Vào nội dung chính
NGA - TRUNG QUỐC

Năng lượng: Khủng hoảng Ukraina khiến Nga xích lại gần Trung Quốc

Trung Quốc phải chăng đang là người cứu rỗi của một nước Nga đang bị phương Tây trừng phạt ? Sự xích lại gần nhau của hai quốc gia này, trước hết là trong lãnh vực năng lượng, đang tăng nhanh cùng với đà của cuộc khủng hoảng Ukraina. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, động thái này không phải là không rủi ro đối với Matxcơva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên vào đoạn đường ống đầu tiên của hệ thống “Sức mạnh Xibêri” ngày 01/09/2014.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên vào đoạn đường ống đầu tiên của hệ thống “Sức mạnh Xibêri” ngày 01/09/2014. REUTERS/Alexei Nikolsky/RIA Novosti
Quảng cáo

Từ một nơi cách xa tiếng súng ở Ukraina và đe dọa trừng phạt của phương Tây, Vladimir Putin đã tưng bừng cho khởi công « công trình xây dựng hoành tráng nhất thế giới » tại Xibêri. Đó là hệ thống đường ống dẫn khí « Sức mạnh Xibêri » với 4.000 km đường ống nối liền mỏ khí đổt ở vùng đất rộng mênh mông này với Biển Nhật Bản, nhưng cũng với phía đông biên giới Trung Quốc.

Kể từ năm 2018, « Sức mạnh Xibêri » sẽ giúp Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, lần đầu tiên qua hệ thống ống dẫn, với một hợp đồng lên đến 400 tỉ đô la kéo dài trong vòng 30 năm.

Việc ký kết hợp đồng này hồi tháng Năm đã giúp kết thúc mười năm trời thương lượng gay go, và là một thắng lợi chủ yếu của ông Putin. Tổng thống Nga đã có đường lối cứng rắn chưa từng thấy trước phương Tây kể từ thời kỳ chiến tranh lạnh đến nay, sau khi sáp nhập Crimée của Ukraina vào Nga.

Thoạt nhìn thì lợi ích của Nga và Trung Quốc có vẻ tương hợp với nhau. Bắc Kinh cần dầu lửa và khí đốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng không ngừng tăng lên. Matxcơva thì từ lâu vẫn tìm cách xoay hoạt động ngoại thương về phía châu Á, khu vực có nền kinh tế năng động hơn Liên hiệp châu Âu – đối tác hàng đầu của Nga hiện nay.

Cuộc xung đột mới về khí đốt giữa Matxcơva và Kiev chỉ là củng cố thêm niềm tin của châu Âu là đã đến lúc phải giảm bớt sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga.

Hợp đồng của Gazprom với Trung Quốc « tạo thành sức bật cho việc đa dạng hóa nguồn cung của tập đoàn này tại châu Á – Thái Bình Dương trong lúc việc bán khí đốt đang chịu áp lực của châu Âu ». Cơ quan thẩm định tài chính Moody’s nhấn mạnh như trên, trong một báo cáo được công bố vào tuần này.

Tuy vậy Moody’s cũng cảnh báo, sự tái cân bằng này không phải là không có rủi ro : « Khả năng của Trung Quốc trong việc gây áp lực về giá cả và số tiền đầu tư cần thiết có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh lợi của lãnh vực dầu khí Nga ».

Giá bán khí đốt trong hợp đồng khổng lồ với Trung Quốc được giữ bí mật, nhưng qua những thông tin bị lộ ra có thể hiểu rằng cái giá này thấp hơn so với hy vọng của Gazprom. Hơn nữa còn phải đầu tư hàng mấy chục tỉ đô la cho hệ thống đường ống.

Liên quan đến dầu lửa, cán cân lại còn nghiêng lệch hơn, hậu quả của một siêu hợp đồng do tập đoàn dầu lửa quốc doanh Rosneft ký kết năm 2013.

Vào giữa tháng Tám, Wall Street Journal đã tính toán ra rằng 30% lượng dầu thô của Nga đã được xuất khẩu sang châu Á kể từ đầu năm nay, một tỉ lệ chưa từng thấy.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandre Novak tuần này ước đoán lượng xuất khẩu vàng đen sang châu Á có thể sẽ tăng gấp đôi. Bên cạnh đó ông cũng cho biết đang có những thương lượng để các công ty châu Á – Thái Bình Dương đầu tư vào các dự án nhà máy khí hóa lỏng (GNL) tại vùng Viễn Đông của Nga.

Về phía Trung Quốc, tập đoàn quốc doanh CNPC, ngoài các hợp đồng mua dầu lửa và khí đốt, còn tăng cường sự hiện diện tại Nga. Tập đoàn Trung Quốc đã nắm 20% vốn trong dự án khí hóa l ỏng của tập đoàn Novatek của Nga và Total của Pháp tại bán đảo Iamal ở Bắc cực và hợp tác với Rosneft trong các mỏ ở Đông Xibêri.

Tuần này, ông Vladimir Putin đã nêu ra việc cho một đối tác Trung Quốc góp vốn vào mỏ Vankor do Rosneft điều hành, được cho là mỏ có trữ lượng lớn nhất Đông Xibêri.

Các chuyên gia thuộc trung tâm Eurasia Group bình luận : « Thương vụ này nếu thành công sẽ là một tiến triển lớn lao. Việc Rosneft mời đầu tư vào một dự án mang tính chiến lược quan trọng như thế cho thấy sức mạnh thương lượng của Matxcơva đã bị yếu đi bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, và công ty đang cần bơm thêm vốn ».

Do bị Hoa Kỳ trừng phạt, tập đoàn do Igor Setchine, một nhân vật thân cận với ông Putin điều hành, đã phải cầu cứu đến sự giúp đỡ của Nhà nước để có thể trả được món nợ trên 30 tỉ đô la.

Trung Quốc, vốn đã ứng trước một số tiền đáng kể cho các hợp đồng dầu khí, xuất hiện như một nguồn tài chính chủ yếu trong lúc các thị trường phương Tây dần đóng sập cửa trước Nga, và Bruxelles cấm xuất khẩu một số công nghệ cao cần thiết cho khai thác năng lượng.

Trong khi đó việc sản xuất vàng đen của Nga, quốc gia có nguồn thu nhập chủ yếu từ dầu khí, hiện đang giảm sút. Các dự án cần thiết cho việc tái thúc đẩy sản xuất đòi hỏi đầu tư rất lớn.

Tờ báo Vedomosti tuần này nhận định : « Tuy Matxcơva coi là đối tác chiến lược, nhưng đối với Bắc Kinh chỉ là phương tiện đa dạng hóa nguồn cung ». Do vậy vị thế của hai bên trong thương lượng bị mất cân xứng, Nga ở vào thế yếu. Vedomosti cảnh báo « chủ nghĩa tập trung vào Trung Quốc » trong chính sách châu Á của Nga, làm thiệt hại cho các quốc gia châu Á khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.