Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc: Châu Âu muốn dự phiên xử trí thức Duy Ngô Nhĩ

Theo AFP, hôm nay 16/09/2014, Liên Hiệp Châu Âu đề nghị Trung Quốc cho gửi một quan sát viên tới phiên tòa ngày mai xét xử giáo sư Ilham Tohti, một trí thức Duy Ngô Nhĩ, bị buộc tội ủng hộ tách Tân Cương ra khỏi Trung Quốc. 

Nhà trí thức Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti @iuhrdf.org
Nhà trí thức Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti @iuhrdf.org
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo hôm nay tại Bắc Kinh, tân Đại sứ Liên Âu tại Trung Quốc, ông Hans Dietmar Schweisgut (người Áo), thông báo “chúng tôi có ý định cử người tới tham dự phiên tòa”. Khẳng định “mối quan ngại” của Liên Hiệp Châu Âu đối với ông Ilham Tohti, nhà ngoại giao cho biết cho đến nay chưa nhận được câu trả lời từ Bắc Kinh về yêu cầu tham dự phiên tòa.

Theo luật sư của ông, phiên tòa sẽ diễn ra tại Urumqi, thủ phủ của khu tự trị với đa số dân cư theo đạo Hồi ở miền Viễn Tây Trung Quốc.

Giáo sư Ilham Tohti, trạc 40 tuổi, nổi tiếng như là người phê phán chính quyền Bắc Kinh về các đàn áp nhắm vào các đồng hương Tân Cương. Người Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi nói tiếng Thổ, là sắc tộc đông người nhất của khu tự trị Tân Cương. Maya Wang, mọt nhà nghiên cứu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nhấn mạnh ông Ilham Tohti có nguy cơ bị kết án chung thân.

Nhà trí thức bị bắt giữ hồi giữa tháng 1/2014 và bị giam giữ tại một nơi bí mật. Theo gia đình, ông đã bị đối xử tàn tệ trong thời gian bị giam giữ, bị cùm và bị bỏ đói.

Hồi tháng trước, Liên Âu tuyên bố “hết sức quan ngại khi biết rằng giáo sư Ilham Toti bị cáo buộc tội chủ trương ly khai lãnh thổ. Sau khi bị giam giữ hơn 6 tháng, ông đã không được chăm sóc sức khỏe thực sự và khả năng nhờ đến sự can thiệp của luật sư bị cản trở”. Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh : “Đã nhiều năm, giáo sư Tohti hoạt động bằng phương pháp ôn hòa, tôn trọng luật pháp Trung Quốc, cổ vũ cho quyền bình đẳng của mọi công dân Trung Quốc, phát triển các trao đổi và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm dân tộc”.

Giáo sư Tohti, giảng viên kinh tế tại Đại học Dân tộc Trung ương tại Bắc Kinh, gốc Duy Ngô Nhĩ, được nhiều trí thức và nhà tranh đấu cải cách ủng hộ. Nhà bất đồng chính kiến trên thực tế bị cấm rời khỏi Trung Quốc và bị theo dõi thường xuyên trước khi bị bắt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.