Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG - SÁNG CHẾ

Giải thoát đại dương khỏi rác nhựa

Ngày 10/06/2014, công chúngbiết đến một sáng kiến đầy tham vọng của một thanh niên, 19 tuổi, người Hà Lan : Giải thoát cho các đại dương trên Trái đất toàn bộ rác rưởi nhựa. Chàng thanh niên Boyan Slat được tập đoàn điện tử tin học Intel thừa nhận là một trong 20 doanh nhân trẻ có triển vọng nhất thế giới.

Boyan Slat, chàng trai ước mơ giải thoát các đại dương khỏi rác nhựa.
Boyan Slat, chàng trai ước mơ giải thoát các đại dương khỏi rác nhựa. DR
Quảng cáo

Rác trên biển là một hiểm họa lớn, nhưng ít người để ý vì cách xa tầm mắt. Theo một nghiên cứu được công bố cách nay 2 năm, riêng ở phía bắc Thái Bình Dương đã hình thành một « lục địa rác » khổng lồ, rộng bằng một phần ba diện tích Hoa Kỳ hay gấp 6 lần nước Pháp. Trên thế giới, có 5 khu vực khổng lồ như vậy hình thành từ hàng chục năm nay trên các đại dương.

Đa số rác rưởi này – ước tính đến 90% - có nguồn gốc từ đồ nhựa, túi ny lon, chai, lọ…, gọi tắt là rác nhựa. Khoảng gần 10% trong số 300 triệu tấn đồ nhựa, được sản xuất hàng năm, kết thúc cuộc đời của chúng trong lòng biển. Các nhà nghiên cứu đưa ra hình ảnh « món súp nhựa » để mường tượng hình dạng đặc biệt của các lục địa rác trôi nổi này, với các phần tử nhỏ hơn 5mm trở lên, hoặc lơ lửng trên bề mặt, hoặc chìm xuống ở độ sâu khoảng 30 mét. Theo các ước tính sơ bộ, một cây số vuông mặt biển ở các vùng như vậy có tới hàng trăm nghìn, hàng triệu mảnh rác nhựa. Phải đợi khoảng 1.000 năm, rác nhựa mới phân hủy hoàn toàn. Và quá trình phân hủy sinh ra rất nhiều chất độc hại, rác nhựa đe dọa trực tiếp sức khỏe của các loài sinh vật biển, như cá, tôm… Mà rất nhiều trong số đó lại là nguồn thực phẩm của một bộ phận lớn nhân loại.

Sau một lần đi lặn tại Địa Trung Hải bên bờ biển Hy Lạp, chàng trai Hà Lan nhận ra rằng số lượng rác nhựa dưới biển còn nhiều hơn cả cá. Giải thoát các đại dương khỏi khối rác nhựa kinh hoàng này là ý tưởng của Boyan Slat trong một bữa ăn tối với gia đình. Ý tưởng đeo đuổi cậu cho đến khi một phương pháp độc đáo thành hình.

Để có thể hút được rác nhựa dưới biển, Boyant Slat đã nghĩ đến nhiều cách, trước khi từ bỏ tất cả - vì để vận hành được chúng phải tốn kém nhiều về năng lượng và tác động không tốt đến môi trường. Ý tưởng cuối cùng của Boyant Slat là một « chiếc phễu khổng lồ »…, lợi dụng các dòng chảy ngầm, gió biển và mặt trời để vận hành. Để toàn tâm, toàn ý cho sáng kiến này, nhà sáng chế đã « tạm dừng » theo học nghề kỹ sư hàng không-không gian. Theo báo chí Pháp, sáng kiến đầy hứa hẹn nói trên đã nhận được giải thưởng của đại học công nghệ Delft (Hà Lan).

Năm 2013, người thanh niên Hà Lan công bố dự án mang tên « The Ocean Cleanup », được 100 người tình nguyện tham gia. Anh hy vọng sẽ thu thập được 2 triệu đô la để xây dựng một mô hình thử nghiệm, có thể ứng dụng được trong vòng ba, bốn năm tới.

Theo một số chuyên gia, sáng chế này sẽ có một tác động đáng kể đối với sức khỏe của các đại dương. Một nghiên cứu về tính khả thi của sáng kiến này cho thấy, nếu thành công, ta có thể dọn được một nửa rác ở Thái Bình Dương trong vòng 10 năm, tương đương 70 triệu kg rác nhựa. Tuy nhiên, Boyan Slat cũng hiểu rất rõ giới hạn của công việc này. Trả lời báo chí, anh nói : « Rác nhựa chỉ là một phần của vấn đề. Còn nhiều vấn đề khác, như axit hóa, đánh bắt hải sản thái quá […] và đồng thời cũng phải nghĩ ra cách để cản trở rác nhựa trôi xuống biển ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.