôm qua là chủ đề chính trên trang nhất của hầu hết các tờ báo chính. « Tổng thống cho đến cùng » là hàng tựa lớn của Libération. Theo Libération, trong cuộc họp báo lần thứ tư với tư cách Tổng thống nước Pháp, ông Hollande muốn vượt qua giai đoạn mở đầu năm hoạt động mới với nhiều bê bối thê thảm, để giành thế thượng phong. Về cuộc họp báo họp qua, xã luận tờ báo thiên tả đánh giá ông Hollande « thành thật, rõ ràng, trực diện. Ông đã ghi điểm ». « Tổng thống Pháp dẫn dắt đất nước không phải để được tái đắc cử… như vậy, ông là con người của các cải cách, chứ không phải con người của các thăm dò dư luận. Ông tập trung vào nhiệm vụ của hiện tại, chứ không phải vào các tư biện về tương lai ». Tuy nhiên, Libération kết luận với một loạt câu hỏi : « Đây là các cách làm hài lòng những người đã bầu ông ? Phải chăng cuối cùng ta sẽ đi tới một xã hội công bằng hơn ? Thiếu trả lời cho những câu hỏi này, Tổng thống sẽ tiếp tục để những người tin ông ở trong tâm trạng ngờ vực ».

Trong khi đó, tờ báo đối lập thiên hữu Le Figaro chạy hàng tựa lớn : « Hollande : ‘‘điều đó không dễ… ». Le Figaro ghi nhận việc Tổng thống Pháp đã phải thừa nhận rằng không chắc ông đã đạt được các kết quả dự kiến trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2017. Vào thời điểm giữa nhiệm kỳ, ông Hollande ở trong một tình trạng vô cùng yếu ớt : các kết quả kinh tế thê thảm, bê bối trong đời sống riêng tư tràn ra không gian công, liên minh cầm quyền chia rẽ, tỷ lệ ủng hộ rơi xuống mức thấp nhất. Trong buổi họp báo hôm qua, ông François Hollande dấn thân cho một « hoạt động (được chuẩn bị) công phu để tự thỏa mãn », nhưng Le Figaro đánh giá có thể đây là lần đầu tiên, Tổng thống Hollande đã để lộ ra « những bất an và nghi ngờ », « một thú nhận bất lực ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.