Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Hàng triệu dân Miến Điện ủng hộ bà Aung San Suu Kyi sửa đổi hiến pháp

Lãnh tụ đối lập Miến Điện đã nhận được hàng triệu chữ ký ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp nước này để bà Aung San Suu Kyi được quyền ra tranh cử tổng thống. Hậu thuẫn này đã được người dân Miến Điện bày tỏ trong đợt vận động kết thúc vào hôm nay, 19/07/2014. Theo AFP, đây quả là một sự phô trương sức mạnh của đối lập Miến Điện trước cuộc bầu cử năm 2015.

Phong trào vận động đã thu thập hàng triệu chữ ký ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp Miến Điện - REUTERS /Soe Zeya Tun
Phong trào vận động đã thu thập hàng triệu chữ ký ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp Miến Điện - REUTERS /Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp, kiến nghị đề xuất vào tháng 5/2014 đã nhận được khoảng 3 triệu chữ ký, tính đến đầu tháng 7. Phong trào vận động dư luận kết thúc hôm nay, tập trung trên điều khoản của Hiến Pháp vốn mặc nhiên cho phép quân đội Miến Điện phủ quyết mọi đề nghị thay đổi bản Hiến pháp 2008 của nước này. 

Trong Hiến pháp do chính quyền quân phiệt soạn thảo, có điều khoản theo đó « mọi đề nghị bổ sung, sửa đổi Hiến pháp phải được sự chấp thuận của 75% đại biểu Quốc hội », trong khi mà một phần tư ghế dân biểu lại do quân đội nắm giữ. 

Theo ông Nyan Win, phát ngôn viên của Liên Đoàn Quốc gia vì dân chủ, thì « tiếng nói người dân rất quan trọng trong một chế độ dân chủ », và ông hy vọng điều khoản nói trên có thể được sửa đổi ngay trong khóa họp Quốc hội kết thúc cuối tháng 7 này. Ông cho rằng công việc sửa đổi đó sẽ « mở cửa cho nhiều thay đổi khác ». 

Riêng bà Aung San Suu Kyi, vốn đã đi vận động khắp nước, đã nói chuyện với hàng ngàn người và kêu gọi quân đội hãy giảm bớt vai trò chính trị của họ. 

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng khó có thể dự doán về tác động thực sự của bản kiến nghị nói trên. Một thành viên trong ủy ban được thành lập để xem xét lại Hiến pháp, đã khẳng định rằng các cuộc thảo luận trong ủy ban sẽ không bị kiến nghị ảnh hưởng. 

Ủy ban này sẽ công bố những đề nghị đầu tiên trong những ngày sắp tới, nhưng dựa trên những đề xuất được đưa ra trước thời hạn ấn định là tháng 12 năm ngoái. Tóm lại theo các nhà phân tích, quyết định của Ủy ban này sẽ không có lợi cho bà Aung San Suu Kyi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.