Vào nội dung chính
THÁI LAN - CHÍNH TRỊ

Đối lập Thái Lan thành lập nhóm lưu vong để chống chính quyền quân sự

Cựu lãnh đạo đảng cầm quyền ở Thái Lan bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự tháng Năm vừa qua đã quyết định thành lập một nhóm đối lập ở hải ngoại để đấu tranh chống chính quyền quân sự trong nước. Trong một bản tuyên bố đưa ra vào hôm nay, 24/06/2014, ông Jarupong Ruangsuwan, hiện đang bị truy nã tại Thái Lan, cho biết là đã lập ra một tổ chức lấy tên là « Tổ chức của Người Thái Tự do vì Nhân quyền và Dân chủ ». 

Lính Thái đi tuần trên đường phố Bangkok, ngày 18/06/2014
Lính Thái đi tuần trên đường phố Bangkok, ngày 18/06/2014 REUTERS/Chaiwat Subprasom
Quảng cáo

Là cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ bị lật đổ, ông Jarupong Ruangsuwan vào tuần trước đã tuyên bố từ chức Chủ tịch đảng Puea Thai, đảng cầm quyền ở Thái Lan trước lúc xẩy ra đảo chánh. Ông đã bỏ trốn sau khi từ chối lệnh triệu mời của giới tướng lãnh ngay sau cuộc đảo chánh ngày 22/05/2014.

Trong bản tuyên bố thành lập nhóm đối lập lưu vong, nhân vật này tố cáo tập đoàn quân sự cầm quyền tại Thái Lan là đã « vi phạm pháp luật, lợi dụng nguyên tắc dân chủ và hủy hoại quyền lợi, sự tự do và phẩm giá con người ».

Theo AFP, việc thành lập nhóm đối lập lưu vong này là nỗ lực có tổ chức đầu tiên nhằm chống lại chế độ quân sự đang nắm quyền tại Thái Lan. Mục tiêu của nhóm này là tìm cách đoàn kết giới đối lập đang sống lưu vong và ở trong nước.

Từ khi tiến hành đảo chánh để nắm quyền, quân đội Thái Lan đã đình chỉ việc áp dụng Hiến pháp, loại trừ khả năng tổ chức bầu cử trong vòng một năm, hạn chế các quyền tự do cá nhân, tiến hành kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông và cấm mọi cuộc biểu tình.

Vào hôm qua, họ đã tiến thêm một bước trong việc hạn chế các quyền tự do khi tung ra lời kêu gọi tố giác những kẻ bị tình nghi là có hành vi chống lại chính quyền quân sự. Những ai cung cấp cho chính quyền hình ảnh hay video về các hành vi này sẽ được thưởng 500 baht – tương đương với khoảng 12 euros.

Theo Arnaud Dubus, thông tín viên RFI tại Bangkok, lời kêu gọi tố giác này được đưa ra trong bối cảnh trong thời gian gần đây, nhiều người dân Thái Lan đã dùng những cử chỉ mang tính chất biểu tượng để thể hiện thái độ phản đối chế độ quân sự :

« Đây rõ ràng là lời kêu gọi mọi người làm chỉ điểm cho chính quyền. Người Thái được mời chụp ảnh bất cứ ai có vẻ như muốn phản đối cuộc đảo chính, và sau đó gửi những bức ảnh này cho cảnh sát. Và nếu giúp bắt được nghi can, người gởi ảnh sẽ được thưởng 12 euro cho mỗi bằng chứng.

Gần đây, những người Thái muốn chống lại chế độ quân sự đã tránh tụ tập đông đảo mà chủ trương tỏ thái độ bằng những cử chỉ mang tính biểu tượng.

Ngoài việc giơ ba ngón tay chào nhau theo kiểu dân nổi dậy trong bộ phim Mỹ nổi tiếng Hunger Games, việc vừa ngồi ăn bánh mì ở một nơi công cộng, vừa đọc tiếu thuyết chống độc tài nổi tiếng 1984 của nhà văn George Orwell cũng là một dấu hiệu phản kháng. Chủ nhật vừa qua, một sinh viên đã bị bắt giữ chỉ vì đã làm như vậy.

Tại Thái Lan lúc này, mặc một chiếc áo phông in một khẩu hiệu ủng hộ dân chủ như « tôn trọng quyền bầu cử » cũng có thể dẫn đến hậu quả là bị bắt giam.

Tập đoàn quân sự đương quyền muốn triệt hạ mọi hình thức biểu thị công khai quan điểm bất đồng, kể cả những biểu hiện nhẹ nhàng nhất.

Theo chính quyền quân sự, những hành động phản kháng cá biệt đó có nguy cơ phá vỡ sự thống nhất của đất nước, một sự đoàn kết mà họ cho là cần thiết để thực hiện công cuộc cải cách sâu rộng hệ thống chính trị ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.