Vào nội dung chính
THÁI LAN - KHỦNG HOẢNG

Cựu Thủ tướng Thái Lan bị Quân đội tạm giữ

Hai ngày sau cuộc đảo chính, Quân đội Thái Lan vào hôm nay 24/05/2014 đã thông báo quyết định tạm giam cựu Thủ tướng bị truất phế Yingluck Shinawatra cùng với một số Bộ trưởng của bà trước đây. Theo phát ngôn viên quân đội Thái, bà Yingluck có thể bị tạm giữ trong vòng một tuần lễ. Mặt khác, quân đội cũng tuyên bố giải tán Thượng viện và đảm nhận quyền lập pháp.

Cựu Thủ tướng Yingluck có thể bị tạm giữ trong vòng một tuần - REUTERS /Athit Perawongmetha
Cựu Thủ tướng Yingluck có thể bị tạm giữ trong vòng một tuần - REUTERS /Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Vào hôm qua, Tư lệnh Quân đội, tướng Prayuth Chan-ocha, tự phong làm Thủ tướng, đã triệu mời các nhân vật lãnh đạo Thái Lan trước đây trong đó có bà Yingluck, cùng với đại diện các đảng phái, xã hội dân sự tổng cộng đến hơn 150 người đến họp tại Câu lạc bộ của quân đội.

Theo AFP, vào hôm nay, quân đội đã mời thêm 35 nhân vật tên tuổi trong đó có các giáo sư đại học, đến gặp họ. Sondhi Limthongkul, người thành lập phong trào Áo Vàng, cũng được triệu mời.  

Tại Bangkok, các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hạn chế quyền tự do đã gây bất bình, một số người đã biểu tình phản đối. Thông tín viên RFI, Arnaud Dubus tường thuật tình hình ở Bangkok :  

« Từ lúc đảo chính, quân đội đã ban hành lệnh giới nghiêm, cấm mọi cuộc tụ tập trên 5 người, đình chỉ các chương trình phát thanh, truyền hình. Người dân đã biểu tình phản đối các hạn chế trên. 

Liên quan đến vụ bắt giữ cựu Thủ tướng Yinglụck và nhiều thành viên trong nội các của bà, phát ngôn viên quân đội hôm nay thông báo họ có thể bị giữ « cho đến một tuần », xác định thêm là bà Yingluck đang ở một « nơi an toàn ». 

Vụ bắt giữ này làm nhiều người e ngại một cuộc thanh trừng. Hiện nay số người bị bắt giữ không biết là bao nhiêu. Trong cuộc họp báo, phía quân đội từ chối không cho biết con số người bị họ « tạm giam ». 

Riêng về bà Yingluck, một sĩ quan cao cấp, Tướng Tirachai Nakwanich, cho biết là bà vẫn « bình an », và việc bà có được nhanh chóng trả tự do hay không tùy thuộc vào « sự hợp tác » của bà. 

Tuy nhiên, nhìn chung thì cuộc sống hàng ngày ở Bangkok không bị tác động nhiều. Dân chúng có vẻ cam chịu. 

Sompong Woranai, một tài xế taxi giải thích là lệnh giới nghiêm và giới hạn hoạt động truyền thông, có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Mặt xấu là việc giới hạn quyền tự do, và chúng tôi không được biết tin tức gì cả. Mặt tốt là ngăn được biểu tình bạo động. 

Theo lời nhân chứng này, sinh hoạt hàng ngày không bị xáo trộn nhiều, không có nhiều khó khăn, gần như là bình thường, và cuộc đảo chính cần thiết, « nếu không thì có thể diễn ra một cuộc nội chiến ». 

Dưới mắt nhiều người, Quân đội Thái Lan đang đứng trước một thách thức rất lớn : Được đào tạo trong một hệ thống cứng ngắt và hoài cổ, họ sẽ quản lý và điều hành như thế nào một đất nước 65 triệu dân, nơi giao lưu thương mại của Đông Nam Á, có một nền kinh tế hiện đại và dân chúng gồm người đến từ tứ xứ.

Trước mắt kinh tế Thái rất khó khăn sau nửa năm khủng hoảng chính trị với những cuộc biểu tình rầm rộ. 

Washington không tán thành cuộc đảo chính, và vào hôm qua đã đình chỉ việc tháo khoán 3,5 triệu đô la, tức 1/3 trợ giúp quân sự cho Thái Lan. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf còn cho biết là Washington đang xét lại phần còn lại của viện trợ - 10,5 triệu đô la năm 2013 - xem có cắt thêm hay không.Theo bà Marie Harf, Hoa Kỳ đã liên hệ với lănh đạo quân đội Thái Lan, thúc giục trao quyền lại cho chính quyền dân sự. 

Luật của Mỹ buộc chính quyền Washington phải ngưng trợ giúp các quân đội nước ngoài lật đổ chính quyền dân cử tại nước họ. Washington cũng cảnh báo kiều dân sang du lịch Thái Lan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.