Vào nội dung chính
THÁI LAN - CHÍNH TRỊ

Thái Lan : Người sáng lập phong trào Áo Vàng bị bỏ tù

Hôm nay, 07/08/2014, theo AFP, người sáng lập phong trào bảo hoàng Áo Vàng, một tài phiệt ngành truyền thông, chính thức bị bỏ tù, sau khi bị tòa phúc thẩm phạt 20 năm tù vì tội gian lận.

Ông Sondhi Limthongkul (phải) trong một cuộc biểu tình của phe Áo Vàng tại Bangkok, ngày 27/08/2008.
Ông Sondhi Limthongkul (phải) trong một cuộc biểu tình của phe Áo Vàng tại Bangkok, ngày 27/08/2008. ( Ảnh : AFP )
Quảng cáo

Ông Sondhi Limthongkul từng dẫn dắt các phong trào phản đối rộng lớn, dẫn đến việc Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị cú đảo chính quân sự lật đổ năm 2006. Năm 2012, lãnh đạo sáng lập phong trào Áo Vàng bị kết án 20 năm tù, vì tội giả mạo giấy tờ để được vay khoản tiền 1,1 tỷ bath (tương đương 36 triệu đô la), cho đế chế truyền thông ASTV/Manager của ông, trong những năm 1990.

Sau đó, lãnh đạo sáng lập phong trào Áo Vàng đã được tạm thời tự do, trong khi chờ đợi phiên phúc thẩm. Hôm nay, tòa phúc thẩm tái khẳng định phán quyết nói trên, đồng thời từ chối không cho bị cáo được tại ngoại trong thời gian khiếu nại lên Tòa án tối cao.

Luật sư Suwat Apaipakdi cho AFP biết, đây là đêm đầu tiên khách hàng ông ở trong tù. Ông Sondhi Limthongkul hiện còn phải đối mặt với nhiều truy tố khác và bản thân cũng bị kết án trong nhiều vụ khác.

Phong trào Áo Vàng, tên gọi khác của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), trở thành một thế lực chính trị lớn tại Thái Lan giữa những năm 2000. Ngoài chính phủ Thaksin, phong trào Áo Vàng còn tham gia vào việc lật đổ hai chính phủ khác, do những đồng minh của ông Thaksin lãnh đạo.

Cuối năm 2008, phong trào Áo Vàng đã phong tỏa hai sân bay ở Bangkok trong nhiều ngày, khiến hàng trăm nghìn khách du lịch bị nghẽn lại. Sondhi cùng hàng chục thành viên Áo Vàng bị truy tố vì tội khủng bố trong vụ việc này.

Kể từ đó, phong trào Áo Vàng mất dần sức mạnh. Tuy nhiên, một số thành viên chủ chốt vẫn tiếp tục dẫn đầu các cuộc biểu tình làm rung chuyển đất nước trong 7 tháng trời giữa mùa thu 2013 và cú đảo chính quân sự, ngày 22/05/2014, lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra, em ông Thaksin.

Nhà tỷ phú Thaksin, dù sống lưu vong, vẫn tiếp tục là nhân tố phân hóa quốc gia Đông Nam Á này. Rất đông đảo người dân ở các vùng nông thôn, chịu thiệt thòi, tại miền đông và đông bắc, ngưỡng mộ ông, trong khi đó đa số thành phần thượng lưu Bangkok coi ông như mối đe dọa đối với nền quân chủ.

Ra mắt Quốc hội mới do giới quân sự bổ nhiệm

Hôm nay, tân Quốc hội Thái Lan do tập đoàn quân sự bổ nhiệm chính thức ra mắt, với sự hiện diện của các tướng lãnh và thái tử Maha Vajiralongkorn.

Cuối tháng 7/2014, giới quân sự bổ nhiệm 200 nghị sĩ của Quốc hội lâm thời, bao gồm chủ yếu các chức sắc ngành an ninh. Quốc hội này sẽ phải chỉ định một Thủ tướng, để thành lập một chính phủ chuyển tiếp với 35 thành viên. Theo một số thành viên Quốc hội, người đứng đầu chính phủ sẽ không ai ngoài tướng Prayut Chan-ocha, người đã lãnh đạo cuộc đảo chính 22/05, sau 7 tháng biểu tình của phe Áo Vàng.

Kể từ cuộc đảo chính, trong xã hội Thái Lan liên tục diễn ra các hoạt động phản kháng chống tập đoàn quân sự dưới nhiều hình thức khác nhau, bất chấp lệnh cấm.

Tập đoàn quân sự loại trừ khả năng các cuộc bầu cử mới được tổ chức trước tháng 10/2015, theo lời kêu gọi trở lại dân chủ của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.