Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG

Phe dân chủ Hồng Kông : « Anh quốc coi trọng quyền lợi kinh tế hơn cải tổ chính trị »

Hôm qua, 11/07/2014, các dân biểu thuộc phe dân chủ Hồng Kông đã cực lực chỉ trích Anh quốc sau khi có thông tin cho thấy là Luân Đôn muốn tránh gây bất hòa với Bắc Kinh vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế.

Hàng ngàn người dân Hồng Kông biểu tình đòi phổ thông đầu phiếu ngày 01/07/2014.
Hàng ngàn người dân Hồng Kông biểu tình đòi phổ thông đầu phiếu ngày 01/07/2014. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

Hôm thứ năm vừa qua, chính phủ Luân Đôn đã công bố báo cáo thường kỳ sáu tháng một lần về Hồng Kông gởi Quốc hội , vào lúc mà căng thẳng tại thuộc địa củ của Anh quốc gia tăng do sự can thiệp ngày càng nhiều của Trung Quốc vào nội tình chính trị Hồng Kông.

Trong phần mở đầu bản báo cáo nói trên, Ngoại trưởng William Hague viết rằng, khuôn khổ Hiến pháp của Hồng Kông hiện nay vận hành rất tốt và dẫu sao thì không có một « mô hình hoàn hảo » nào cho việc cải tổ thể thức bầu cử cho đặc khu hành chính này. Ông viết thêm : « Điều quan trọng là người dân Hồng Kông có một sự chọn lựa đúng đắn và cảm thấy họ thật sự có tham gia vào kết quả cải tổ ».

Nhưng các dân biểu thuộc phe dân chủ ở Hồng Kông đã lên án bản báo cáo của chính phủ Luân Đôn, cho rằng báo cáo này chỉ toàn những câu « vô nghĩa », mà không đưa ra một cam kết nào để hỗ trợ cho dân chủ ở Hồng Kông. Tuyên bố với hãng tin AFP, dân biểu thuộc Đảng Công dân Claudia Mo nói : « Tôi nghĩ rằng chính phủ Anh quốc coi trọng các quyền lợi kinh tế hơn là những khác biệt chính trị ». Trong chuyến viếng thăm Anh quốc trong tháng vừa qua của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai nước đã ký nhiều hiệp định thương mại trị giá tổng cộng hơn 4 tỉ euro.

Dư luận Hồng Kông ngày càng lo ngại cho các quyền tự do, vốn được bảo đảm trong khuôn khổ của mô hình « Một quốc gia, hai chế độ », được áp dụng kể từ khi vùng lãnh thổ này được Anh quốc trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Mối lo ngại này càng tăng sau khi vào tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh công bố một « Sách trắng » về tương lai của Hồng Kông. Sách trắng này gây nhiều tranh cãi vì nó được xem như là một lời cảnh cáo của Trung Quốc rằng người dân Hồng Kông không được đi quá giới hạn cho phép.

Trong phần mở đầu bản báo cáo của chính phủ gởi Quốc hội Anh quốc, Ngoại trưởng William Hague đã khẳng định rằng cả chính phủ trung ương và chính quyền đặc khu hành chính đều nói rõ là Sách trắng nói trên không hề có thay đổi gì trong chính sách của Bắc Kinh đối với Hồng Kông.

Theo tờ nhật báo The South China Morning Post, chủ tịch đảng Dân chủ, Emily Lau cho rằng Anh quốc “đáng bị lên án » vì đã không kiên quyết phản bác sách trắng của Trung Quốc. Về phần dân biểu đảng Dân chủ Albert Ho thì nói với AFP : « Tôi nghĩ Anh quốc phải có nghĩa vụ tinh thần bảo đàm cho mô hình « một quốc gia, hai chế độ » được thi hành đúng đắn ».

Trung Quốc đã loại trừ khả năng cho cử tri Hồng Kông quyền đề cử các ứng cử viên trong cuộc bầu cử lãnh đạo hành pháp năm 2017, khiến nhiều người lo ngạì là sẽ chỉ có các nhân vật thân Bắc Kinh được ra ứng cử.

Như là một hình thức bày tỏ khát vọng dân chủ, vào tháng trước, gần 800 ngàn người dân Hồng Kông đã tham gia một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về thể thức bầu lãnh đạo hành pháp vào năm 2017. Kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ được công bố vào thứ Ba tuần tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.