Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - THÁI LAN

LHQ và HRW tố cáo : Tội danh "khi quân" ở Thái Lan bị lạm dụng

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch vào hôm nay, 20/08/2014, đã lên án việc trừng trị nghiêm khắc tội khi quân, đã gia tăng tại Thái Lan, từ khi quân đội đảo chính và lên nắm quyền vào tháng 5 vừa qua. Human Rights Watch như vậy đã góp phần cùng với Liên Hiệp Quốc yêu cầu Bangkok tu chính luật lệ về tội khi quân, một trong những đạo luật được xem là khắc nghiệt nhất thế giới trong lãnh vực này.

Vua Bhumibol được đông đảo người dân trong xã hội Thái Lan coi như thần thánh.
Vua Bhumibol được đông đảo người dân trong xã hội Thái Lan coi như thần thánh. REUTERS/Dylan Martinez
Quảng cáo

Trong một thông cáo, Tổ chức bảo vệ nhân quyền trụ sở ở New York ghi nhận là : "Từ khi đảo chính diễn ra đến nay, chính quyền đã trừng trị tất cả những phát biểu không lọt tai, kể cả những phát biểu bị cho là chỉ trích chế độ quân chủ Thái Lan". 

Theo AFP, quân đội Thái tự xem mình là người bảo vệ chế độ quân chủ, đã vãn hồi được trật tự trên đất Thái với cuộc đảo chính, kết thúc tìnhtrạng biểu tình liên tục, gây bất ổn định. Chính quyền quân sự do đó đã lên tiếng dọa truy tố tất cả những ai dám chỉ trích Quốc vương Bhumibol, nay đã 86 tuổi.

Phủ Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trong một thông cáo công bố hôm qua, nêu bật các chi tiết là « từ ngày nổ ra cuộc đảo chính hôm 22/05 đến nay, đã có ít nhất 13 cuộc điều tra mới về tội khi quân ». Tình trạng này đã khiến cho Phủ Cao Ủy « rất lo ngại ».

Hãng tin Pháp AFP đã nhắc lại trường hợp 2 sinh viên bị bắt giam vào tháng Tám này vì một vở kịch bị đánh giá là khi quân. Một nhạc sĩ 28 tuổi thì đã bị kết án 15 năm tù vào cuối tháng Bảy, vì những phát biểu bị cho là phỉ báng chế độ quân chủ. Giữa tháng Bảy, một doanh nhân đã bị y án 5 năm tù về tội khi quân.

Tổ chức Human Rights Watch cũng như Liên Hiệp Quốc đều kêu gọi Thái Lan nhanh chóng sửa đổi bộ luật nghiêm khắc đó, bị đánh giá là quá mơ hồ, trong lúc hình phạt lại rất nặng.

Liên Hiệp Quốc và tổ chức bảo vệ nhân quyền Mỹ còn nhắc lại là mọi đơn xin được tự do tạm với tiền bảo chứng của hai sinh viên đã bị từ chối, điều này đã đi ngược lại Hiệp ước quốc tế về quyền tự do dân sự và chính trị mà Thái Lan đã phê chuẩn.

Trước cuộc đảo chính cũng đã có nhiều tiếng nói vang lên yêu cầu xem xét lại và sửa đổi luật về tội khi quân. Nhưng nhiều giảng viên đại học, đòi một cuộc thảo luận thực sự về tội khi quân, đã bị tập đoàn quân sự làm đảo chánh triệu mời và tạm giữ vài ngày tại những nơi bí mật, cùng với hàng trăm người khác. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.