Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - TRUNG QUỐC

Trung Quốc rút quân khỏi vùng biên giới chung với Ấn Độ

Một dân biểu Ấn Độ, xin ẩn danh, ở vùng Ladakh, ngày hôm nay, 19/09/2014, cho biết, quân lính Trung Quốc bắt đầu rút ra khỏi vùng biên giới chung và quân đội phía Ấn Độ cũng làm tương tự, nhưng vẫn theo dõi sát tình hình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc công du Ấn Độ ngày hôm nay 19/09/2014.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc công du Ấn Độ ngày hôm nay 19/09/2014. REUTERS/India's Press Information Bureau/Handout
Quảng cáo

Sự cố hàng trăm binh sĩ Trung Quốc thâm nhập vào vùng lãnh thổ ở Ladakh (bắc Ấn Độ), đã đè nặng bầu không khí chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Ấn Độ. Theo báo chí trong nước, hôm thứ Tư, 17/09, ngày đầu tiên chuyến viếng thăm Ấn Độ của ông Tập Cận Bình, khoảng 1000 binh sĩ Trung Quốc đã tiến sâu vào vùng Ladakh và đối mặt với binh sĩ Ấn Độ.

Giới quan sát nhận định, thời điểm xẩy ra sự cố không phải là tình cờ. Bắc Kinh muốn gửi một tín hiệu tới Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trong cuộc vận động tranh cử, ông Modi đã tuyên bố chống lại « chủ nghĩa bá quyền » Trung Hoa.

Một nguồn tin khác từ lực lượng bán vũ trang Ấn Độ cũng khẳng định là tình hình đã bớt căng thẳng tại Chumar, cho dù các binh sĩ Trung Quốc vẫn hiện diện tại một khu vực khác thuộc Ladakh. Nguồn tin này cho biết, tối nay, đại diện quân đội hai nước sẽ gặp nhau để làm dịu tình hình.

Ấn Độ và Trung Quốc vẫn bất đồng về việc hoạch định đường biên giới bên trong vùng lãnh thổ Ladakh và tranh chấp về chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh. Năm 1962, quân đội Ấn Độ đã bị thua nặng nề trước quân đội Trung Quốc, trong một cuộc chiến tranh ngắn ngủi, đẫm máu, liên quan đến bang Pradesh. Sau cuộc xung đột, Trung Quốc rút binh sĩ và chính quyền New Delhi quản lý bang này. Các vụ đột nhập vượt qua đường biên giới chung tạm thời vẫn thường xuyên diễn ra ở cả hai phía.

Hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến công du Ấn Độ ba ngày, hứa hẹn thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Lãnh đạo Trung Quốc cũng trấn an là Bắc Kinh mong muốn hòa bình và yên ổn trong khu vực. Thế nhưng, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã bày tỏ lo ngại về sự cố và mong muốn hai bên giải quyết tranh chấp lãnh thổ, biên giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.