Vào nội dung chính
LIÊN TRIỀU

Biết chết cũng phải đi: Khi tỵ nạn Bắc Triều Tiên liều mạng

Về thời sự Châu Á, nhật báo Libération nhìn về bán đảo Triều Tiên qua bài viết : « Hành trình của người dân từ Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc ». Thông tín viên Eva John tại Seoul tường thuật lại trường hợp của bà Park Ji-su, một kiến trúc sư Bắc Triều Tiên, đã cùng gia đình chạy trốn khỏi chế độ độc tài do điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.

Một cuộc biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul đòi ngưng cưỡng bách hồi hương dân tỵ nạn Bắc Triều Tiên - REUTERS /Kim Hong-Ji ùin
Một cuộc biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul đòi ngưng cưỡng bách hồi hương dân tỵ nạn Bắc Triều Tiên - REUTERS /Kim Hong-Ji ùin
Quảng cáo

Từ nay, bà sống tại Seoul và làm hướng dẫn viên cho du khách tại khu vực biên giới. Đồng thời, trái với phần đông những người tỵ nạn khác, bà nhiệt tình làm chứng về cuộc sống khốn khó tại đất nước khép kín nhất hành tinh này. Tuy không hề hối tiếc về quyết định ra đi của mình, bà Park Ji-su vẫn luôn rất gắn bó với quê hương.

Bà vẫn mơ ước được sống tại một thành phố sáng choang ánh điện trong khi tại quê hương của bà lại chìm ngập trong bóng tối một khi mặt trời đi ngủ. Đôi khi, chính quyền Bắc Triều Tiên chỉ cho dùng điện 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Theo bà Park Ji-su, đó là một vùng đất tươi đẹp, có nhiều cây cối nhưng giờ đây đã bị đốn sạch để bán cho Trung Quốc.

Cho đến những năm 1990, bà Park Ji-su vẫn cảm thấy khá hài lòng về cuộc sống tại quê nhà. Có trình độ học vấn cao, bà đã làm việc cho một công ty xây dựng và thuộc một tầng lớp xã hội khá giả. Bà cho biết đã rất biết ơn cố lãnh đạo Kim Il-sung, người sáng lập ra đất nước Bắc Triều Tiên. Nhờ vào vị lãnh tụ này mà bà được học hành miễn phí. Người dân được phân phát quần áo, tem phiếu để ăn uống.

Sau khi lãnh tụ Kim Il-sung qua đời, đất nước chìm trong nạn đói và bà khó khăn nuôi nấng con mình. Đối với bà, đây là một bước ngoặt quan trọng của đất nước. Tem phiếu không còn giá trị nhiều như trước và người dân chỉ nhận được ít lương thực để sinh sống. Để sống sót, người dân buộc phải đổi tài sản lấy lương thực, mở ra một nền kinh tế ngầm và từ đó không ngừng phát triển.

Song song với công việc chính thức tại công ty, bà lao vào buôn lậu quần áo nhập từ biên giới. Chính tại biên giới với Trung Quốc, thị trường chợ đen phát triển mạnh nhất. Bà Park Ji-su hồi tưởng lại, khi bị công an bắt, cảnh sát tịch thu sản phẩm và chỉ trả lại hàng hoá khi đút lót một món tiền cho công an. Bà nhận định, công việc này tuy rủi ro nhưng so ra lợi nhuận cao hơn nhiều so với công việc chính thức của bà trong một công ty xây dựng mà vẫn thường không trả lương cho nhân viên.

Trong các mặt hàng quần áo bà bán có đủ loại, đủ màu, duy chỉ có quần jean là bị cấm bán vì đó là biểu tượng của kẻ thù Hoa Kỳ. Một ngày nọ con gái bà mặc quần jean và đã bị cảnh sát chặn lại và cắt nát cái quần. Sự kiện đó đã nung nấu thêm nỗi căm giận trong bà, cộng với đời sống ngày càng khó khăn. Một ngày nọ, được sự giúp đỡ của một người cậu tại trung Quốc, bà đã cùng với một phần gia đình trốn sang Trung Quốc nhưng tại đây, bà đã phát hiện ý định cậu mình muốn bán bà và các chị em bà cho những người nông dân Trung Quốc.

Vô cùng thất vọng, bà đã cùng gia đình trốn sang Thái Lan để có thể từ đó xin tỵ nạn tại Hàn Quốc, nhất là khi Trung Quốc thường gửi trả lại Bắc Triều Tiên những ai có ý đồ đào tẩu. Khi đặt chân được đến Hàn Quốc, bà buộc phải sống hai tháng rưỡi trong trại tạm trú để chuẩn bị hội nhập vào cuộc sống tại Hàn Quốc. Tại đó có các khóa học về lịch sử và ngôn ngữ, học về cách sử dụng thẻ ngân hàng. Ra khỏi trại, bà được cấp tiền và thẻ công dân Hàn Quốc để bắt đầu tìm việc làm và hội nhập vào cuộc sống.

Khi rảnh rỗi, bà học thêm tin học. Khó khăn lớn nhất của bà khi hội nhập tại đất nước Hàn Quốc là ngôn ngữ, thậm chí bà nói tiếng Hàn nhưng giọng nói là Bắc Triều Tiên cộng với một loạt các từ vay mượn tiếng Anh được sử dụng tại Hàn Quốc mà bà không hiểu nổi và cũng không dám nhờ người giải thích.

Giờ đây, bà đã có cuộc sống ổn định tại Hàn Quốc nhưng vẫn luôn nhớ về người chồng vẫn sống tại quê nhà, do chồng bà vẫn tin tưởng vào chế độ độc tài Bắc Triều Tiên và không chịu ra đi cùng gia đình. Bà cũng không dám liên lạc với chồng vì sợ ông ta sẽ gặp phiền phức với chính quyền.

Bóng ma Điện Biên Phủ

Ngày 07/05/1954, thất bại của quân đội Pháp đã đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến Đông Dương. 60 năm sau, phóng viên tạp chí Le Nouvel Observateur, tene là Đoàn Bùi người Pháp gốc Việt quay trở lại trận địa năm xưa để làm phóng sự về các mối hệ lụy, địa danh này vẫn tiếp tục ám ảnh con cháu của những người đã từng sống vào thời đó. Tạp chí đăng bài : « Những bóng ma của Điện Biên Phủ ».

Phóng viên mô tả phong cảnh tại địa danh lịch sử Điện Biên Phủ. Tại các quả đồi, nơi nhiều chiến sĩ ngã xuống, du khách vẫn thờ cúng, đốt tiền âm phủ cho người đã khuất để hy vọng linh hồn họ được siêu thoát vì người Việt Nam vốn tin rằng những chiến sĩ hy sinh không được chôn cất tại quê cha đất tổ sẽ trở thành những hồn ma vất vưởng. Do đó, người dân tổ chức đám giỗ hơn là ăn mừng sinh nhật cho trẻ mới sinh.
Bài phóng sự của phóng viên Đoàn Bùi, người Pháp gốc Việt, trước tiên được thu thập từ những cảm xúc của người thân trong gia đình bà.

Một cựu chiến binh Điện Biên Phủ nhận định, Pháp khai thác nước ta nhưng ông vẫn thấy yêu mến văn hóa Pháp và vẫn cố gắng nói tiếng Pháp với phóng viên sau nhiều năm không nói. Mặc dù trận chiến đã làm thiệt mạng đến 500 000 người, trong đó có 150 000 thường dân nhưng không hề có chút oán hận trong lòng người dân.

Còn về phía gia đình tác giả, cậu của bà luôn yêu mến nước Pháp và tiếng Pháp, đến nỗi, nhà ông cũng được xây dựng theo kiến trúc thời thuộc địa Pháp. Cha mẹ bà cũng đã chọn nước Pháp để du học và sau đó định cư. Trong gia đình bà ở miền Nam cũng như trong những gia đình quý tộc khác, người ta đặt tên Tây cho con cái, trường học cũng mang tên Tây. Sau khi chia cắt đất nước vào năm 1954, người dân miền Bắc ào ạt di cư vào Nam. Những người ở lại miền Bắc thì bị tịch thu ruộng đất, bị đấu tố và bị gọi là « Việt gian ». Thân nhân miền Bắc muốn gửi thư cho người nhà ở miền Nam phải gửi thư sang Pháp rồi bạn bè từ Pháp gửi hộ về miền Nam Việt Nam.

Tác giả nhận định giờ đây, trong ký ức của thế hệ ngày nay không còn nhớ gì nhiều về lịch sử. Thanh niên dán mắt vào mạng xã hội Facebook, chạy theo vãn hóa phương Tây, hàng hiệu, thức ăn nhanh. Thế nhưng, đằng sau nhà cao cửa rộng, sự phát triển ấy vẫn hiện hữu một vết thương giữa hai miền Nam Bắc mà qua bao thập kỷ vẫn không hàn gắn được.

Trên mẫu sơ yếu lý lịch để gửi xin việc tại các doanh nghiệp nhà nước luôn có một dòng câu hỏi : « Sau năm 1945, bố mẹ bạn làm gì ?... ». Một người Hà Nội thuật lại, gia đình bà có người di cư vào Nam cho nên bà chẳng được giáo viên đếm xỉa đến tại trường học, không được đi học đại học và vào Đảng. Gia đình bà bị liệt vào danh sách đen.

Hillary Clinton : Tham vọng bước vào Nhà Trắng vẫn không tắt

Chân dung cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton chiếm trang nhất nhật báo Libération ra ngày hôm nay với dòng tựa : « Một tham vọng Mỹ ». Là một chính khách quan trọng trong Đảng Dân chủ, Cựu Ngoại trưởng Mỹ không hề che giấu tham vọng bước vào Nhà Trắng vào năm 2016 và trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cường quốc số một thế giới. Bà đang ngầm chuẩn bị cho cuộc vận động tranh cử.

Tờ Libération dành nhiều trang cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton nhưng cũng không quên nhắc đến đời tư của bà cùng với cựu Tổng thống Bill Clinton. Theo các kết quả thăm dò, bà Hillary Clinton là ứng cử viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ cho chiếc ghế tổng thống vào năm 2016.

Trong bài xã luận của tờ Libération, tác giả nhận định, vẫn biết là tài năng thì không phân biệt tuổi tác, giới tính, màu da nhưng phải nói rằng một người phụ nữ mà trở thành Tổng thống Mỹ thì cũng phải thuộc dạng có bản lĩnh lắm. Trong bối cảnh mà đối thoại với Nga là vô cùng quan trọng hơn bao giờ hết, lúc mà một cuộc chiến tranh lạnh mới, có thể xảy ra thì những lời lẽ thiếu khôn khéo của bà Clinton khi so sánh Tổng thống Putin như Hít le, làm cho người ta hơi hoài nghi.

Thời làm Ngoại trưởng, bà đã xông xáo đó đây, cho thấy là bà có kinh nghiệm trước các vấn đề khó, nhưng dường như ứng cử viên tương lai của Đảng Dân chủ, quan tâm nhiều đến châu Á hơn là châu Âu. Có lẽ châu Âu không phải là mối ưu tiên hàng đầu cho nên dường như bà Clinton không ở trong tư thế chuẩn bị một cuộc đối đầu với Nga.

Cơn sốt đá quý tại Miến Điện

Nhìn sang Miến Điện, tạp chí L’Express có bài viết : « Cơn sốt hồng ngọc ». Trong khu rừng xung quanh thành phố Mogok, phía Bắc Miến Điện, những quả đồi chứa đựng một mỏ đá rubi có một không hai trên thế giới. Mỏ ngọc kỳ diệu được tạo hóa ban tặng này trở thành niềm mơ ước của người dân địa phương cũng như của những nhà sản xuất sừng sỏ, thân cận với chế độ.

Tạp chí đăng ảnh một người phụ nữ lội dưới sông đang đãi sỏi để mong tìm thấy những viên rubi. Tác giả cho biết, để được thăm một xưởng khai thác đá quý thì phải xin giấy phép của chính quyền. Các hầm mỏ được khai thác liên kết với nhà nước. Việc khai thác sẽ tàn phá cảnh quang và cần rất nhiều nước. Điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt và thường xảy ra tai nạn. Công nhân làm việc 10h/ngày, hít bụi đá độc hại mà chỉ nhận 80 euro/tháng.

Theo nguồn tin chính thức thì khi xuất lò, các hạt đá quý lớn nhất được đưa đến thủ đô Rangoon để bán cho khách hàng khắp thế giới. Trên thực tế, những viên đá quý to nhất được để giành rồi tìm cách đem đá quý dù trái phép sang Thái Lan, Hồng Kông để bán cho khách hàng giàu có Nga hay Trung Quốc, bởi vì nhà sản xuất biết rằng, họ có nguy cơ bị chính quyền tịch thu các viên đá quý. Các chuyên gia ước tính có 90% hồng ngọc trên thị trường được buôn bán chui.

Một hay hai lần trong năm, người thợ mỏ có thể tìm thấy một viên đá thô chưa mài dũa khoảng 9 hoặc 10 carat và bán ra khoảng ba đến bốn triệu đô la. Aung Soe Oo, một người khai thác mỏ nhận định, đây giống như chơi xổ số, chỉ cần tìm thấy một viên đá quý như vậy là đủ sống cả đời. Tại đây, làm giàu hay sạt nghiệp cũng tùy thuộc vào mối quan hệ với chính quyền.

Năm 2007, anh được quyền khai thác mỏ nhưng sau đó chính quyền đã tịch thu để giao cho người khác. Trước đây, người dân không được phép tự ý tìm đá quý rồi bán nhưng người dân vẫn tìm cách làm chui bằng cách mua chuộc các viên chức nhà nước để được quyền khai thác. Mỗi khi họ tìm thấy một viên rubi thì họ chia 1/3 giá bán được cho các nhân viên nhà nước. Một dự luật đang được bàn thảo nhằm cho phép người Miến Điện gốc Mogok được thuê một mẫu đất trong vòng ba năm để khai thác và tự do bán đá quý mà họ tìm thấy.

Ukraina : Tổng thống Nga thay đổi giọng điệu

Liên quan đến tình hình tại Ukraina, báo Le Monde có bài xã luận : "Tổng thống Nga thay đổi giọng điệu". Lại một lần nữa, Tổng thống Putin là người chủ động. Thứ tư vừa qua, chủ nhân điện Kremlin đã thay đổi diễn thuyết. Ông đã có những đề nghị mang tính hòa giải. Ông Putin đã kêu gọi lực lượng ly khai thân Nga phía Đông Ukraina dời ngày trưng cầu dân ý được định trước vào ngày 11/05 nhằm đòi quyền độc lập.

Ông còn hứa rút 40 000 quân Nga đang đồn trú tại biên giới. Trong lời nói của ông Putin, ít ra cũng có những khác biệt so với trước kia. Tuy nhiên, vẫn còn phải theo dõi xem ông Putin có làm như lời mình nói không. Cho đến lúc này, Hoa Kỳ và Liên minh NATO đều ghi nhận chưa thấy một đội quân Nga nào rút lui.

Suy cho cùng thì không cần biết nguyên nhân nào làm ông Putin thay đổi giọng điệu, có thể là sợ bị trừng phạt kinh tế, theo tác giả bài xã luận. Bây giờ thì cần phải buộc Nga thực hiện cam kết, tức là lời nói phải đi đôi với việc làm.

Trung Quốc muốn xây tuyến đường sắt cao tốc đến Mỹ

Trên lĩnh vực linh tế, báo Le Figaro đăng bài : « Trung Quốc muốn xây đường tàu cao tốc đến Mỹ ». Đi tàu hỏa đến Mỹ chỉ là tương lai gần, theo lời khẳng định của một chuyên gia đường sắt nổi tiếng, được đăng trên tờ Beijing Times (Bắc Kinh thời báo).

Bắc Kinh muốn xây dựng tuyến đường sắt dài nhất thế giới nối liền Trung Quốc với Hoa Kỳ với chiều dài kỷ lục là 13 000 km, xuyên qua kênh đào Bering bằng một đường hầm dài 200 km. Chuyến tàu nối Trung Quốc và Hoa Kỳ chạy chỉ mất hai ngày nhờ tàu cao tốc chạy với vận tốc trung bình 350 km/h.

Trước nền kinh tế đang có dấu hiệu hụt hơi, Trung Quốc muốn thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và nhắm vào tàu cao tốc để thúc đẩy tăng trưởng.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.