Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - HÀN QUỐC

Nhật – Hàn Quốc tiếp tục đàm phán giải quyết vụ « gái giải sầu »

Mặc dù quan hệ ngoại giao song phương còn gặp nhiều trục trặc, hôm nay, 23/07/2014, tại Seoul, đại diện chính quyền Hàn Quốc và Nhật Bản gặp lại nhau để tiếp tục đàm phán, giải quyết một hồ sơ nhậy cảm, tồn đọng từ đệ nhị thế chiến, đó là vấn đề nô lệ tình dục trong thời kỳ quân đội Nhật Hoàng chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.  

Tượng "phụ nữ giải sầu" được dựng trước cổng sứ quán Nhật Bản ở Seoul, Hàn Quốc
Tượng "phụ nữ giải sầu" được dựng trước cổng sứ quán Nhật Bản ở Seoul, Hàn Quốc REUTERS
Quảng cáo

Đây là cuộc gặp lần thứ ba, kể từ tháng Tư vừa qua, khi hai nước bắt đầu các cuộc thương lượng hàng tháng về hồ sơ này.

Cuộc gặp lần này kéo dài trong ba ngày. Theo trưởng đoàn Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe ủng hộ việc đàm phán nhằm giải quyết hồ sơ này và cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.

Cuộc gặp hồi tháng Sáu đã bị Seoul đình hoãn nhằm phản đối việc Tokyo quyết định xem xét lại lời xin lỗi năm 1993.

Trong thời kỳ chiến tranh, khoảng 200 ngàn phụ nữ, chủ yếu là phụ nữ Triều Tiên, số còn lại là người Trung Quốc và một số nước Châu Á, đã bị cưỡng bức làm gái giải sầu cho quân đội Nhật Hoàng.

Trong lúc đa số công luận Nhật cho rằng chính phủ Nhật thời kỳ chiến tranh phải chịu trách nhiệm về hồ sơ này, thì một số chính khách thuộc cánh hữu, trong đó có cả Thủ tuớng Shinzo Abe, vẫn tiếp tục tỏ ra nghi nghờ và cho rằng các nhà thổ thời kỳ đó bao gồm các gái điếm chuyên nghiệp.

Thái độ mập mờ của Tokyo đã gây ra sự khó chịu, bất bình, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Nhật Bản và một số nước Đông Á, đặc biệt là Hàn Quốc.

Chính quyền Washington rất quan tâm đến việc cải thiện quan hệ giữa Tokyo và Seoul, hai đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ tại Đông Á, để thực hiện chiến lược xoay trục sang Châu Á.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.