Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Tank Man, biểu tượng bất diệt của Thiên An Môn

Có một người biểu tình Trung Quốc nổi tiếng cả thế giới nhưng không ai biết anh là ai mà đành tạm hài với biệt danh "Tank man". Nhưng "người hùng" ấy của Thiên An Môn" từ một phần tư thế kỷ qua vẫn luôn là biểu tượng cho cuộc đấu tranh bất bạo động trước sự đàn áp của quân đội.

"Tank man", biểu tượng của người hùng bất khuất tại Thiên An Môn (64memo.com)
"Tank man", biểu tượng của người hùng bất khuất tại Thiên An Môn (64memo.com)
Quảng cáo

« Tank Man » còn là tên tấm ảnh mang tính biểu tượng của thế kỷ 20. Hình ảnh lịch sử không thể quên lãng này vẫn tiếp tục được nhân bản, sao chép, phổ biến dưới nhiều hình thức bất chấp sự kiểm duyệt hà khắc của chính quyền Trung Quốc.

Trở lại với sự kiện đẫm máu tại quảng trường Thiên An Môn. Ngày 05/06/1989, vào gần giữa buổi trưa sau hôm phong trào Mùa xuân Bắc Kinh của sinh viên bị chính quyền dìm trong máu, một người đàn ông, còn trẻ, đã dám đứng ra cản đường tiến đoàn chiến xa của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến vào quảng trường.

Một mình đơn độc, trong chiếc áo sơ mi trắng và chiế quần sẫm màu, hai tay sách túi, người thanh niên đã đứng giữa đại lộ Hoà Bình thênh thang trải dài qua quảng trường Thiên An Môn, nơi các lều trại đấu tranh của những sinh viên Trung Quốc đấu tranh đòi dân chủ vừa bị quân đội giải toả.

Rất nhiều lần, chiếc xe tăng dẫn đầu đoàn quân cố tránh ra người thanh niên biểu tình để vượt lên. Nhưng mỗi lần như vậy, người thanh niên lại dũng cảm đứng vào giữa đầu chiếc chiến xa. Người thanh niên lẻ loi đó dường như nhiều làn cố thuyết phục điều gì đó với binh sĩ lái xe tăng trước khi bị những người lạ mặt, dường như là an ninh, dẫn đi biệt tích.

Chỉ cần xuất hiện vài phút một cách can đảm, bình tĩnh ngay giữa thủ đô đang bị vây kín bởi quân đội rồi sau đó mất tích, người thanh niên đã trở thành biểu tượng vĩnh cửu của cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Trung Quốc.

Nhà đấu tranh ly khai nổi tiếng Hồ Giai nói với với AFP rằng, « điều anh thanh niên là đã là biểu tượng cho tinh thần của giới trẻ lúc bấy giờ ». Đến nay có rất nhiều giải thuyết về số phận của người hùng Thiên An Môn. Một số thậm chí còn xác định anh thanh niên có tên Wang Weilin, tuy nhiên chi tiết này vẫn không được kiểm chứng.

Cũng như nhiều người khác ở Trung Quốc, Hồ Giai đã tự tiến hành một cuộc điều tra riêng. Anh nói : « Tôi đã theo mọi hướng nhưng cũng không đi xa hơn một vài tấm ảnh và băng hình Tôi đã tìm kiếm các nhân chứng ở trên phố nhưng cũng vô ích. Thậm chí tôi đã đề nhờ những người bạn làm ở cơ quan tham mưu quân đội ở Sơn Dương giúp đỡ tìm người lái chiếc xe tăng đi đầu hôm đó ».

Về phía chính quyền, chỉ có sự im lặng tuyệt đối. Một năm sau ngày diễn ra sự kiện Thiên An Môn, Barbara Walters, nữ nhà báo nổi tiếng của truyền hình Mỹ bất ngờ đưa ra tấm ảnh « Tank Man » giữa cuộc phỏng vấn ông Giang Trạch Dân khi đó là nhân vật số 1 của chính quyền Bắc Kinh. Bà hỏi : « Điều gì đã đến với chàng thanh niên này ?», ông Giang ban đầu né tránh nói rằng anh thanh niên không bị chiến xa đâm, rồi sau đó ông nói không biết về số phận người thanh niên sau đó ra sao.

Nói về bức ảnh. Tấm hình này do phóng viên nhiếp ảnh của AP Jeff Widener chụp được từ ban công một khách sạn Bắc Kinh.

Mặc dù ông không phải là nhân chứng duy nhất ghi lại hình ảnh của Tank Man trên quảng trường Thiên An Môn hôm đó, nhưng tấm ảnh của anh đã có thành công lớn là được phổ biến trên khắp thế giới, trừ Trung Quốc. Công ty America On Line ( AOL) đã chọn tấm hình này là một trong mười bức ảnh nổi tiếng mọi thời đại.

Từ 25 năm qua, người ta không thể tính được bao nhiêu lần bức hình này đã được tái hiện sử dụng, khi thì là các tổ chức nhân quyền, khi thì là những phong trào phản kháng ở khắp nơi. Biểu tượng này cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ ở khắp thế giới và thậm chí còn được ngành công nghiệp quảng cáo khai thác.

Do chế độ kiểm duyệt hà khắc, ở Trung Quốc, bức ảnh vẫn còn xa lạ với rất nhiều người. Phải sau nhiều năm đã được lan truyền khắp thế giới, nhà dân chủ Hồ Giai mới phát hiện ra bức ảnh Tank Man.

AFP liên hệ với Jeff Widener, tác giả của tấm ảnh, nay đã 57 tuổi. Ông thổ lộ « Mỗi khi nghĩ tới Tank Man tôi lại tự hỏi điều gì đã đến với anh ta. Rất lạ là tôi cảm thấy rất gần gũi với anh. Chúng tôi giờ đây như cặp anh em song sinh. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được danh tính của anh, như vậy cũng như một người lính vô danh. Anh nhắc luôn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tự do, dân chủ và quyền bảo vệ phẩm giá của mình ».

Còn nhà đấu tranh Trung Quốc Hồ Giai thì nghĩ rằng : « có thế Tank Man đã bị giết, bị bỏ tù hay trốn thoát ra nước ngoài. Nhưng điều đó không thực sự quan trọng vì tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều là những Tank Man. Với cách nhìn đó, anh vẫn sống mãi ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.