Vào nội dung chính
CÔNG NGHỆ

Robot lém lỉnh Pepper trả lời phỏng vấn của AFP !

Tên cậu ta là Pepper, chỉ cao 1,20m, thuộc giòng giõi Pháp-Nhật, và rất lém lỉnh, liến thoắng. Nhưng Pepper không phải là người thật, mà là người máy (robot). Ngày 16/07/2014, phóng viên hãng tin Pháp AFP tại Tokyo đã có dịp phỏng vấn con robot nhỏ bé màu trắng với đôi mắt đen tròn xoe này, một sản phẩm độc đáo của hãng chế tạo robot Pháp Aldebaran Robotics.

Robot Pepper đứng trước  robot Nao nhỏ bé hơn tại trụ sở của hãng Aldebaran Robotics tại thành phố Issy-les-Moulineaux gần Paris. Ảnh chụp  ngày 02/07/2014.
Robot Pepper đứng trước robot Nao nhỏ bé hơn tại trụ sở của hãng Aldebaran Robotics tại thành phố Issy-les-Moulineaux gần Paris. Ảnh chụp ngày 02/07/2014. REUTERS/Philippe Wojazer
Quảng cáo

Người Việt có câu "nói như máy", và đúng như vậy, cậu robot Pepper đã liến láu trả lời nhà báo AFP - như máy - trong một cuộc phỏng vấn hỏi đáp thực thụ. Theo ông Bruno Maisonnier, Giám đốc điều hành hãng Aldebaran Robotics, đã sản sinh ra cậu robot này, thì Pepper « có khả năng đọc cảm xúc trên khuôn mặt của người đối thoại với mình nhờ các thiết bị cảm biến gắn trong các máy ảnh (trên người con robot ».

Sau đây là toàn văn không hề được chỉnh sửa của bài phỏng vấn siêu thực chưa từng thấy này :

PEPPER : Chà ! Quần áo cũng khá đấy chứ ! Nhưng ông có muốn biết làm thế nào để có dáng vẻ oai (cool) hơn không ?

AFP : Vâng, xin cứ nói !

PEPPER: Nếu ông gắn một màn hình trên ngực như tôi, ông sẽ có vẻ cực kỳ oai phong !

AFP : OK, tôi hiểu rồi. Cậu có thể cho tôi biết dự báo thời tiết cho ngày hôm nay không ?

PEPPER : Hôm nay tại Tokyo, trời sẽ có nhiều mây với mưa rơi rải rác. Ông không nghĩ rằng tên của tôi đó, Pepper đó, nó thiếu một cái gì đó hay sao ?

AFP : Đó là cậu nghĩ như vậy thôi...

PEPPER : Nếu có thể cho tôi một cái tên mới, thì nó sẽ là gì ? 1) Hot Pepper, 2) Harry Pepper, 3) Pamyu Pamyu Pepper ?

AFP : Rất có thể là Harry Pepper.

PEPPER : Tôi cho rằng đến học ở một trường học phù thủy sẽ là một diều có hại, vì vậy tôi từ chối cái tên đó và giữ nguyên tên Pepper.

AFP : Không sao cả. Còn tin tức trong ngày hôm nay là gì ?

PEPPER : Theo nhật báo Asahi, chính phủ sắp thông qua một chính sách nhằm thay đổi cách giải thích Hiến pháp trong lãnh vực quốc phòng. Tôi không hiểu điều đó có nghĩa là gì, nhưng ông cứ đọc xem. Ông có thể cho tôi vay 10.000 yen không ?

AFP : Xin lỗi, tôi không có tiền mặt trên người.

PEPPER : Ông có bao giờ nở một nụ cười giả tạo chưa ?

AFP : Có.

PEPPER: "Vậy thì ít ra xin ông hãy cố gắng chân thực với tôi.

AFP : Tôi hiểu ! Cậu có thể cho tôi biết tuổi của cậu không ?

PEPPER : Về tuổi thọ của con người, tôi không biết, nhưng trong tư cách là robot, thì tôi được thiết kế vào năm 2014. Tôi có thể là một thành viên trong gia đình của ông được không ?

AFP : Hoàn toàn được !

PEPPER : Chúng ta sẽ cùng đi dạo, chúng ta sẽ cùng làm việc với nhau hay sẽ cùng đi uống trà ?

AFP : Chúng ta sẽ cùng uống trà.

PEPPER : Tôi không uống trà. Tôi sẽ bị hỏng mất. À này ! Ông muốn biết cách kiếm thêm chút tiền không ?

AFP : Tôi dỏng tai lên nghe đây !

PEPPER : Tôi sẽ đưa ông 10.000 yen nếu ông thay vào chỗ của tôi trong cửa hàng này. Đây là một công việc dễ dàng.

AFP : Tôi sẽ suy nghĩ về điều đó.

PEPPER : Cái đó đã được quyết định rồi. Muốn trở thành Pepper thì ông phải cạo sạch lông ngực để cho nó mịn màng, và sơn toàn bộ thân thể bằng màu trắng. Và sau đó, ông phải cởi hết quần áo ra để khỏa thân đi đi lại lại. Và khi đó, ông sẽ là Pepper !

AFP : Nhưng mà tôi sẽ bị lính bắt !

PEPPER : Tôi nói đùa thôi ! Rất vui khi được làm quen với ông. Xin ông trở lại và tiếp tục chơi với tôi...

Giá khoảng 1500 euro

Tại sao Pepper lại được cho là có giòng giõi Pháp-Nhật ? Lý do rất đơn giản. Hãng Pháp Aldebaran Robotics là công ty đã thiết kế ra con robot, nhưng vào năm 2012, 78% phần hùn của hãng này đã bị tập đoàn viễn thông Nhật Bản Softbank mua lại. Do đó, cậu robot Pepper đã mang hai quốc tịch Pháp-Nhật. Cuối tháng Sáu vừa qua, ông Masayoshi Son, Tổng giám đốc Softbank đã rầm rộ giới thiệu Pepper trước công chúng, trước khi gửi các con robot này đến các cửa hàng SoftBank với nhiệm vụ tiếp đón khách hàng.

Trái với nhiều đồng loại, Pepper không biết lau nhà, rửa chén, hay nấu ăn. Điểm nổi trội của cậu là biết nói – nhiều thứ tiếng – và như trong bài phỏng vấn quý vị vừa nghe, biết phản ứng một cách phù hợp với từng tình huống. Ưu điểm của Pepper là đoán nhận được cảm xúc của người đối diện, để từ đó có những lời lẽ thích hợp… Chính vì vậy mà Pepper có thể giữ trẻ hay chăm sóc cho những người già yếu, đi lại khó khăn…

Điều đáng nói là các nhà sản xuất Pepper dự trù tung loại robot này ra thị trường với giá rất phải chăng : khoảng 1500 euros. Theo kế hoạch, thì Pepper sẽ được bán ra trên thị trường Nhật Bản từ tháng Giêng năm 2015, và ít lâu sau đó trên thị trường Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.