Vào nội dung chính
THÁI LAN

Thái Lan : Chính quyền quân sự không đối thủ

Tập đoàn quân sự lên cầm quyền qua cuộc đảo chính ở Thái Lan đã thành lập một chính phủ trong đó giới quân nhân chiếm đa số, tăng cường thêm quyền lực trên một chính trường không còn đối lập. AFP ngày 01/09/2014 nhận xét như trên.

Tân thủ tướng Thái, Prayut Chan  O Cha. Ảnh ngày 21/08/2014.
Tân thủ tướng Thái, Prayut Chan O Cha. Ảnh ngày 21/08/2014. REUTERS/Chaiwat Subprasom
Quảng cáo

Nhật báo The Nation số đề ngày 01/09/2014 bình luận: « Thủ tướng đặt tin tưởng vào các quân nhân và cựu viên chức quan liêu ». Gần một phần ba trong số 32 thành viên chính phủ được Quốc vương Bhumibol ra nghị định phê duyệt là các sĩ quan cao cấp, đồng minh của thủ lãnh tập đoàn quân sự - tướng Prayut Chan O Cha, đã trở thành Thủ tướng mười ngày trước đó.

Các Bộ trưởng còn phải được Quốc vương phê chuẩn chức trách, trong buổi lễ sẽ được tổ chức tuần này tại bệnh viện Bangkok, nơi vị vua 86 tuổi đang dưỡng bệnh.

Bộ Tư pháp, Ngoại giao và Thương mại sẽ do các tướng lãnh nắm giữ. Trong số này có những người chịu trách nhiệm về vụ quân đội đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình của phe Áo Đỏ năm 2010. Tướng Anupong Paochinda sẽ trở thành Bộ trưởng Nội vụ, việc này được coi là dấu hiệu tiếp tục chủ trương cứng rắn trước mọi phong trào đối lập.

Trong tân chính phủ không có những khuôn mặt ôn hòa có khả năng đưa ra dấu hiệu hòa giải với Thaksin Shinawatra, trong khi đảng của cựu Thủ tướng bị lật đổ năm 2006 vẫn tiếp tục chiến thắng trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia. Nhà chính trị học Paul Chambers cho đây là một « sai lầm » của tướng Prayut, có thể « gây phản tác dụng là tạo sức bật mới cho phong trào ủng hộ ông Thaksin ».

Từ ngày 22/5 đến nay, các chính khách đã biến mất trên chính trường và các phương tiện truyền thông, các tiếng nói đối lập bị dập tắt. Giới quân nhân dự kiến tập đoàn quân sự sẽ được duy trì song song với chính phủ, và mọi cuộc bầu cử đều bị dời lại đến tháng 10/2015.

Quân đội giải thích phải lên nắm quyền để chấm dứt bảy tháng biểu tình đẫm máu chống lại chính phủ của bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin. Nhưng một số người lên án tập đoàn quân sự đã dùng làm cái cớ để tiêu diệt ảnh hưởng của Thaksin, dù đang sống lưu vong nhưng vẫn là khuôn mặt đang làm chia rẽ vương quốc Thái. Theo các chuyên gia, giới tinh hoa trong đó có quân đội coi Thaksin là mối đe dọa cho đất nước.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.